Lưu Văn Bính
Thứ tư, ngày 02/09/2020 07:00 AM (GMT+7)
Hồi còn học phổ thông cách đây đã 45 năm, tôi đã từng nghe, từng học và đã thuộc lòng những vần thơ của cố nhà thơ Tố Hữu: "O du kích nhỏ giương cao súng /Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu /Ra thế to gan hơn béo bụng /Anh hùng đâu cứ phải mày râu"...
Tôi gặp bà Nguyễn Thị Kim Lai - người trong tấm ảnh nổi tiếng "O du kích nhỏ" hơn 50 năm về trước, tại nhà riêng của bà ở tổ 10, phường Bắc Hà, TP.Hà Tĩnh, vào một chiều hè nắng nóng. Theo hồ sơ giấy tờ thì bà Lai năm nay đã 75 tuổi, nhưng theo bà thì tuổi thực của bà là 72 tuổi. Ở tuổi ngoài 70, bà vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát, vui vẻ kể lại câu chuyện áp giải phi công Mỹ 55 năm trước.
Năm 1965, khi quân và dân miền Bắc đang tập trung chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ cũng là lúc xuất hiện tấm ảnh đen trắng với tên gọi "O du kích nhỏ" của nhà báo Phan Thoan (lúc đó đang công tác tại Báo Hà Tĩnh). Tấm ảnh đã trở thành một động lực, động viên cán bộ, chiến sỹ và nhân dân cả nước quyết tâm chiến đấu, đánh thắng giặc Mỹ...
Chỉ vào tấm ảnh có tính lịch sử, bà Thoan cho hay, khi đó bà chỉ cao 1m47, nặng 37kg. Hình ảnh bà bé nhỏ, cầm súng áp giải viên phi công Mỹ cao lớn cúi đầu bước đi lầm lũi, được ghi lại vào tháng 9/1965, đúng giai đoạn không quân Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc nước ta ác liệt nhất.
Bà Lai nhớ lại, tháng 9/1965, máy bay Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc, cùng với "túi bom" Ngã ba Đồng Lộc thì Hương Khê, Hà Tĩnh (quê của bà) cũng trở thành mục tiêu máy bay Mỹ trút bom đạn. Sáng 20/9, một máy bay Mỹ đang bắn phá cầu Lộc Yên thì bị trúng đạn pháo cao xạ của ta, bốc cháy, phi công nhảy dù xuống một vùng rừng núi của Hương Khê.
Để giải cứu viên phi công, Mỹ cho 3 trực thăng bay đến tìm kiếm. Một trong số 3 trực thăng này tiếp tục bị trúng đạn của dân quân Nông trường và rơi xuống, 3 phi công Mỹ thoát ra... Nhận được lệnh phải bắt sống phi công, quân dân huyện Hương Khê hô nhau rầm rập chạy lên núi truy bắt. Bà Lai lúc đó chỉ mới 17 tuổi, vừa tốt nghiệp cấp 2 đã tự nguyện tham gia dân quân tự vệ xã Phú Phong, đi trực chiến, đào công sự...
Khi máy bay Mỹ rơi, bà được cấp 1 khẩu súng trường để đi tìm phi công Mỹ (bà nói thời điểm đó bà chưa biết sử dụng súng, chỉ biết một việc duy nhất là bóp cò). 9 giờ sáng 21/9, tại một khu rừng thuộc địa phận xã Hương Trà, bà Lai phát hiện ra phi công William Andrew Robinson đang co ro trốn trong một hốc đá. Sau giây phút trấn tĩnh, bà bắn 3 phát chỉ thiên, viên phi công giơ tay đầu hàng và bước ra khỏi chỗ ẩn nấp.
Nghe tiếng súng, lập tức có nhiều người chạy đến hỗ trợ, khống chế và áp giải William Andrew Robinson về giao cho Huyện đội. Bà Lai là một trong những người được giao áp giải phi công đó. Tấm ảnh chụp khoảnh khắc bà Lai dẫn giải phi công thì chính bà cũng không biết được chụp khi nào và ai chụp; mãi sau này, khi có người in ra, kèm bài thơ của nhà thơ Tố Hữu, bà mới biết.
Sau sự kiện trên bà Lai được đề bạt làm Xã đội phó nhưng bà không nhận. Bà xung phong vào chiến trường, làm y tá tại một trạm quân y ở Quảng Trị. Năm 1969, bà bị thương nặng và được đưa ra Bắc điều trị. Sau khi xuất viện, bà về công tác tại Viện Đông y tỉnh Hà Tĩnh cho đến ngày nghỉ hưu theo chế độ. Cũng thời gian này bà xây dựng gia đình. Chồng bà là ông Nguyễn Anh Đức, thương binh hạng 2/4. Ông bà có với nhau 3 mặt con (2 gái, 1 trai). Ông Đức mất đã 16 năm.
Điều bất ngờ và thú vị là năm 1995, tức 30 năm sau sự kiện "O du kích nhỏ", 2 nhân vật trong tấm hình đã có dịp gặp nhau khi Hãng Truyền hình NHK (Nhật Bản) phối hợp Xưởng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất bộ phim tài liệu "Kim Lai-Robinson trong ảnh mà Phan Thoan là tác giả". Cuộc tái ngộ sau 30 năm không còn khoảng cách, ranh giới giữa hai người từng là thù địch, thay vào đó là sự xúc động, nhiều kỷ niệm... Gặp nhau họ đã chia sẻ nhiều chuyện buồn vui trong cuộc sống của mỗi người 30 năm qua, cùng về thăm lại hang đá năm xưa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.