Nuôi tôm rồi làm ra những đặc sản từ con tôm Cà Mau, một người Đất Mũi là Nông dân Việt Nam xuất sắc

Hoàng Hạnh Thứ sáu, ngày 22/09/2023 18:54 PM (GMT+7)
“Nguồn lợi con tôm đất xứ này nhiều vô tận, nhưng giá trị tôm nguyên liệu không cao, từ đó tôi nghĩ đến chuyện phải làm sao để nâng cao giá trị loại thủy sản trời cho này khi chúng có mặt trên thị trường”, Sáu Sang, Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 đến từ tỉnh Cà Mau chia sẻ.
Bình luận 0
Nuôi tôm rồi làm ra những đặc sản từ con tôm Cà Mau, một người Đất Mũi là Nông dân Việt Nam xuất sắc - Ảnh 1.

Ở xứ Đầm - Sáu Sang (Lê Minh Sang 44 tuổi, ngụ ấp Tân Hiệp, xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) được biết đến là một người "không bỏ cuộc", dù rằng con đường ông đi đến thành công cũng không ít gian nan.

CLIP: Cận cảnh quy trình chế biến tôm tại HTX Sông Ðầm, xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau do ông Lê Minh Sang làm Giám đốc. Video: Hoàng Hạnh.

Từ giã mái trường về với cuộc sống nhà nông

Sinh ra trong một gia đình nông dân, có đông anh em, Sáu Sang nói rằng từ nhỏ, ông đã nuôi trong đầu mình ý tưởng rằng sau này phải làm được việc gì đó để "trả ơn" cho quê hương – nơi mà cha mẹ ông đã đổ những giọt mồ hôi trên đồng ruộng để nuôi chị em ông khôn lớn.

Sáu Sang – từ người nâng tầm giá trị tôm đất xứ Đầm thành sản phẩm OCOP đến nông dân sản xuất giỏi  - Ảnh 2.

Sáu Sang từ người thất bại đi đến thành công bằng nghị lực vươn lên của chính mình. Ảnh: An An

Vốn là người đam mê với nghề nông nên khi học hết lớp 12, Sáu Sang xin với cha mẹ cho mình được nghỉ học để theo đuổi con đường làm giàu trên chính mảnh đất của gia đình. "Sau khi nghe ý định của tôi, ông bà già cười nói cuộc đời tôi gắn liền với nghiệp cha ông rồi", Sáu Sang cười khi nhớ về cái ngày mình quyết định rời mái trường.

Năm 1999, Sáu Sang khi ấy 18 tuổi được ba mẹ "các cứ" cho trông coi vuông tôm hơn 3 ha đất của gia đình ở xã Nguyễn Huân. Bên cạnh việc phụ giúp gia đình, tận dụng thời gian rảnh rỗi, Sáu Sang đi thu mua tôm của người dân trong vùng về bán lại cho các vựa lớn ở thị trấn Đầm Dơi, vì ông nghĩ, sau này nếu muốn khởi nghiệp thì cũng cần phải có đồng vốn tích lũy.

Sáu Sang – từ người nâng tầm giá trị tôm đất xứ Đầm thành sản phẩm OCOP đến nông dân sản xuất giỏi  - Ảnh 3.

Chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm là tiêu chí hàng đầu của HTX Sông Đầm. Ảnh: An An

"Ba mẹ cho tôi 10 triệu đồng để làm vốn thu mua tôm. Hồi ấy mỗi năm, tôi tích lũy được trên dưới 30 triệu đồng tiền lãi từ nghề này", ông Sang kể.

Cũng như bao thanh niên khác trong làng, Sáu Sang gặp và se duyên với bà Huỳnh Mỹ Điền thời gian sau đó, rồi sinh được hai người con, một trai, một gái. Ông bảo, khi có gia đình riêng, ông càng quyết tâm làm nhiều hơn, và ước mơ làm giàu trên mảnh đất của gia đình càng trỗi dậy mạnh mẽ hơn trong người ông.

12 năm sau ngày lập gia đình, vợ chồng Sáu Sang tích lũy được hàng trăm triệu đồng từ nghề thu mua tôm nguyên liệu. 

Lúc bấy giờ, nguồn nguyên liệu thủy sản vùng sông Đầm nhiều vô số, nhưng giá trị lại không cao. "Một kg tôm đất loại nhất chỉ có giá tầm hơn 45 nghìn đồng, nhưng nếu chế biến chúng thành tôm khô thì giá trị nâng lên gấp nhiều lần", ông Sang hồi tưởng.

Sáu Sang – từ người nâng tầm giá trị tôm đất xứ Đầm thành sản phẩm OCOP đến nông dân sản xuất giỏi  - Ảnh 4.

Các sản phẩm của Sáu Sang đều đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Ảnh: An An

Nghĩ là làm, đầu năm 2012, sau khi bàn với vợ, ông quyết định đến tỉnh Trà Vinh, thông qua cơ sở sản xuất tôm khô của một người quen để học nghề.
Sau khi nắm bắt được những kiến thức sơ khai của nghề, Sáu Sang trở lại quê hương và bắt đầu khởi nghiệp. "Đây cũng là mốc thời gian đánh dấu bước ngoặt cuộc đời tôi. Quyết định này đã từng khiến tôi như muốn đỗ sụp khi thất bại, nhưng may mắn là tôi được nhiều người động viên, và tôi đã đứng lên để làm lại", Sáu Sang kể.

Để thử nghiệm, Sáu Sang mua hàng chục kg tôm đất đem về chế biến thành tôm khô, chủ yếu làm theo phương pháp thủ công, mẻ đầu cho ra sản phẩm chất lượng do có nguồn nắng tự nhiên tốt đảm bảo cho việc phơi tôm. 

"Khi xuất xưởng, sản phẩm làm ra bán có lãi nên tôi "hăng máu" mạnh dạn đầu tư thêm vốn liếng để sản xuất, nhưng lần này thất bại vì gặp phải thời tiết thất thường", ông kể.

Do chủ yếu sản xuất theo phương pháp thủ công, nên những mẻ tôm do ông sản xuất sau đó với số lượng lớn bị mốc, phải bỏ đi sau vài ngày bảo quản. "Tất cả vốn liếng hai vợ chồng tích lũy mười mấy năm trời mất trắng", ông nói và cho biết, chỉ trong vòng gần 3 năm với nghề mới ông đã mất sạch số tiền gần 400 triệu đồng.

Đứng lên từ chỗ thất bại

Nhớ lại những ngày tháng đó, Sáu Sang bảo nó là bài học lớn nhất của cuộc đời ông cho đến bây giờ. Được sự động viên giúp đỡ của gia đình, bạn bè, Sáu Sang đã đứng lên làm lại từ chỗ mình đã từng thất bại.

Sáu Sang – từ người nâng tầm giá trị tôm đất xứ Đầm thành sản phẩm OCOP đến nông dân sản xuất giỏi  - Ảnh 5.

Sáu Sang trực tiếp kiểm tra quá trình sản xuất. Ảnh: An An

"Tôi thức trắng nhiều đêm để đúc kết kinh nghiệm từ lần thất bại lần đầu để tìm ra nguyên nhân, rồi phát hiện ra rằng tôm khô bị mốc do khâu phơi chưa đủ và đều; bảo quản chưa đạt yêu cầu do chưa có tủ đông; khâu chọn tôm nguyên liệu phải là tôm tươi sống thì chất lượng mới tốt…,", Sáu Sang nhớ lại.

Rút ra được kinh nghiệm, ông nông dân chân đất này quyết định vay mượn vốn từ người thân để đầu tư hệ thống sản xuất hiện đại hơn vào năm 2014. Lần này "trời không phụ lòng người", tôm khô của Sáu Sang làm ra đạt chất lượng tốt, được thị trường ưa chuộng và được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam.

Sáu Sang – từ người nâng tầm giá trị tôm đất xứ Đầm thành sản phẩm OCOP đến nông dân sản xuất giỏi  - Ảnh 6.

Trước khi đóng gói, sản phẩm tôm khô Sông Đầm phải đảm bảo các tiêu chí nhất định. Ảnh: An An

Thấy được hiệu quả từ mô hình, Sở Công thương tỉnh Cà Mau đã hỗ trợ cho ông đầu tư nhà sấy năng lượng mặt trời; riêng ông cũng đầu tư hàng trăm triệu đồng cho hệ thống tủ đông, thiết bị tiên tiến, đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn của một sản phẩm công nghiệp tiêu biểu.

Từ sự thành công ban đầu, Sáu Sang kêu gọi một số người có cùng chí hướng như mình góp vốn, thành lập HTX Sông Đầm.
Với vai trò là Giám đốc HTX Sông Ðầm, Sáu Sang luôn gánh trọng trách quản lý các khâu sản xuất tạo ra sản phẩm chất lượng, hiệu quả; đồng thời tăng cường các mối quan hệ, đầu mối để xúc tiến đầu ra cho sản phẩm.

Hiện tại, HTX Sông Đầm của Sáu Sang tập trung sản xuất 4 mặt hàng chủ lực: tôm đất bóc vỏ, tôm khô chà bông, tôm sú - thẻ ép, mắm tôm. Tất cả các sản phẩm này đều đạt chuẩn OCOP 3 sao. Quân bình mỗi năm, HTX xuất bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh trên 5 tấn sản phẩm.

Sáu Sang – từ người nâng tầm giá trị tôm đất xứ Đầm thành sản phẩm OCOP đến nông dân sản xuất giỏi  - Ảnh 7.

Sản phẩm tôm khô của HTX đang được thị trường ưa chuộng. Ảnh: An An

"Để HTX tiến xa và bền vững, với những sản phẩm làm ra, tôi và các thành viên trong HTX thống nhất đặc chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm lên hàng đầu. Không ngần ngại để đầu tư trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu của thị trường; đồng thời liên kết với nhiều đơn vị, cá nhân đồng hành hỗ trợ đầu ra, tăng sản lượng cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh", Sáu Sang nói.

Từ thất bại, Sáu Sang đã đi đến và chạm tay vào thành công như hiện này, năm 2023, ông vinh dự đạt được danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc", với doanh thu đáng ghi nhận như trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, liên tục 2 năm (2021-2022) đạt lợi nhuận 1,2-1,5 tỷ đồng/năm.

Không chỉ biết làm giàu cho bản thân, khi đã có điều kiện, Sáu Sang còn đóng góp thiết thực cho công tác an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Năm 2020 và 2021, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, ông và gia đình đã hỗ trợ trên 50 triệu đồng cho công tác phòng, chống dịch. Thông qua Hiệp hội Doanh nghiệp, ông còn hỗ trợ nhu yếu phẩm, thức ăn, trị giá trên 100 triệu đồng.

Năm 2022, Sáu Sang tình nguyện giúp đỡ 12 hộ có hoàn cảnh khó khăn, số tiền hỗ trợ 25 triệu đồng. Hiện nay HTX Sông Ðầm của ông đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 21 lao động ở địa phương; hỗ trợ vốn, kinh nghiệm sản xuất cho 35 lượt người.

Từ những thành tích đạt được, trong các năm qua, Sáu Sang được các cấp tặng nhiều bằng khen, giấy khen như: Năm 2018-2022 ông đều đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó năm 2022 đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương; được UBND tỉnh Cà Mau, UBND huyện Đầm Dơi tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong thực hiện chương trình " Mỗi xã một sản phẩm" giai đoạn 2018 – 2020"; Giấy khen đã có thành tích tiêu biểu, điển hình trong " Học tập và làm theo Tư tưởng, đạo đức, phong cách  Hồ Chí Minh"…

"Bên dòng chảy của con sông Đầm quê hương đã nuôi tôi khôn lớn, giúp tôi đi đến thành công. Tôi còn phải phấn đấu nhiều hơn để "trả nợ" quê hương, và đặc biệt là muốn cho con cháu mình thấy được ý chí làm giàu của một con người là không có gì thay đổi được, miễn là chúng ta có quyết tâm", Sáu Sang chia sẻ.

Nuôi tôm rồi làm ra những đặc sản từ con tôm Cà Mau, một người Đất Mũi là Nông dân Việt Nam xuất sắc - Ảnh 9.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem