Gần đây tại các cuộc triển lãm hay hội chợ hàng nông sản của Hà Nội, mỗi khi xuất hiện loại thanh long ruột đỏ hay còn gọi là thanh long nữ hoàng thì đều nhanh chóng thu hút được sự chú ý của khách thăm quan không phải chỉ bởi độ ngon ngọt hiếm có của nó mà còn bởi được đảm bảo về độ an toàn chuẩn VietGAP.
Trưng bày quảng bá thanh long ruột đỏ của Hà Nội tại hội chợ triển lãm
Tại sao một loại cây tưởng chừng là đặc sản đã xuất hiện ở Việt Nam nhiều năm nay, được trồng phổ biến ở các tỉnh phía Nam như Bình Thuận, Tiền Giang, Tây Ninh lại gây được tiếng vang lớn đến thế khi được di thực ra Bắc, trồng ngay ở giữa Thủ đô?
Năm 2010, xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì lần đầu tiên trồng thử nghiệm thanh long ruột đỏ và thành công. Sau đó, nhằm đưa cây thanh long ruột đỏ trở thành một trong những cây có hiệu quả kinh tế cao trên vùng đất đồi gò của Hà Nội, từng bước tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, hướng tới xây dựng thương hiệu sản phẩm, Trạm Khuyến nông huyện Thạch Thất đã triển khai mô hình trồng theo hướng sản xuất an toàn tại xã Yên Bình.
Diện tích quy mô ban đầu khá khiêm tốn chỉ 2ha với số hộ tham gia là 5 hộ nhưng do điều kiện khó khăn về kinh tế nên các hộ này cũng không thể thực hiện hết diện tích theo kế hoạch.
Chỉ sau năm thứ 3 cho thu hoạch, thấy quả thanh long ruột đỏ trồng trên đất đồi Yên Bình ăn ngon, bán được giá, bà con trong và ngoài vùng mới đến tham quan học tập trực tiếp. Chính họ là những người đánh giá chi tiết nhất hiệu quả kinh tế của thanh long ruột đỏ so với các cây ăn quả khác, chủ động học hỏi trau dồi kiến thức để tự đầu tư trồng và nhân rộng diện tích.
Cho đến thời điểm hiện tại có tới hàng trăm hộ trên địa bàn xã Yên Bình nói riêng và các xã trong huyện nói chung tham gia trồng thanh long với tổng diện tích đạt trên 30ha.
Cây thanh long ruột đỏ sinh trưởng tốt, sai hoa trên đất Thủ đô
Điều đáng mừng là tốc độ tiêu thụ sản phẩm rất tốt bởi nông dân áp dụng đúng theo quy trình sản xuất sạch. Cụ thể, hàng năm toàn bộ các hộ trên địa bàn huyện được Trạm Khuyến nông thông báo tập huấn kỹ thuật khâu chăm sóc sau khi thu hoạch đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn VietGAP. Khi theo dõi thấy xuất hiện một số loại sinh vật hại và bệnh chính trên thanh long như kiến đỏ, ốc sên, thối thân, đốm nâu, nám cành… đơn vị đã chỉ đạo các hộ dùng các biện pháp thủ công để bắt ốc sên và dùng các loại thuốc trong danh mục như Regent 800WP, Ridomil phun trừ và cách ly an toàn đầy đủ.
Do cây thanh long là cây lâu năm, năm thứ 2 mới cho quả bói, từ năm thứ 3 bắt đầu cho thu hoạch với năng suất bình quân đạt 15 tấn/ha, có những hộ thâm canh tốt còn đạt tới trên 20 tấn. Thanh long ruột đỏ khi trồng ở miền Bắc cho thu hoạch từ tháng 4 - 10 âm lịch, quả chín có thể giữ lại trên cây 15 - 20 ngày, khi thu hái vẫn bảo quản được 7 - 10 ngày nên rất tiện lợi cho vận chuyển và tiêu thụ.
Hơn thế nữa do đặc điểm khí hậu và thổ nhưỡng khác biệt nên thanh long ruột đỏ miền Bắc tuy nhỏ quả nhưng ăn đậm đà và ngọt hơn hẳn thanh long ruột đỏ miền Nam nên rất được thị trường ưa chuộng.
Ngoài bán tươi ngay tại vườn, sản phẩm chủ yếu được phân phối tại các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch cũng như các siêu thị lớn trên địa bàn Thủ đô và một số tỉnh, thành phố lân cận. Hiệu quả về kinh tế và môi trường cho địa phương sản xuất thì đã rõ ràng bởi làm thay đổi nhận thức của người dân vùng đồi gò, nâng cao thu nhập, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp. Còn hiệu quả nữa là tạo cho xã hội một sản phẩm sạch với gốc gác Thủ đô.
Với giá bán bình quân hiện nay là 25.000 đồng/kg, 1ha thanh long sẽ cho doanh thu khoảng 300 - 400 triệu đồng trong đó lãi được khoảng 1/2. |
Đinh Thanh Huyền (Nông nghiệp Việt Nam)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.