Gấp rút hoàn thiện các thủ tục

Thứ tư, ngày 11/09/2013 11:44 AM (GMT+7)
Phía Việt Nam đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục cần thiết để đưa lao động xuất cảnh sang Hàn Quốc theo Chương trình EPS.
Bình luận 0
Ngay sau phiên thảo luận ngày 9.9 giữa Bộ LĐTBXH Việt Nam và Bộ Lao động - Việc làm Hàn Quốc nhằm thống nhất thoả thuận tiếp tục ký hợp tác đặc biệt để tiếp nhận lao động Việt Nam theo Chương trình EPS, phía Việt Nam đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục cần thiết để đưa lao động xuất cảnh...

Cửa đã sẵn sàng mở

Chiều 10.9, trao đổi với phóng viên NTNN, ông Đào Công Hải – Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động (LĐ) ngoài nước cho biết thêm, kết thúc thảo luận ngày 9.9, hai bên đã đi đến thoả thuận xúc tiến các giải pháp để ký lại biên bản ghi nhớ đặc biệt, nối lại việc tuyển dụng LĐ Việt Nam. Muốn vậy, phía Việt Nam cần gấp rút hoàn thiện các thủ tục về ký quỹ chống trốn, thành lập Văn phòng quản lý LĐ tại Hàn Quốc. Việt Nam đồng thời phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để giảm số lượng LĐ bỏ trốn.

Bộ trưởng Lao động và Việc làm Hàn Quốc Phang Ha Nam (trái) và Bộ trưởng LĐTBXH Việt Nam Phạm Thị Hải Chuyền  thống nhất nối lại tiếp nhận lao động Việt Nam.
Bộ trưởng Lao động và Việc làm Hàn Quốc Phang Ha Nam (trái) và Bộ trưởng LĐTBXH Việt Nam Phạm Thị Hải Chuyền thống nhất nối lại tiếp nhận lao động Việt Nam.

“Hiện nay chúng ta vẫn đang chờ ban hành thông tư liên ngành giữa Bộ LĐTBXH, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước. Sau khi có thông tư liên ngành này, hai bên mới ký lại biên bản ghi nhớ. Sớm nhất cũng phải 2 tuần nữa phía Việt Nam mới có thể hoàn thành các thủ tục này” – ông Hải khẳng định.

Cũng theo ông Hải, nếu thoả thuận này được ký lại, sẽ có 3 nhóm đối tượng được ưu tiên. Bao gồm LĐ đã trúng tuyển trong 2 kỳ kiểm tra năng lực tiếng Hàn năm 2011, 2012; LĐ huyện nghèo thi kỳ thi tiếng Hàn đi xuất khẩu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và LĐ trung thành về nước đúng thời hạn.

Thông tin từ ông Lương Đức Long – Phó Giám đốc Trung tâm LĐ ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cũng cho biết, trung tâm đang gấp rút hoàn thiện việc thành lập văn phòng quản lý LĐ tại Hàn Quốc. Văn phòng này có nhiệm vụ quản lý toàn bộ số LĐ đi theo Chương trình EPS tại Hàn Quốc

Cũng theo ông Long, nếu biên bản hợp tác đặc biệt giữa hai bên được ký lại, các LĐ thuộc 3 nhóm đối tượng ưu tiên sẽ được gửi danh sách lên mạng để phía chủ sử dụng LĐ Hàn Quốc lựa chọn. “Tuy nhiên, vì thời gian thi kiểm tra năng lực tiếng Hàn của các em đã lâu nên có thể các em sẽ phải kiểm tra lại”- ông Long nói.

Chỉ mong “xoay” đủ tiền

Đó là tâm trạng của nhiều LĐ đã thi đỗ kỳ kiểm tra tiếng Hàn năm 2012, thuộc diện ưu tiên tuyển dụng. Anh Võ Văn Thành (quê ở Tản Hồng, Ba Vì, Hà Nội) cho biết: “Nói thật là nhu cầu đi Hàn Quốc ở đây rất nhiều, nhưng số đi được thì ít nên đã có tên trong danh sách vượt qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn, có cơ hội được đi là tôi rất mừng”.

Ông Phạm Viết Hương – Trưởng phòng Kế hoạch tài chín, Cục Quản lý lao động ngoài nước – người trực tiếp tham gia tổ soạn thảo thông tư liên ngành hướng dẫn việc ký quỹ chống trốn cho biết: “Thông tư này đang chờ ý kiến thẩm định của các chuyên gia. Chậm nhất là trung tuần tháng 9 sẽ được phê duyệt. Nguyên tắc là phải đảm bảo LĐ ký quỹ được thuận lợi, tiền gửi an toàn”.


Cũng theo anh Thành, tâm lý LĐ cứ chỗ nào lương cao, điều kiện làm việc tốt thì thường cố bám trụ ở lại vì “quê mình còn nghèo quá”. Tuy nhiên, khi được biết phải ký quỹ 100 triệu đồng mới có cơ hội đi, và nếu bỏ trốn thì mất số tiền đó, cộng với tiền phạt, anh Thành bày tỏ: “Nghe thông tin, tôi cũng rất lo nên đã phải rậm rịch vay mượn anh em và vay ngân hàng. Chỉ mong mọi việc suôn sẻ, đi làm có lương trả nợ. Tiền ký quỹ cũng coi như tiền để dành”.

Anh Vũ Văn Sơn (thị trấn Như Quỳnh, Văn Giang, Hưng Yên) có người thân đã đi làm việc ở Hàn Quốc, bản thân anh đã thi đỗ kỳ kiểm tra tiếng Hàn năm 2012, cho biết: “Thông tin của người nhà gọi về cho biết thu nhập của anh em bên đó, gồm cả tiền làm thêm hiện khoảng 1.100-1.200USD/người/tháng. Người nhà tôi làm ngành sản xuất chế tạo ở Daegu, thu nhập khoảng 1.300USD/tháng”.

Khi nghe thông tin nối lại việc tuyển dụng LĐ đi Hàn Quốc, anh Sơn cũng đã lo đi vay mượn để có tiền ký quỹ. “Nói thật là các chi phí không tên để đi Hàn Quốc cũng khá nhiều, giờ lo khoản tiền ký quỹ này cũng vất vả. Nhưng nếu xuất cảnh được, tôi cũng sẽ cố gắng dành dụm gửi về nhà trả nợ”- anh Sơn nói.

Về kinh nghiệm ký quỹ chống trốn, ông Vũ Công Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển nguồn nhân lực LOD cho biết, trước kia, LĐ đi Hàn Quốc, Nhật Bản theo diện tu nghiệp sinh đều ký quỹ chống trốn từ 3.000-5.000 USD. Khoản tiền này, doanh nghiệp tiếp nhận trực tiếp từ LĐ và gửi ngân hàng - dưới hình thức bảo đảm hoặc LĐ gửi tiền vào ngân hàng và doanh nghiệp cầm sổ tiết kiệm.

“Thời điểm đó, hoạt động ký quỹ làm hoàn toàn tự phát, thậm chí một số nước không đồng tình, như Nhật Bản. Vì thế chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Hiện hoạt động ký quỹ đã được chính sách hóa, tôi tin rằng, tiền ký quỹ của LĐ sẽ được an toàn. Chỉ đề nghị thêm các ngân hàng tạo điều kiện “tiếp sức” cho LĐ nếu họ cần vay mượn để ký quỹ” - ông Bình nói.
Minh Nguyệt (Minh Nguyệt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem