Giá bò thịt trong nước giảm mạnh vì bò ngoại được nhập lậu ồ ạt, người dân khó phân biệt thịt bò ngoại

Minh Ngọc Thứ ba, ngày 29/08/2023 11:13 AM (GMT+7)
Theo ông Hoàng Kim Giao - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam, trong thời gian qua bò ngoại theo nhiều con đường khác nhau nhập vào Việt Nam quá nhiều; đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá thịt bò trong nước giảm mạnh.
Bình luận 0

Chịu sức ép canh tranh bởi bò nhập ngoại, giá bò giảm mạnh

Ngày 28/8, chia sẻ với Báo điện tử Dân Việt, anh Lại Văn Soàn, hộ chăn nuôi bò 3B vỗ béo ở huyện Bình Lục (Hà Nam) cho biết, giá bò thịt trong nước thời gian qua liên tục neo ở mức thấp 80.000 - 85.000 đồng/kg khiến những hộ chăn nuôi như anh không khỏi lo lắng.

Từng là hộ sở hữu trang trại nuôi bò 3B vỗ béo "khủng" từ 800 - 1.000 con, lớn nhất nhì tỉnh Hà Nam nhưng giờ đây trang trại rộng hàng nghìn m2 của anh Soàn thưa thớt hẳn. Hiện, cả trang trại chỉ còn nuôi duy trì 200 con.

Theo anh Soàn, nguyên nhân khiến giá bò trong nước giảm mạnh là do trong thời gian qua bò ngoại nhập về Việt Nam quá nhiều khiến bò được nuôi trong nước không cạnh tranh được. 

Còn một nguyên nhân nữa theo anh Soàn, vài tháng trước đây, giá bò giống nhập vào cao trên 130.000 đồng/kg, trong khi đó giá bò thịt chỉ có giá 82.000 đồng/kg, cộng với giá thức ăn cao thì người nuôi chắc chắn thua lỗ. 

Bò ngoại được vỗ béo bằng "một số chất cấm" nhập vào Việt Nam "đè" bò trong nước, giá bò thịt giảm mạnh - Ảnh 1.

Do giá bò thịt giảm mạnh nên anh Lại Văn Soàn ở Bình Lục (Hà Nam) đã giảm đàn bò gần 1.000 con xuống chỉ còn 200 con. Ảnh: Bình Minh

"Nếu giá bò thịt tiếp tục neo ở mức thấp như hiện nay thì đàn bò 200 con tôi khi xuất bán sẽ lỗ từ 5-7 triệu/con", anh Soàn cho hay.

Mặc dù tìm nhiều cách như: Phối trộn cám, các loại thức ăn thay thế... nhưng theo anh Soàn cũng chỉ giảm chi phí từ 3.000 - 5.000 đồng/con/ngày nên "đây chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài không thể giải quyết được bởi quy trình từ khi nhập bò giống đến lúc xuất bán kéo dài từ 12 đến 15 tháng".

Đồng quan điểm với anh Soàn, anh Hoàng Văn Oanh - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành (Tuyên Quang) cho biết, thịt bò trong nước đang phải chịu sức ép cạnh tranh quá lớn từ thịt bò nhập khẩu từ nước ngoài. Ngược lại, người nuôi bò trong nước cũng đang gặp rất nhiều khó khăn khi bị hạn chế xuất theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc bởi nước này đã "xây dựng hàng rào dọc biên giới với Việt Nam".

Anh Oanh cho rằng, bò nhập khẩu từ đường chính ngach và tiểu ngạch từ các nước ASEAN về Việt Nam đã gây "áp lực vô cùng lớn" cho thị trường nội địa.

Không kiểm soát được hết bò nhập ngoại sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng an toàn thực phẩm

Trao đổi với Báo điện tử Dân Việt, ông Hoàng Kim Giao - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam cho biết, trước đây, Việt Nam chủ yếu xuất trâu, bò sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, nên người dân trong nước nuôi trâu, bò rất nhiều nhưng từ khi Trung Quốc xây dựng hàng rào dọc biên giới, con đường tiểu ngạch gần như bị "đóng cửa" khiến cho việc buôn bán bị giảm đi rất nhiều. Trong nước đàn bò cũng tăng nhanh số lượng khiến giá bò thịt ngày càng giảm.

Cũng theo ông Giao, tình trạng nhập lậu gia súc sống vào Việt Nam hiện chưa được kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến trong nước không xuất đi được, nước ngoài nhập về. 

"Nguy hại của trâu, bò nhập khẩu là không kiểm soát được dịch bệnh. Đặc biệt, trâu, bò nhập khẩu về Việt Nam được vỗ béo bằng một số chất cấm. Trâu, bò nhập khẩu về Việt Nam khi giết mổ nếu nhìn bằng mắt thường thì thịt có màu đỏ tươi, mềm... có thể đánh lừa người tiêu dùng, tạo ra cạnh tranh với sản phẩm thịt bò trong nước", ông Giao cho hay.

Bò ngoại được vỗ béo bằng "một số chất cấm" nhập vào Việt Nam "đè" bò trong nước, giá bò thịt giảm mạnh - Ảnh 2.

Ông Hoàng Kim Giao - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam. Ảnh: Linh Linh

Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam cũng thông tin, ngày 7/12/2022, Hiệp hội đã có công văn gửi Cục Chăn nuôi và Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đề nghị cơ quan chức năng kiểm soát nhập lậu để phòng chống dịch bệnh và bảo vệ chăn nuôi trong nước. Nhưng theo ông Giao, thời gian gần đây tình trạng này lại tiếp tục "nóng" trở lại.

"Ngoài bò sống thì các sản phẩm giết mổ từ trâu, bò cũng đang được nhập khẩu về Việt Nam nhưng thiếu sự kiểm soát về an toàn chất lượng. "Rất nhiều các sản phẩm giết mổ từ trâu, bò theo nhiều cách, nhiều đường đã tuồn vào Việt Nam, tạo sự cạnh tranh rất lớn với sản phẩm trong nước", ông Giao nói.

Công văn ngày 7/12/2022 của Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam cho biết, tình trạng nhập khẩu trâu bò sống chưa có kiểm soát và kiểm dịch. Trâu, bò này khi được đưa vào giết thịt cung cấp ra thị trường sẽ nảy sinh vấn đề về chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng.

Mặt khác, chính lượng trâu bò nhập khẩu không kiểm soát này là nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh cho đàn vật nuôi trong nước, thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi và công tác phòng chống dịch. Chính vì vậy, ông Giao kiến nghị các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và PTNT, kiểm tra lại thông tin về việc đàn vật nuôi nhập từ nước ngoài vào không được kiểm tra, kiểm dịch, tiêu trùng, khử độc mà vẫn có giấy kiểm dịch. Thứ hai, nên kiểm tra trên toàn quốc về việc có cơ sở nào nuôi bò trước giết mổ cho ăn Salbutamol hoặc các chất cấm khác. Đề nghị xử lý nghiêm các cơ sở và cá nhân vi phạm luật Chăn nuôi, luật Thú y cũng như các quy định của pháp luật.





Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem