|
Ông Phạm Đình Nghiệp (phải) kể lại công cuộc tìm kiếm hài cốt đồng đội. |
Một trận đánh với nhiều mất mát
Ông Huỳnh Đức Khôi -nguyên là Tiểu đội trưởng bộ đội đặc công Huyện đội Nghĩa Hành trong chiến tranh chống Mỹ, nhớ lại: “Tôi cùng với các đồng chí trong Ban chỉ huy Đại đội 506A-bộ đội đặc công Tỉnh đội Quảng Ngãi trực tiếp lên sơ đồ tác chiến đánh chi khu quận lỵ Nghĩa Hành vào đầu năm 1968. Tất cả có chừng 100 tay súng, chia làm hai mũi ở phía đông, đánh thọc sâu vào trung tâm hành chính quận lỵ”.
Kế hoạch là 4 giờ sáng mới được nổ súng. Thế nhưng, mới 3 giờ sáng, một chiến sĩ đặc công đã vướng mìn, khiến cả một bãi mìn liên hoàn của ngụy cài bên ngoài quận lỵ bị kích nổ. Địch bắn pháo sáng, không lọt một con kiến nào. Cả một đại đội phơi mình lên trận địa cho pháo chụp của địch từ Tư Nghĩa, Minh Long bắn xối xả vào đội hình. Bên trong đồn, chúng dùng hỏa lực bắn trực diện vào bộ đội ta.
“Cả đại đội chỉ sống sót vài ba tay súng. Đó là đêm mùng 1-1-1968. Khoảng 4 giờ chiều mùng 2-1, chúng cho số lao công đào binh của ngụy ra lôi xác anh em lùa xuống giao thông hào và lấp lại. Trận đánh chuẩn bị cho Xuân Mậu Thân không ngờ tổn thất nặng nề đến vậy” - ông Khôi ngậm ngùi.
Sống trong day dứt
Ông Phạm Đình Nghiệp - Anh hùng Lực lượng vũ trang, nguyên là chính trị viên Đại đội 506A, suốt mấy chục năm qua luôn day dứt với nhiệm vụ “tự giao” cho mình là phải tìm cho bằng được số chiến sĩ của đại đội ông đã hy sinh ngày 1-1-1968 ấy.
Sau ngày hòa bình, ông Nghiệp giã từ nghiệp lính và bắt đầu một cuộc tìm kiếm không mệt mỏi về những chiến sĩ Đại đội 506A đã hy sinh trong trận đánh ấy. Ông nói rằng, tháng 9-1967, ông bận tham gia Đại hội Anh hùng toàn miền Nam tại Tây Ninh và trên đường về không kịp chứ không thì ông cũng cùng chung nấm mồ tập thể với nhiều anh em.
Ông Nghiệp đã nói với các đồng đội mà ông xa cách 42 năm rằng, chừng nào còn sống một giờ trên mặt đất này là một giờ ông phải tìm họ cho bằng được! Chính vì lẽ đó mà ông phải gác lại chuyến đi Hà Nội dự lễ 1000 năm Thăng Long, bởi ông là một trong một ngàn anh hùng của cả nước có được vinh dự đó.
Sau một thời gian dài đi tìm các nhân chứng sống cả bên ta lẫn bên ngụy và hai lần ra Hà Nội tìm đến các nhà ngoại cảm nhằm xác định chỗ nằm của số chiến sĩ 506A hy sinh, ông Nghiệp có tờ trình gửi lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi năm 2007.
Tuy nhiên, “tờ trình” của ông đã qua nhiều vị lãnh đạo, cuối cùng có lẽ nằm im trong một góc tủ nào đấy, ông bèn quyết định tự khai quật tìm đồng đội. Người con trai thấy cha mình quá đau khổ với những đồng đội đã hy sinh mà đành bất lực vì không có tiền để thuê người đào, anh cho cha 5 triệu. Ông Nghiệp đã dùng số tiền trên thuê nhân công và quyết định khai quật tại địa điểm phía sau UBND huyện Nghĩa Hành hiện nay.
Đến lúc này, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi mới quyết định vào cuộc. Trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hòa Bình đã chỉ đạo việc khai quật này. Mãi đến khi tỉnh có quyết định chính thức, giao cho các ngành liên quan trực tiếp khai quật, ông Nghiệp mới thôi day dứt với vong linh những đồng đội của mình.
Gặp lại sau 42 năm
Ngay ngày đầu tiên, những chiếc răng và nhiều mảnh hộp sọ nằm lẫn trong một số quân trang như vải dù Trung Quốc, hộp bao xe đạn... đã được phát hiện sau những nhát cuốc đầu tiên. Hố chôn nguyên là giao thông hào bao bọc quận lỵ nên nằm sâu trong nước. Trên 20 nhân công đã phải vừa bơm nước vừa đãi từng xô đất để tìm xương cốt các anh.
Sau 5 ngày tìm kiếm, đến chiều 22-9, đã có 47 bộ hài cốt đã được tìm thấy. 8 người trong số đó đã được xác định tên: Huỳnh Chí (Chiến), Nguyễn Danh Tuệ, Huỳnh Trinh, Hân, Hưng, Bần, Thịnh, Lâm. Dù không một chiến sĩ nào còn nguyên vẹn nhưng nhìn những lá cờ phủ trên từng thi thể các anh, ông Phạm Đình Nghiệp đã bật khóc. Hàng chục khuôn mặt quen thuộc dù đã xa khuất 42 năm, đã lần lượt hiện về.
Trần Đăng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.