Gặp lão nông vừa là “tỷ phú nuôi lợn”, vừa là nhà sáng chế tài năng

Minh Ngọc Thứ hai, ngày 02/03/2020 11:32 AM (GMT+7)
Về xã Việt Ngọc, huyện Tân Yên (Bắc Giang) hỏi thăm ông Nguyễn Bá Hữu nuôi lợn thì từ người già đến trẻ không ai không biết. Cách đây 15 năm, trang trại của ông Hữu chỉ là khu đầm lầy bị bỏ hoang cỏ mọc um tùm, người dân Đầm Lác chẳng ai nghĩ đến sẽ có một ngày khu đất ấy lại trở thành trang trại mang về thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Bình luận 0

Cái nghiệp... nuôi lợn

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Bá Hữu cho biết: Ông sinh ra trong một gia đình làm nông nghiệp, năm 1988 ông lấy vợ và ra ở riêng, cuộc sống khó khăn, ông bôn ba đủ nghề. Năm 2005 ông chạy xe đường dài. Một lần người bạn chạy xe cùng gặp tai nạn nên ông vào Bình Dương để giải quyết hậu quả.

img

Ông Nguyễn Bá Hữu bên đàn lợn tại trang trại của gia đình. Minh Ngọc

"Ngày ấy, đầm lầy hoang vu không điện, đường... đi lại khó khăn, vất vả. Có ngày mưa vào trại tôi bị trượt ngã gãy cả chân, nhưng nghĩ mình đã từng trải qua đời quân ngũ, vượt qua bao nhiêu hiểm nguy giờ thời bình lại đầu hàng thì xấu hổ nên lại càng phải cố gắng vượt qua".

Ông Nguyễn Bá Hữu

Hơn một tháng ở Bình Dương, trong một lần đi dạo, ông bắt gặp một khu trang trại rộng lớn, được xây kín tường rào bao quanh. Tò mò không biết bên trong làm gì, ông tìm cách nhờ người trông trang trại dẫn vào xem. "Vào bên trong ngạc nhiên khi thấy trang trại chăn nuôi hơn 500 con lợn mà im lìm, chỉ cần một người chăm sóc, còn ăn mặc sang trọng" - ông Hữu kể.

Về nhà, hình ảnh trang trại lợn cứ ám ảnh trong đầu ông. Trăn trở một thời gian, ông quyết định bỏ nghề lái xe để theo "nghiệp nuôi lợn". Nhưng mọi chuyện bắt đầu đâu có dễ dàng như mình nghĩ. “Khi tôi nói ý tưởng với vợ thì bị bà gạt phăng đi vì cho rằng đó chỉ là ảo tưởng” - ông Hữu nói.

Không thuyết phục được vợ, nhưng với quyết tâm làm, suy nghĩ chắc chắn sẽ thành công. Để có tiền đầu tư, một lần vợ ông có việc xuống Hà Nội, ông bèn lấy 55 cây vàng (vốn tích góp sau 15 năm lái xe) đem đi bán. Với số tiền có được từ bán 55 cây vàng, ông mua đất của 100 hộ dân trong thôn. Còn lại ông để đầu tư xây dựng chuồng trại và làm vốn ban đầu.

"Ngày ấy, chỗ này là đầm lầy hoang vu không điện, đường... đi lại khó khăn, vất vả. Có ngày mưa vào trại tôi bị trượt ngã gãy cả chân, nhưng nghĩ mình đã từng trải qua đời quân ngũ, vượt qua bao nhiêu hiểm nguy giờ thời bình lại đầu hàng thì xấu hổ nên lại càng phải cố gắng" - ông Hữu bộc bạch.

Sau khi cải tạo, xây dựng được chuồng trại, trang trại rộng 4.000m2 đi vào hoạt động, năm 2006 ông bắt đầu nuôi lứa lợn đầu tiên với 500 con lợn. Hơn 5 tháng chăm sóc, xuất bán lứa đầu tiên, ông thu lãi 70 triệu đồng. Lứa đầu đã thắng, những lứa sau ông tiếp tục mở rộng chuồng trại, tăng số lợn lên. Đến nay, trung bình một năm ông xuất bán khoảng 5.000 con lợn, thu lãi hàng tỷ đồng.

img

Máy đẩy phân có tác dụng đẩy phần bã phân nổi lên trên bề mặt, còn nước thải sẻ được dẫn đến các bể để lắng, lọc. Ảnh: Minh Ngọc

Những sáng chế để đời

Với tư duy nhạy bén, sáng tạo, ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm là những gì chúng tôi cảm nhận được sau câu chuyện ông Nguyễn Bá Hữu chia sẻ về “nghiệp nuôi lợn” của mình.

Ông Hữu đã biến khu đầm lầy bỏ không của thôn thành trang trại VAC thu hàng tỷ đồng mỗi năm, với những kết quả đạt được, năm 2017 ông Hữu được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; tháng 10/2019, ông là nông dân tiêu biểu toàn quốc được vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019.

Với tâm niệm chăn nuôi, làm giàu cho gia đình nhưng vẫn phải giữ gìn vệ sinh môi trường cho cộng đồng, ông Hữu đã xây dựng hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi 1.200m3 trị giá 1,7 tỷ đồng.

Điều đặc biệt khiến chúng tôi càng khâm phục hơn nữa, đó là xây dựng hệ thống kỹ thuật xử lý nước thải trong chăn nuôi đều được ông Hữu tự mình sáng chế. Sáng kiến này đã đoạt giải 3 trong cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Bắc Giang năm 2016-2017.

Chia sẻ về hệ thống xử lý nước thải trong chăn nuôi, ông Hữu cho biết: “Để xây dựng và đưa vào xử dụng, tôi đã phải xây 20 bể ngầm liên tiếp nhau, có một số bể phải cho đá vào bên trong để làm sạch nước. Thiết kế của các bể phải có độ sâu 2,5m, ngang 3m và chiều dài 17m”.

Đầu tiên, ông xây một hệ thống mương dẫn phân, nước thải từ các khu chuồng nuôi xuống một bể lọc đặc biệt. Bể lọc này có thể tích 49m3, hình vuông (7x7x7), bên trong được chia làm 4 ngăn bằng tường gạch. Các ngăn thông nhau bằng một hệ thống lọc để tách, giữ lại chất thải rắn. Sau khi tách được phân, chất thải lỏng còn lại được chảy xuống bể biogas.

Khi chất thải từ bể biogas thoát ra, ông Hữu lại thiết kế một bể lớn gồm 6 ngăn sâu 2m, ở dưới là đá hộc lớn, ở trên thiết kế bằng đá nhỏ bằng đầu đũa. Cứ mỗi ngăn đầu, chất thải sẽ đi ra theo hình sin.

Để ngăn không cho phân lợn tại bể lọc phân hủy thành khí gây ô nhiễm môi trường, ông Hữu xây một khu xử lý phân rộng khoảng 70m2 ngay kế bên...

Ngoài tự mình sáng chế ra hệ thống xử lý nước thải trong chăn nuôi, để tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên và khí biogas để nấu cám cho lợn ông Hữu còn tự mình thiết kế ra 6 “nồi cám siêu to”. Mỗi mẻ cám, một chiếc nồi nấu được trên 3 tạ ngô (nghiền), 2 tạ gạo, 50kg cá, 5 gánh bèo công nghiệp). Thời gian nấu mỗi mẻ cám khoảng 6 - 8 tiếng. Từ đó, ông Hữu cho lợn ăn luân phiên 1 ngày sử dụng cám ăn thẳng, 1 ngày sử dụng cám tự nấu, lợn lớn nhanh, da hồng và gần như không có bệnh.

Không chỉ sáng chế phục vụ cho chăn nuôi, ngôi nhà tiền tỷ mà ông Hữu vừa xây dựng xong là cũng từ những suy nghĩ, ý tưởng của chính bản thân mình. Ông Hữu chia sẻ: “Trong một lần đi du lịch bên Thái Lan, tôi đã được vào thăm cung điện của nhà vua, tôi quan sát rất kỹ từng chi tiết, chụp ảnh và ghi hình lại, vì vậy trong quá trình tôi xây dựng nhà nên đã nảy sinh ý tưởng thiết kế giống với cung điện của nhà vua Thái Lan”...

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem