Gặp Tiến sĩ nuôi tôm độc đáo nhất nhì ở đồng bằng

Trọng Duy Thứ hai, ngày 25/09/2023 09:00 AM (GMT+7)
Tôi đến thăm “tiến sĩ – Tổng giám đốc tôm” Lê Anh Xuân tại vùng ven biển xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) vào những đầu tháng 9/2023. Từ hai bàn tay trắng, hiện nay anh Xuân là chủ doanh nghiệp tiêu biểu, hàng đầu trong lĩnh vực nuôi tôm công nghệ cao của Việt Nam, có tổng tài sản lên đến hàng nghìn tỉ đồng…
Bình luận 0
Gặp Tiến sĩ nuôi tôm độc đáo nhất nhì ở đồng bằng - Ảnh 1.

Từ nhiều năm nay, anh Xuân được nhiều cán bộ, nhân dân ở Bạc Liêu và một số tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long quý mến gọi là "tiến sĩ – bác sĩ tôm". Bởi, anh đã có đóng góp không nhỏ giúp nhiều hộ nuôi tôm trong tỉnh và các tỉnh trong khu vực phòng ngừa, điều trị có hiệu quả một số "bệnh lạ" đối với con tôm, nhất là những trang trại nuôi tôm sú, tôm thẻ theo mô hình công nghệ cao.

Với vóc người nhỏ nhắn, nhưng rất nhanh nhẹn, cởi mở, trò chuyện với tôi, tiến sĩ Lê Anh Xuân chia sẻ: Anh sinh năm 1976 trong một gia đình nông dân nghèo khó thuộc huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Hiện nay, anh là Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH công nghệ sinh học Trúc Anh. Ngoài ra, anh Xuân còn giữ các chức vụ khác như: Ủy Viên Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh; Ủy viên Ban Thường vụ Hội Thủy sản tỉnh Bạc Liêu; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam…

Thắng không kiêu, bại không nản

Gặp Tiến sĩ nuôi tôm độc đáo nhất nhì ở đồng bằng - Ảnh 2.

Tiến sĩ Lê Anh Xuân (giữa) kiểm tra tôm thẻ nuôi theo mô hình công nghệ cao. (Ảnh Trọng Duy).

"Buổi ban đầu khi mới ra trường, vốn liếng chỉ với tấm bằng kỹ sư thủy sản, tay trắng, tôi đã lăn lộn đến một vài tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long tìm công ăn việc làm. Sau đó, tôi xuống Bạc Liêu - vùng đất gần cuối trời Nam của Tổ quốc để học cách nuôi tôm, nơi bốn bề là rừng mắm mênh mông và hoang vu tại vùng ven biển thị xã Bạc Liêu (nay thuộc xã Vĩnh Trạch, nơi có đông đồng bào Khmer nhất của thành phố Bạc Liêu). Mấy năm đầu "nếm không ít trái đắng", vì nuôi tôm thất bại. Song với sức trẻ, ý chí không cam chịu đầu hàng trước khó khăn, tôi đã cố gắng tìm tòi, sáng tạo với tinh thần "thắng không kiêu, bại không nản". Tôi luôn suy nghĩ và tìm cách làm ăn mới, đồng thời "tích tiểu thành đại". Nhờ vậy, bản thân mới có được cơ ngơi đáng mừng như ngày hôm nay", anh Xuân chân thành bộc bạch.

Anh Xuân cho biết thêm, buổi ban đầu mới thành lập Công ty, vừa trực tiếp nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao; đồng thời vừa sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ bà con nuôi tôm trong vùng biển của tỉnh Bạc Liêu và một vài tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bởi, cách đây khoảng 15 năm trở về trước, mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ trong nhà kín và nuôi tôm công nghệ cao còn rất mới mẻ, xa lạ với nhiều hộ nuôi tôm tại vùng đất miền Tây này.

"Bây giờ nhớ lại cũng vui, mỗi khi đến các đầm nuôi tôm của bà con để hướng dẫn kỹ thuật, tôi đều để lại số điện thoại với lời nhắn: "Bà con cần hỗ trợ gì cứ gọi Xuân bất cứ lúc nào… Có người thử gọi Xuân vào giữa đêm khuya, báo tôm bị đâm đầu vào bờ. Không quản ngại đêm khuya, tôi lại cố gắng đến hỗ trợ bà con tìm nguyên nhân, đồng thời tư vấn, tìm cách trị bệnh cho tôm có hiệu quả. Rồi bà con tin tưởng, quý mến, gọi tôi là "bác sĩ tôm" kể từ khi ấy", anh Lê Anh Xuân chân thành kể...

Người dân nuôi tôm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long cho đến nay không thể quên, đó là thời điểm năm 2009, khi dịch bệnh EMS xảy ra gây tổn thất nghiêm trọng cho người nuôi tôm. Thế là Lê Anh Xuân không cam chịu "đầu hàng". Anh đã khăn gối lặn lội lên đường đi học hỏi các nhà khoa học đàn anh trong và ngoài nước để tìm giải pháp trị bệnh tôm chết hàng loạt. Nhờ luôn năng động, xông xáo, chịu khó học tập mà anh đã chữa trị thành công dịch bệnh EMS xảy ra ở tôm nuôi cho chính các đầm nuôi tôm của gia đình mình và nhiều hộ nuôi tôm tại Bạc Liêu và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long…

Gặp Tiến sĩ nuôi tôm độc đáo nhất nhì ở đồng bằng - Ảnh 3.

Công ty TNHH Công nghệ sinh học Trúc Anh là đơn vị tiên phong nuôi tôm công nghệ cao tại Bạc Liêu và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh Trọng Duy).

Bằng sự luôn quyết tâm trong học tập và ứng dụng khoa học công nghệ từ thực tế, năm 2012, Lê Anh Xuân tốt nghiệp Thạc sĩ khoa học chuyên ngành công nghệ sinh học tại Đại học Bách khoa Hà Nội với đề tài "Xây dựng quy trình nuôi tôm sạch sử dụng chế phẩm vi sinh thay thế hóa chất", nhằm đưa ra chủng vi sinh có đặc tính kháng khuẩn để xử lý bệnh cho ao tôm không dùng kháng sinh.

Anh Lê Anh Xuân cho biết, trong quá trình nuôi tôm, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn, anh đã  đưa ra "Quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 2 giai đoạn ít thay nước theo công nghệ Trúc Anh" được Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) công nhận là tiến bộ khoa học kỹ thuật đầu tiên trong nuôi siêu thâm canh tôm thẻ chân trắng theo Quyết định 502/QĐ-TCTS-KHCN&HTQT ngày 03 tháng 5 năm 2017. Quy trình được chuyển giao, nhân rộng cho Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư các tỉnh như Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang, nhằm góp phần đào tạo phát triển nguồn nhân sự cho ngành.

Không hài lòng với trình độ, chuyên môn của mình, nhất là với niềm đam mê cháy bỏng nghiên cứu khoa học và thực tiễn về con tôm Việt; đồng thời với trách nhiệm trước nhiều hộ nuôi tôm ở Bạc Liêu và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Lê Anh Xuân tiếp tục làm nghiên cứu sinh. Tin vui không chỉ đối với anh mà còn đối với rất nhiều hộ nuôi tôm ở Bạc Liêu và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đó là  ngày 30 tháng 12 năm 2020 anh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ "Nghiên cứu ứng dụng vi khuẩn Bacillus sp đối kháng với Vibrio parahaemolyticus trong nuôi tôm công nghiệp" tại Đại học Cần Thơ.

Trước tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, dịch bệnh ngày càng gia tăng luôn gây bất lợi cho người nuôi tôm. Vì thế, kết quả từ công trình nghiên cứu khoa học của tiến sĩ Lê Anh Xuân trong việc phòng, điều trị bệnh hoại tử gan tụy cấp rất có ý nghĩa, đã tạo một bước tiến mới, giảm rủi ro cho bà con nuôi tôm, góp phần đưa ngành tôm Việt phát triển mạnh, bền vững…

Luôn sáng tạo, đi đầu

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, Công ty TNHH công nghệ sinh học Trúc Anh, do tiến sĩ Lê Anh Xuân sáng lập từ năm 2004, đến nay đã gần 20 năm. Buổi ban đầu Công ty chỉ có vài người, đến nay Công ty đã có gần 200 cán bộ, nhân viên, trong đó có hàng chục kỹ sư, thạc sĩ. Đặc biệt, Công ty đã thành lập một Chi bộ Đảng cách đây gần 10 năm, hiện có 10 đảng viên chính thức và đang chăm bồi, chuẩn bị kết nạp một số cán bộ, nhân viên trẻ, tâm huyết. Công ty TNHH công nghệ sinh học Trúc Anh là đơn vị tư nhân đầu tiên trong tỉnh Bạc Liêu có Chi bộ Đảng, trực thuộc Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh.

Gặp Tiến sĩ nuôi tôm độc đáo nhất nhì ở đồng bằng - Ảnh 4.

Thu hoạch tôm thẻ nuôi theo mô hình công nghệ cao tại Công ty Trúc Anh. (Ảnh Trọng Duy).

Đồng thời, Công ty của anh Xuân cũng là đơn vị tiên phong trong việc nghiên cứu và thử nghiệm mô hình nuôi tôm bằng vi sinh, chế phẩm sinh học để thay thế hoàn toàn kháng sinh và hóa chất, qua đó làm giảm rủi ro, giảm chi phí, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sản phẩm tôm, đáp ứng tốt yêu cầu xuất khẩu, kể cả các thị trường khó tính. Kết quả này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận "Doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao".

Không chỉ làm ăn thành đạt, anh Lê Anh Xuân còn nổi tiếng trong tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh lân cận về tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp luôn tích cực đóng góp, ủng hộ, giúp đỡ người nghèo bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Không ít người nghèo coi vợ chồng anh là ân nhân của họ.

"Bản thân tôi sinh sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo, ở vùng nông thôn nghèo tỉnh Thanh Hóa, nên tôi thấu hiểu nỗi khổ và nguyện vọng của những người nghèo. Sau khi dự hội nghị toàn quốc Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác Hồ; và các hội nghị do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, tôi càng ý thức cao hơn về trách nhiệm của mình là một Bí thư Chi bộ, Tổng giám đốc một doanh nghiệp đối với quê hương, đất nước", Tiến sĩ Lê Anh Xuân tâm sự.

Nhiều năm qua, Công ty Trúc Anh còn trao tặng nhà tình thương cho hộ nghèo khó khăn nhà ở, người dân tộc Khmer ở xã Vĩnh Trạch (thành phô Bạc Liêu), mỗi căn trị giá hàng chục triệu đồng. Ngoài ra, Công ty còn giúp đỡ tiền vốn, phương tiện, hướng dẫn cách làm ăn cho hàng chục hộ Khmer nghèo ở thành phố Bạc Liêu, với tổng số tiền trên 10 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội. "Sắp tới, tôi tiếp tục nhân rộng, chuyển giao các mô hình nuôi tôm sạch này đến với bà con nông dân, đồng thời cam kết hỗ trợ bà con nông dân thông qua các gói hỗ trợ với số tiền 10 tỷ", anh Xuân khẳng định.

Gặp Tiến sĩ nuôi tôm độc đáo nhất nhì ở đồng bằng - Ảnh 5.

Một trong nhiều trang trại nuôi tôm công nghệ cao của Công ty THNH công nghệ sinh học Trúc Anh. (Ảnh Thanh Cường).

Sau gần 20 năm lăn lộn và gắn bó với nghề nuôi tôm bán công nghiệp rồi công nghiệp, với ý chí lòng quyết tâm, cho đến hôm nay anh Xuân đã từng bước đưa Công ty Trúc Anh phát triển mạnh, mở rộng đại lý cung cấp chế phẩm sinh học nuôi tôm sú, tôm thẻ theo mô hình công nghệ cao đến nhiều tỉnh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Buổi ban đầu thành lập Công ty chỉ vài người, hiện nay Công Ty Trúc Anh đã thu hút gần 200 lao động tay nghề cao; cơ sở vật chất ngày được đầu tư mở rộng, khang trang, hiện đại. Các lao động làm việc tại công ty được trả lương rất thỏa đáng. Những lao động có trình độ, chuyên môn cao được trả lương 20-30 triệu đồng một tháng. Những lao động bình thường được trả 12-15 triệu đồng một tháng.

Ngoài ra Công ty của anh Xuân mua đầy đủ các loại bảo hiểm, như bảo hiểm xã hội, y tế, tai nạn và thất nghiệp. Trong công ty có Chi đoàn Thanh niên, Công đoàn để chăm lo đời sống, tinh thần cho người lao động. Bản thân anh Xuân cũng là một đảng viên, Bí thư Chi bộ giản dị, luôn gương mẫu, tâm huyết, trách nhiệm cao, góp phần xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp, văn minh.

Trò chuyện với tôi về mục tiêu của nước ta đề ra mục tiêu phấn đấu xuất khẩu 10 tỉ USD vào năm 2025, anh Xuân cho rằng để đạt mục tiêu này  không khó. Tuy nhiên, muốn vậy đã đến lúc cần phải coi ngành tôm là một ngành công nghiệp để đầu tư cho xứng tầm. "Con tôm không phải dễ nuôi, vì vậy muốn làm giàu từ nghề nuôi tôm không dễ dàng chút nào. Muốn đạt được hiệu quả anh phải nắm vững khoa học công nghệ từ quy trình sản xuất thức ăn, công nghệ nuôi, công nghệ chế biến cả công nghệ thu hoạch nữa", anh Xuân khẳng định.

Với những thành tích xuất sắc, "tiến sĩ - bác sĩ tôm" Lê Anh Xuân đã vinh dự nhận nhiều phần thưởng của các Bộ, ngành của Trung ương. Đặc biệt, năm 2018, Công ty Trúc Anh vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng bằng khen "Vì đã có thành tích trong nghiên cứu, phát minh sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; chuyển giao ứng dụng vào sản xuất, đóng góp cho sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam". Cũng trong năm 2018, Công ty được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Lao động hạng Ba. Ngoài ra, nhiều năm qua, bản thân anh Xuân và Công ty đã được trao tặng nhiều giải thưởng, bằng khen của các Bộ, ngành Trung ương và của tỉnh. Đặc biệt, cá nhân anh Lê Anh Xuân vinh dự được tỉnh Bạc Liêu lựa chọn đi dự Hội nghị toàn quốc về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội, do Trung ương tổ chức…

"Anh Lê Anh Xuân là chủ doanh nghiệp tư nhân làm ăn giỏi, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và làm có hiệu quả, có nhiều đóng góp tích cực vào quỹ an sinh xã hội, giúp đỡ hộ nghèo của địa phương bằng nhiều cách làm rất cụ thể, thiết thực. Từ nhiều năm nay, anh Xuân luôn được cấp ủy, chính quyền đánh giá cao, được bà con nông dân ở địa phương quý mến, khen ngợi. Anh cũng là một trong những tấm gương tiêu biểu trong "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh" của địa phương...", Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều biểu dương, ghi nhận.

Gặp Tiến sĩ nuôi tôm độc đáo nhất nhì ở đồng bằng - Ảnh 6.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem