Gặp mặt Tưởng niệm Gạc Ma, Trường Sa

Bài, ảnh: Hùng Phiên Thứ hai, ngày 14/03/2016 20:21 PM (GMT+7)
Chiều tối 14.3, tại Trại giống nông nghiệp xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa (Phú Yên), trên 300 cựu binh Trường Sa từ nhiều tỉnh thành trong nước đã về họp mặt Tưởng niệm 28 năm sự kiện Gạc Ma (1988 - 2016). Cùng đi với các anh còn có vợ, con; họp mặt có cả “dâu, con Trường Sa”. Đây là hoạt động diễn ra trong nhiều năm qua của các cựu binh Trường Sa.
Bình luận 0

Như bao lần trước, cuộc gặp mặt Tưởng niệm Gạc Ma lần thứ 9 tại Phú Yên vẫn ghi trên giấy mời và phông màn: Kỷ niệm “Sự kiện Trường Sa”.

img

Cuộc gặp mặt Tưởng niệm 28 năm Hải chiến Gạc Ma, được tổ chức tại sân Trại giống nông nghiệp xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa (Phú Yên).

Chị Cao Thị Hiển (vợ cựu binh Phạm Nhất Thành, lính đảo Song Tử Tây từ 1985 - 1988) cho biết: “Anh ra quân và vợ chồng cưới nhau năm 1989. Giờ đã có 2 con; gái đầu vừa có chồng. Vợ chồng mình cứ thế cặm cụi làm ăn, anh có chế độ gì thì nhận, không đòi hỏi chi. Mỗi lần được dự họp mặt là rất tự hào. Anh giờ có tham gia Hội Cựu chiến binh thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An (Phú Yên)”.

img

Vợ chồng cựu binh Phạm Nhất Thành và con trai út.

Ông Đào Thái Thi - Trưởng Ban liên lạc Cựu binh Trường Sa tỉnh Phú Yên cho biết: “Anh em nhóm chúng tôi hiện vẫn hoạt động “tự do”, chưa có gì chứng nhận chính danh, nên không thể gọi là Hội được. Ban liên lạc đã có văn bản gửi Hội Cựu chiến binh Phú Yên để tham gia sinh hoạt chính thức nhưng vẫn chưa được thấp thuận. Họ đòi hỏi đủ thứ, từ bằng cấp trình độ của đại diện Ban liên lạc, rồi lắm thứ yêu cầu thủ tục khác. Hầu hết, anh em chúng tôi đều không thể đáp ứng; vậy là chúng tôi… "đứng ngoài". Muốn có con dấu để đóng trong giấy mời, gửi giấy tờ quan hệ, thư xin tài trợ gặp mặt,… mà cũng không thể có được. Theo tôi biết, chỉ mới có Hội Cựu binh Trường Sa tại Khánh Hòa là được sinh hoạt chính thức trong Hội Cựu chiến binh của Tỉnh…”.

img

Bàn tiếp nhận đóng góp của cựu binh Trường Sa, để chi phí cho cuộc gặp mặt, thăm hỏi các hoàn cảnh cựu binh.

img

Ghi tên từng cựu binh và đếm kỹ số tiền đóng góp.

Theo ông Thi, hiện anh em vẫn “của ít, lòng nhiều” góp nhau để trang trải chi phí mỗi kỳ họp mặt: “Người khó thì 1 - 2 trăm ngàn, người khá thì một vài triệu đồng. Các kỳ gặp mặt trước, tổng chi tiền quyên góp xong, đều bị “âm” mỗi lần hơn 10 triệu đồng. Sau đó, vận động một số cựu binh làm ăn khá… tìm cách giải nợ. Kể cả việc tặng quà cho gia đình liệt sĩ Gạc Ma và anh em cựu binh khó khăn, cũng chính trong anh em cựu binh hảo tâm xuất tiền… Anh em cựu binh Trường Sa tại Phú Yên hiện có gần 1.000 người…”.

Còn ông Huỳnh Bá Thoại - thành viên thường trực Ban liên lạc Cựu binh Trường Sa Phú Yên trăn trở: “So với những cựu bình các thời kỳ trước, cựu binh Trường Sa bị thiệt thòi, phân biệt. Trong các cuộc họp mặt Gạc Ma, một số lãnh đạo được mời cũng không đến dự. Tôi xin không trả lời lý do vì sao Tưởng niệm Gạc Ma phải ghi là “Kỷ niệm Sự kiện Trường Sa”... Tôi cũng không hiểu sao, bộ đội sống sót trận Gạc Ma được quân ta cứu thì sau đó phong anh hùng; còn số anh em bị Trung Quốc bắt thì đang gặp trục trặc về khám chữa bệnh, đời sống rất khó khăn…”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem