Giá bột mì, bột gạo dù cao chót vót vẫn khó tìm mua

Hồng Phúc Thứ năm, ngày 09/09/2021 09:27 AM (GMT+7)
Giá bột mì, bột gạo tại TP.HCM tăng gần gấp đôi so với trước nhưng vẫn khó mua. Nhiều loại mì ăn liền, bún, miến phổ biến cũng có nguy cơ bị đứt hàng.
Bình luận 0

Các loại mì ăn liền, bún, miến phổ biến và các loại bột như bột mì, bột gạo… tại TP.HCM đang khó tìm mua do đứt hàng cục bộ. Nguồn cung ít hơn, vận chuyển khó khăn nên giá mặt hàng vốn được xem là bình dân này gần đây tăng vọt, thậm chí tăng gấp đôi.

Giá bột mì, bột gạo tăng gấp đôi

Mặc dù nhà ở gần một cửa hàng tạp hóa, có thể linh động mua một số mặt hàng thiết yếu trong những ngày giãn cách xã hội, nhưng cả tuần nay, chị Phạm Thanh Hương (ngụ quận Bình Thạnh) vẫn không thể mua được bột mì, bột gạo, bột pha sẵn để đổ bánh xèo, chiên tôm.

Chị Hương cho biết đã liên hệ 3 lần nhưng chủ cửa hàng báo không thể nhập hàng về, hàng trước đó đã bán sạch trước ngày TP.HCM siết chặt giãn cách xã hội. Nhớ đến cả chục nhóm trao đổi, mua bán hàng hóa mùa dịch trên Facebook và Zalo, chị Hương "săn lùng" được các loại bột cần mua nhưng giá cao chót vót.

img
img

Bột mì, bột gạo nhộn nhịp trên chợ online, giá bán tăng vọt so với trước. Ảnh chụp màn hình.

"Chẳng hạn, trước đây tôi thường mua bột mì tại cửa hàng tạp hóa, chỉ khoảng hơn 20.000 đồng/kg, nay mua online 40.000 đồng/kg, tăng gấp đôi. Bột đổ bánh xèo cũng khoảng 20.000 đồng/bịch, nay họ báo gần 40.000 đồng/kg. Đó là chưa tính phí ship, tiền giao hết 40.000 đồng. Tiếc tiền ship nên tôi đặt luôn mỗi loại vài kg để làm bánh, dùng dần những ngày tới", chị Hương nói.

Nhiều người cũng phản ánh giá bột mì, bột gạo và các loại bột khác để làm bánh mì, bánh bao đang rất khó mua. 

Cửa hàng tạp hóa gần nhà đóng cửa, hết hàng, trong khi không thể đi siêu thị nên khách chỉ còn cách đặt hàng online nhưng giá tăng vọt, phí ship cao mà cũng không dễ tìm được shipper. Trường hợp không đặt qua ứng dụng công nghệ, hàng sau khi đặt cả tuần mới nhận được.

Không chỉ các loại bột, nhiều người cũng cho biết các loại mì ăn liền, bún, miến phổ biến thường dùng trước đây hiện "đỏ mắt" cũng không thể tìm ra.

Đặt hàng online một siêu thị gần nhà theo gói combo, chọn mì Hảo Hảo nhưng chị Quỳnh (ngụ quận Phú Nhuận) được cửa hàng thông báo tạm hết, phải đổi sang loại mì ăn liền khác. Nhân viên một siêu thị tại quận 10 cũng cho biết hàng chưa về kịp nên một số mặt hàng như miến Phú Hương, mì Hảo Hảo, cháo thịt bằm Gấu Đỏ… hầu như trống kệ, người mua phải thay thế mặt hàng khác.

Tương tự, khảo sát của phóng viên tại một số siêu thị tại TP.HCM thời gian qua cũng cho thấy, các thương hiệu mì ăn liền, bún, miến, phở ăn liền phổ biến với giá bình dân cũng không nhiều, một số thương hiệu tìm mãi vẫn không có. Trong khi đó, các sản phẩm mì thuộc phân khúc cao, giá đắt hơn khá dồi dào.

Nguyên nhân khó mua bột, mì đúng thương hiệu

Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng bột mì, bột gạo, mì ăn liền tại TP.HCM đã được các doanh nghiệp lên tiếng cảnh báo cách đây 1-2 tháng, khi TP.HCM tăng cường các biện pháp siết chặt giãn cách xã hội, việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh.

Đại diện các hệ thống phân phối, bán lẻ cũng thừa nhận gần đây, tại một số thời điểm, các mặt hàng này bị đứt hàng do nhà cung cấp không đáp ứng kịp. Các doanh nghiệp đang kết nối cũng như tìm thêm các nhà cung cấp khác để đảm bảo lượng hàng đầy đủ.

Giá bột mì, bột gạo cao chót vót, nguy cơ đứt nguồn cung mì ăn liền - Ảnh 3.

Theo các doanh nghiệp sản xuất, do bị đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất khó khăn trong điều kiện dịch bệnh, nguồn hàng đưa ra thị trường cũng hạn chế. Ảnh: Hồng Phúc.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, cho biết các doanh nghiệp chế biến lương thực thực phẩm đang gặp rất nhiều khó khăn, chuỗi cung ứng đang bị ảnh hưởng nặng nề do TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam siết chặt các biện pháp phòng dịch, cũng như khâu vận chuyển nguyên liệu khó hơn so với trước.

Ngoài ra, với mô hình "3 tại chỗ" cũng chỉ có khoảng 30-40% doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động, số lượng người lao động tham gia "3 tại chỗ" giảm mạnh so với thông thường khiến năng lực sản xuất giảm, trong khi nhu cầu lại tăng cao.

Đại diện một doanh nghiệp trong ngành cũng xác nhận hầu hết tất cả nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ cho việc sản xuất lương thực, thực phẩm tại TP.HCM đều lệ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu đến từ các tỉnh, nhất là 19 tỉnh, thành phía Nam. Do đó, bất cứ một sự đứt gãy nào đều sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, sản lượng sụt giảm.

Ghi nhận phản ánh của các doanh nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, giữa tháng 8, UBND TP.HCM đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các tỉnh phải đặt hoạt động sản xuất nông nghiệp là thiết yếu, cần được ưu tiên, tạo mọi điều kiện duy trì sản xuất, không bị đứt gãy nguồn cung trong thời gian tới. 

Nguyên nhân là nếu nông dân các tỉnh đã tổ chức trồng trọt, thậm chí đã gần thu hoạch sản phẩm phải phá bỏ giữa chừng vì nhận thấy không thể tiêu thụ sản phẩm được như thời gian qua, nguy cơ ngừng sản xuất sẽ khiến mùa vụ chậm trễ, ảnh hưởng cả chất và sản lượng sản xuất sản phẩm nông nghiệp, nguyên liệu cho ngành lương thực, thực phẩm về sau.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem