Mở bảo tàng để nhớ
Chúng tôi đến thăm ông vào một ngày oi bức, khi cái nắng nóng bắt đầu le lói mọi ngả đường. Mời chúng tôi uống nước, ông Bằng kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về những ngày đầu thành lập bảo tàng như thế.
|
Ông Lâm Văn Bằng (phải) trò chuyện với các cựu chiến binh. |
Sinh ra và lớn lên tại thôn Nam Quất, Lâm Văn Bằng đi làm cách mạng từ rất sớm. Trong một lần tham gia trận đánh lớn, ông đã bị bắt đưa ra giam tại Nhà lao Phú Quốc (Kiên Giang). Ở chốn ngục tù, tận mắt chứng kiến sự tra tấn dã man của kẻ thù khiến ông không phút nguôi ngoai nghĩ về đồng chí đồng đội. Và nỗi ám ảnh ấy cứ theo ông suốt một hành trình dài.
Hòa bình lặp lại, khi có điều kiện, ông Lâm Văn Bằng đã rong ruổi từ Bắc chí Nam sưu tầm những kỷ vật chiến tranh cho bảo tàng. Có lẽ chỉ cần nhìn làn da ông sạm đen vì nắng cũng đủ thấy sự tận tụy của ông với bảo tàng. Ông vừa làm Giám đốc, song cũng là người trực tiếp đón khách tham quan, pha trà tiếp khách, giới thiệu, phát tờ rơi, tài liệu, hướng dẫn chỗ để xe cho khách.
Ông Nguyễn Văn Uỵch - Phó Giám đốc Bảo tàng chia sẻ: “Mỗi người đến đây ai cũng có mong muốn được trò chuyện cùng ông Bằng, được nghe chính ông giới thiệu về những kỷ vật mà ông cùng đồng đội đã cất công sưu tầm”.
Trong mỗi căn phòng nhỏ xinh, hiện vật được sắp xếp khoa học, gọn gàng. Đến với nơi đây, lớp trẻ biết được thông tin về “chuồng cọp”, nơi kẻ thù dã man tra tấn, hòng làm lung lạc ý chí chiến đấu của chiến sĩ cách mạng, với những thủ đoạn vô cùng dã man như đóng đinh vào người, đục lấy xương bánh chè, nung sắt đỏ đâm xuyên bắp đùi, ném người vào chảo nước sôi, đốt người và đốt hạ bộ, đánh bằng chày vồ, roi cá đuối, lột vỉ sắt, gõ thùng, đục răng, bẻ răng, lấy móng tay, móng chân… vậy mà những người chiến sĩ vẫn một lòng kiên trung, giữ trọn khí tiết cách mạng cho đến hơi thở cuối cùng.
|
Một số hiện vật trưng bày tại Bảo tàng. |
Tinh thần “tam tự”
Kể từ khi bảo tàng được khởi công xây dựng vào ngày 19.12. 2004, rất nhiều người thầm phục cuộc hành trình “tìm về ký ức” của ông Lâm Văn Bằng cùng đồng đội. Trong căn phòng vẻn vẹn 16m2 này là hàng nghìn hiện vật của chiến sĩ cách mạng tù Phú Quốc được sưu tầm.
Ông Bằng cho biết: “Tất cả mọi người đều mong muốn đóng góp sức mình để nơi đây sớm trở thành một địa chỉ tham quan, nơi tìm hiểu truyền thống, trường học chính trị cho mọi tầng lớp nhân dân”.
Hiện tại, bảo tàng đang phát triển rất tốt. Không chỉ trưng bày tại đây, chúng tôi còn tổ chức trưng bày lưu động ở nhiều tỉnh như Khánh Hòa, Nghệ An, Thanh Hóa, Bắc Giang...
Ông Lâm Văn BằngVậy là từ một phòng truyền thống chật hẹp, chưa có điều kiện bảo quản, đến nay ông Bằng đã phát triển nó thành một bảo tàng tư nhân với hàng vạn lượt khách đến tham quan mỗi năm. Tuy nhiên, để có thể duy trì hoạt động như ngày hôm nay, ông Bằng và đồng đội đã luôn thể hiện một tinh thần “tam tự” gồm tự nguyện, tự quản và tự túc gần chục năm qua.
Ghi cảm tưởng trong một lần về thăm bảo tàng, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, cựu tù chính trị đã từng bị giam cầm hơn 10 năm tại nhà tù Mỹ-Diệm đã viết: “Tôi đến thăm bảo tàng không chỉ đại diện cho Nhà nước, mà từ sâu thẳm trái tim mình, tôi đến với tư cách là một bạn tù, muốn biết được công việc mà các đồng chí đã làm được… Bảo tàng của các đồng chí đã góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, để các em hiểu và biết quý trọng thành quả cách mạng đã đem lại”.
Vũ Phúc
Vui lòng nhập nội dung bình luận.