Tướng Lê Mã Lương: 'Gạc Ma - Vòng tròn bất tử' không tạo hận thù

Lương Kết (thực hiện) Chủ nhật, ngày 13/03/2016 10:31 AM (GMT+7)
Thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết, cuốn sách “Gạc Ma - Vòng tròn bất tử” do ông và đồng đội thực hiện nhằm tôn vinh 64 liệt sĩ và không có ý khơi lại hay tạo ra một sự hận thù gì.
Bình luận 0

Là người chủ biên bản thảo cuốn sách "Gạc Ma - Vòng tròn bất tử", ông có băn khoăn gì khi hơn 2 năm cuốn sách gửi qua hơn chục nhà xuất bản (NXB) vẫn không in được thưa ông?

- Tôi không có băn khoăn gì chỉ thấy có điều hơi lạ. Lạ là vì cuốn sách nhằm tôn vinh những người anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu bảo vệ Tổ quốc nhưng gửi hết nhà xuất bản này đến nhà xuất bản kia nhưng vẫn không xuất bản được.

img

Bìa bản thảo cuốn "Gạc Ma - Vòng tròn bất tử"

Khi chúng tôi gửi bản thảo cuốn sách này sang NXB Quân đội Nhân dân, anh em của nhà xuất bản này nói đây là bản thảo rất chất lượng. Cuốn sách này nhằm tôn vinh những người có công bảo vệ đất nước, đáng được trân trọng để in. Thế nhưng thời gian cứ trôi đi gần một năm trời bản thảo cuốn sách vẫn nằm im.

Tôi không nhận được phản hồi gì mặc dù giữa tôi và NXB Quân đội Nhân dân không lạ gì nhau. Nhà xuất bản này từng in cho tôi gần 30 cuốn sách, trong đó 3 năm gần đây mỗi năm in 1 cuốn, đây là quãng thời gian tôi đã nghỉ hưu. Có thể nói tôi và chỗ bên Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân là chỗ thân tình, còn bên Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng không lạ gì tôi.

Theo suy nghĩ của ông cuốn sách chưa xuất bản được do nội dung có điểm nhạy cảm hay do vấn đề gì?

Tại cuộc họp giao bàn ngành báo chí ngành thông tin truyền thông chiều 8.3, ông Chu Hòa - Cục trưởng Cục xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT) cho biết, bản thảo "Gạc Ma - Vòng tròn bất tử"  vẫn còn nhiều sự kiện, chi tiết liên quan chưa được thẩm định. Các NXB muốn xuất bản cuốn sách này thì phải có hội đồng thẩm định. Mới đây, Cục XB đã chuyển bộ tài liệu về cuốn sách để lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương xem xét.

- Anh em chúng tôi viết cuốn sách nhằm tôn vinh 64 liệt sĩ, điều này tôi nghĩ không khơi lại hay tạo ra một sự hận thù gì. Tuy nhiên cuốn sách bị chậm trong việc xuất bản có lẽ người ta nghĩ là nó đụng chạm đến quan hệ giữa Việt Nam - Trung Quốc.

Sau những năm 90 của thế kỷ trước cho đến nay dường như chúng ta đã có "khoảng lặng" xung quanh cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 chống quân xâm lược Trung Quốc. Có lẽ "khoảng lặng" này đã ảnh hưởng đến việc ra đời của cuốn sách. Về "khoảng lặng" này đã có rất nhiều người nói, nếu như chúng ta vẫn cứ như vậy sẽ thiếu tôn trọng lịch sử và có lỗi với tiền nhân.

Ông có lo ngại nhiều năm nữa cuốn sách vẫn không được cấp phép để xuất bản thưa ông?

- Nhiều anh em trong nhóm chúng tôi rất hy vọng bản thảo cuốn sách "Gạc Ma - Vòng tròn bất tử" sẽ sớm được Cục xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin Truyền thông) cho giấy phép để xuất bản cuốn sách. Với tôi kinh nghiệm viết, biên tập sách, làm sách nhiều năm tôi suy nghĩ cũng hết sức bình tĩnh.

img

Thiếu tướng Lê Mã Lương. Ảnh: Đàm Duy

Cuốn sách xuất bản được vào thời điểm này là rất tốt, nó khẳng định một điều cuộc sống hôm nay đã cởi mở hơn. Thứ hai là chúng ta thể hiện được sự công bằng với lịch sử, thực sự chúng ta đã thể hiện được thái độ nghiêm túc khi tri ân những người đã hy sinh vì Tổ quốc.

Tôi nghĩ có thể thời điểm này cuốn sách chưa thể xuất bản nhưng cũng không thể để lâu một sự kiện mà xã hội quan tâm, như thế là chúng ta có lỗi với những người đã ngã xuống, có lỗi với đồng bào.

Ông có thể giới thiệu sơ qua về nội dung của bản thảo cuốn sách Gạc Ma - Vòng tròn bất tử?

- Cuốn sách "Gạc Ma - vòng tròn bất tử" là những câu chuyện, để thực hiện những câu chuyện này phải mất thời gian dài, làm rất công phu. Chúng tôi có hàng chục anh em tâm huyết tham gia thực hiện. Bản thảo cuốn sách được chia là 3 chương.

Chương 1 nói về gia đình, người thân của 64 chiến sĩ đã hy sinh tại đảo Gạc Ma. Để có được tư liệu này, chúng tôi đã phải lặn lội tìm đến 64 gia đình ở các địa phương khác nhau trên khắp đất nước để tìm hiểu. Có thể nói đó là công việc rất gian nan, trong khi kinh phí tự  phải bỏ ra để đi làm. Những người làm báo sẽ hiểu để có được những trang tư liệu như vậy là khó khăn thế nào. Làm thế nào để đến được 64 địa chỉ, làm thế nào để thu thập những câu chuyện, những kỷ niệm, những kỷ vật của 64 chiến sĩ đã hy sinh trong trận Gạc Ma là không hề đơn giản. Từ việc đi thu thập tư liệu này cũng nói lên hoàn cảnh của 64 gia đình, cũng như thấy được suy nghĩ của họ.

Chương 2 là câu chuyện của những người đã tham gia vào trận đánh năm 1988 đang còn sống, ví dụ người chỉ huy một con tàu ra phối hợp chiến đấu, rồi đưa các chiến sĩ bị thương lên đảo Sinh Tồn...Trong đó có cả chuyện 9 chiến sĩ ở đảo Gạc Ma bị Trung Quốc bắt giam sau hơn 3 năm được trở về Việt Nam. Họ ra khỏi quân ngũ rồi đi khắp đất nước, có người ở Quảng Nam, người ở Đà Nẵng, người ở Thanh Hóa, người ở miền Tây Nam Bộ... Họ lăn lộn kiếm sống, họ âm thầm lặng lẽ, ít ai biết họ là người chiến sĩ đã chiến đấu trong trận Gạc Ma. Chương 3 của cuốn sách nói về chủ quyền biển đảo của đất nước ta.

Xin cảm ơn ông!

Thiếu tướng - Anh hùng Lực lượng vũ trang Quân đội Nhân dân Việt Nam Lê Mã Lương là người chủ biên và đọc hiệu đính, thẩm định nội dung cuốn sách "Gạc Ma -  Vòng tròn bất tử". Cuốn sách “Gạc Ma - Vòng tròn bất tử” được công ty First News hoàn tất bản thảo từ năm 2014. Sách nhằm tưởng nhớ 64 liệt sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam hy sinh tại bãi đá san hô Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa Việt Nam ngày 14.3.1988.

Ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc công ty sách First News cho biết ban đầu họ muốn hoàn tất sách để phát hành vào ngày Thương binh Liệt sĩ 27.7.2014. Nhưng hơn hai năm qua, 13 nhà xuất bản mà họ gửi bản thảo đến hầu hết chưa đồng ý cấp phép xuất bản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem