Gây dựng thương hiệu nón lá Trường Giang

Chủ nhật, ngày 21/11/2010 07:47 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Người dân xã Trường Giang (Nông Cống, Thanh Hóa) đi khắp nơi “học mót” nghề đan nón và hiện đang nỗ lực xây dựng thương hiệu cho nón lá xứ mình.
Bình luận 0

Giữ truyền thống

Trường Giang hiện là một trong những làng nghề truyền thống rất phát triển ở xứ Thanh. Không những giữ gìn được bản sắc của một làng nghề, Trường Giang còn đang ngày càng phát triển và mở rộng.

img
Đan nón là nghề phụ nhưng cũng mang lại cho gia đình anh Trọng 50 triệu đồng/năm.

Đến xã Trường Giang tôi không khỏi bất ngờ khi thấy “người người làm nón, nhà nhà làm nón”. Làng nghề đan nón lá Trường Giang đã hình thành từ rất lâu đời và được gìn giữ qua nhiều thế hệ.

Không những gìn giữ làng nghề, mà hiện nay xã còn tổ chức cho con em trong xã đi học thêm ở các tỉnh khác như Huế, Hà Tây (chủ yếu là ở Huế) nhằm nâng cao chất lượng tay nghề cho người dân, cũng như bắt kịp mẫu mã, chất lượng của thị trường, nhưng vẫn không làm mất đi vẻ đặc trưng của nón lá Trường Giang.

Gia đình anh Trần Văn Trọng ở thôn 6 cho biết, cả gia đình anh ai cũng biết làm nón, ngoài thời gian đi học hai đứa nhỏ con anh đều phụ giúp mẹ làm nón. Em Trần Thị Tuyết - con út anh Trọng năm nay mới 7 tuổi khoe: “Mỗi ngày em có thể đan được 3 chiếc nón. Nếu không bận đi học buổi chiều em có thể làm được 5 cái”.

Gia đình anh Trọng mỗi năm thu nhập khoảng 70 triệu đồng tiền đan nón. Nếu cắt tiền vốn thì trung bình một năm gia đình anh thu được gần 50 triệu tiền lãi - một con số không hề nhỏ với một gia đình ở nông thôn hiện nay.

Nhưng giá cũng tùy thuộc vào mùa vụ. Bà Lê Thị Thứ- Hội Phụ nữ xã Trường Giang cho biết: “Giá cả chiếc nón một phần phụ thuộc vào chất lượng, một phần phụ thuộc vào thời tiết. Thường thì vào mùa hè nón bán rất chạy, còn các mùa khác thì chậm hơn”.

Xây dựng thương hiệu

Ông Ngô Xuân Kim - Trưởng phòng Thống kê xã Trường Giang cho biết: Toàn xã hiện có gần 7.000 nhân khẩu, hầu hết nhà nào cũng làm nón, những người làm nón thường là phụ nữ, trẻ em và người già. Đặc biệt, Tuy Hòa và Yên Lai là hai làng có nhiều người làm nón nhất trong xã.

Trung bình mỗi chiếc nón có giá 15.000 - 20.000 đồng, trong đó tiền vốn chỉ khoảng 5.000 - 6.000 đồng. Nếu nón làm đẹp, chất lượng thì giá có thể cao hơn.

Mặc dù nón lá Trường Giang cũng đã được các nơi xa gần đón nhận, nhưng hiện nay mới chỉ làm theo mô hình nhỏ lẻ, là nghề phụ. Việc chính của người dân nơi đây vẫn là làm nông nghiệp.

Theo bà Lê Thị Thứ, nón lá Trường Giang chủ yếu được bán sỉ ở chợ Đình cho các tay buôn, vì vậy mà giá cũng thất thường, nhiều khi còn bị ép bán với giá rẻ mạt.

Năm 2009 vừa qua xã đã chủ động xây dựng quảng bá “Nón lá Trường Giang” nhằm đưa nón lá Trường Giang trở thành một thương hiệu, thu hút việc đặt hàng ở các tỉnh xa (thông qua điện thoại). Tuy nhiên cho đến nay việc xây dựng thương hiệu này vẫn chỉ nằm trên giấy tờ.

Người làm nón vẫn chịu cảnh bị ép giá, hoặc mất giá do mùa vụ. Người dân, nhất là những chủ thu gom nón hy vọng được đào tạo về thương mại, dịch vụ để có thể làm tốt công việc này nhằm xúc tiến đưa nón lá Trường Giang trở thành mặt hàng thế mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem