Gặp nhân chứng người Việt thắng kiện chính phủ Hàn Quốc vì tội ác chiến tranh
“Nạn nhân cuộc thảm sát Phong Nhị” thắng kiện Chính phủ Hàn Quốc: Nỗi đau đã được nguôi ngoai
Diệu Bình
Thứ tư, ngày 08/02/2023 16:56 PM (GMT+7)
"Lúc đó, tôi chỉ mong mình được chết theo mẹ và các em", bà Nguyễn Thị Thanh (trú phường Điện An, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) thì thầm đi lại câu nói ấy khi nhớ về cuộc thảm sát ngày 12/2/1968.
Sáng mùng 4 tháng Giêng năm Mậu Thân (12/2/1968), người dân các làng Phong Nhất, Phong Nhị tại huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã bị đánh thức bởi tiếng đạn pháo và súng máy. Sau đó, lính Hàn Quốc đã sát hại dã man người dân tại đây. Có 74 người dân làng vô tội, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em thiệt mạng trong cuộc thảm sát.
Đơn vị gây ra tội ác chiến tranh này là Lữ đoàn Thủy quân Lục chiến số 2 của Hàn Quốc.
Bà Nguyễn Thị Thanh, khi mới là một bé gái 8 tuổi, đã mất 5 người thân gồm mẹ, dì và các em trong vụ thảm sát Phong Nhất, Phong Nhị. May mắn sống sót, nhiều đêm bà Thanh ướt gối, đau đớn, ám ảnh cùng những ước nguyện chưa thành.
"Không bao giờ tôi quên đi cái ngày định mệnh ấy, "ngày giỗ chung" của hơn 70 anh em, cô bác làng tôi", bà Thanh nói.
Vết sẹo để lại sau cuộc thảm sát đã biến nỗi đau thành sức mạnh, 4 lần đứng tại đất nước Hàn Quốc, bà Thanh đã đấu tranh buộc quốc gia này phải bồi thường và đưa ra một lời xin lỗi chính thức cho những gì đã xảy ra.
Sau 3 năm từ ngày đầu tiên đặt chân tại Hàn Quốc đòi lại công bằng, mới đây, Tòa Seoul ra phán quyết yêu cầu Chính phủ Hàn Quốc bồi thường 30 triệu won cho bà Nguyễn Thị Thanh, nạn nhân mất gia đình trong vụ thảm sát ở Quảng Nam do lữ đoàn thủy quân lục chiến số 2 của Hàn Quốc thực hiện.
Nhiều người Hàn Quốc đến nhà thăm, chúc mừng, bà Thanh xúc động kể về những chuyện cũ. Bà nói, kể lại câu chuyện không phải để trách móc nhưng phải để họ (người Hàn Quốc – PV) biết đến sự thật và không phạm sai lầm lần nữa.
"Nhận được phán quyết của Tòa án Hàn Quốc tôi vui lắm, không ngủ được. Nỗi đau phần nào đã được nguôi ngoai. Tôi yên tâm để sau này gặp lại mẹ cùng các anh em", bà Thanh chia sẻ với Dân Việt.
Ông Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch UBND phường Điện An (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) cho biết, hằng năm, vào các dịp lễ, Tết, địa phương cũng tổ chức thăm viếng tại di tích Cây Da Dù nằm trên bịa bàn.
"Di tích Cây Da Dù nhằm tưởng niệm, hương khói cho 74 người dân bị lính Nam Triều Tiên thảm sát vào ngày 12/2/1968. Thời gian tới, tỉnh cũng đã có kế trùng tu tại di tích này", ông Phước thông tin.
Hôm nay, vào một ngày tháng Giêng của hơn 50 năm sau cuộc thảm sát, bóng cây đa dù phủ kín khoảng sân nhỏ giữa bao la ruộng đồng.
Làng Phong Nhất, Phong Nhị giờ đây đã có đường lớn, nhiều ngôi nhà được dựng lên khang trang. Nhiều thứ đã thay đổi nhưng đối với bà Thanh, với những người đã nằm xuống, đã khóc, đã nhớ... tại làng Phong Nhất, Phong Nhị ngày ấy, mọi thứ như mới trở về bình thường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.