Giá cà phê 25/8: Tăng nhưng quá chật vật, khắc phục rụng trái cà phê vào mùa mưa
Giá cà phê 25/8: Tăng nhưng quá chật vật, khắc phục rụng trái cà phê vào mùa mưa
Nguyễn Phương
Thứ sáu, ngày 25/08/2023 15:19 PM (GMT+7)
Giá cà phê hôm nay 25/8: Hai sàn vừa có phiên điều chỉnh giá cà phê một cách chật vật do đầu cơ dịch chuyển dòng vốn khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao ngất ngưởng. Trong nước, giá cà phê hôm nay nhích thêm 100 đồng/kg, mức 64.400 đồng/kg là giao dịch cao nhất được ghi nhận tại Lâm Đồng.
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London điều chỉnh giá theo xu hướng tăng phiên thứ tư. Kỳ hạn giao ngay tháng 11 tăng thêm 4 USD, lên 2.406 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 1/2024 tăng thêm 1 USD, lên 2.325 USD/ tấn, các mức tăng rất nhẹ. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cũng diều chỉnh tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 12 tăng thêm 0,40 cent, lên 154,30 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2024 tăng thêm 0,20 cent, lên 155,30 cent/lb, các mức tăng cũng rất nhẹ. Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay tăng 100 đồng, lên dao động trong khung 64.400 - 65.200 đồng/kg. Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng có giá thấp nhất là 64.400 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg. Tiếp đó là tỉnh Gia Lai với 64.500 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg. Tỉnh Đắk Lắk có giá thu mua là 65.100 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg. Đắk Nông ghi nhận mức giao dịch là 65.200 đồng/kg, đi ngang so với hôm qua. Đây cũng là mức giao dịch cao nhất trong các địa phương được khảo sát.
Giá cà phê trên cả hai sàn đã có lúc giảm sâu do USDX mạnh lên trong rổ tiền tệ đã khiến đầu cơ mạnh tay thanh lý, dịch chuyển dòng vốn sang các thị trường khác có mức lợi nhuận hấp dẫn hơn. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ dài hạn đạt mức cao nhất kể từ năm 2008 đã khiến hầu hết các thị trường hàng hóa vội vàng quay đầu.
Trong khi thu hoạch vụ mùa năm nay ở Brazil bước vào giai đoạn cuối khiến sức ép bán hàng vụ mới càng thêm nặng nề. Theo báo cáo của nhà tư vấn – phân tích Safras & Mercado, tính đến nay đã có khoảng 95% sản lượng vụ mùa mới đã được thu hoạch. Các khu vực trồng Conilon Robusta kết thúc sớm, hiện đang chờ mưa để cây cà phê ra bông vụ mới.
Theo nhà tư vấn StoneX, hiện tượng thời tiết El Nino kéo dài đến hết tháng 4 năm sau, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực lên cây cà phê Conilon ở miền nam Brazil trong giai đoạn ra hoa và nuôi quả non, là giai đoạn cây cần rất nhiều nước và đất có độ ẩm cao.
Tại Việt Nam, lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/8, nước ta đã xuất khẩu 1,54 triệu tấn cà phê, tương đương 2,81 tỷ USD, giảm 20% về lượng nhưng tăng gần 5% về giá trị do giá. Dự báo, xuất khẩu cà phê năm nay có thể đạt 4 tỷ USD.
Theo Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam, giá cà phê tăng liên tục là do cung không đủ cầu. Dự báo sản lượng cà phê năm nay giảm đến 10-15%/năm do thời tiết không thuận lợi. Từ nay đến cuối năm, xuất khẩu cà phê vẫn thuận lợi khi nhu cầu tăng trong khi nguồn hàng không được cải thiện.
Thực trạng rụng trái cà phê vào mùa mưa, khắc phục cách nào?
Theo Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, mùa mưa là thời điểm cây cà phê nhận được lượng nước dồi dào, thúc đẩy quá trình phát triển tự nhiên (cành, chồi tăng trưởng, trái cà phê cũng tăng nhanh về kích thước và trọng lượng). Đây cũng là thời điểm nông dân trồng cà phê hay gặp hiện tượng rụng trái. Hiện tượng này có thể kéo dài từ trái mới hình thành đến khi thu hoạch. Nếu không có biện pháp khắc phục sẽ gây thất thu và giảm sản lượng.
Hiện tượng rụng trái xảy ra do một số nguyên nhân như nguyên nhân tự nhiên, nguyên nhân sinh lý, nguyên nhân bệnh lý:
Nguyên nhân tự nhiên: Cây cà phê có đặc điểm hoa mọc theo chùm. Nếu chăm sóc tốt trong mùa khô, mỗi chùm có thể phân hóa rất nhiều hoa và đậu quả. Vào mùa mưa, khi được cung cấp lượng nước dồi dào, thúc đẩy các trái phát triển mạnh mẽ, dẫn đến việc các quả chen chúc nhau trong chùm, buộc trái nhỏ hơn phải rụng bớt. Để hạn chế hiện tượng này, bà con nên cung cấp đủ và cân đối lượng dinh dưỡng để cuống hoa (cuống trái) phát triển chắc khỏe từ lúc mới đậu quả.
Nguyên nhân sinh lý: Cây cà phê ra hoa và đậu trái trong mùa khô, khi bắt đầu mùa mưa là trái cũng bắt đầu tăng trưởng, đến giữa mùa mưa là giai đoạn tăng trưởng rất nhanh về kích thước của trái nên cây cần một lượng lớn dinh dưỡng để nuôi trái. Nếu bón phân không đầy đủ hay không kịp thời sẽ không đủ dinh dưỡng để nuôi trái, do đó một số trái sẽ tự rụng đi để cây tập trung nuôi các trái còn lại, đó là quy luật tự nhiên, tự bảo vệ khả năng sinh tồn của cây.
Mùa mưa cũng là thời điểm cây cà phê cần dinh dưỡng để phát triển cành, chồi. Việc không cung cấp kịp thời và đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây cà phê trong giai đoạn này cũng như việc cây phân chia lượng dinh dưỡng để phát triển cành dư thừa cũng làm tình trạng trái cà phê rụng nhiều và hàng loạt.
Nguyên nhân bệnh lý
+ Do nấm: Vào mùa mưa, khi độ ẩm không khí tăng cao là điều kiện thích hợp cho nấm bệnh phát triển. Thường có các dạng sau: Nấm tấn công vào cuống của trái gây thối làm rụng trái (giai đoạn trái non); Nấm tấn công vào cành gây khô cành, do đó trái bị rụng; Nấm tấn công vào quả và làm rụng trái; Nấm tấn công làm rụng hết lá làm giảm khả năng quang hợp và làm rụng trái.
+ Do sâu hại: Thường thấy nhất là hiện tượng cây bị rệp sáp chích hút nhựa ở các bộ phận non của cây, một mặt làm suy giảm lượng dưỡng chất của cây, mặt khác nó gây ra những tổn thương tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhập gây bệnh cho cây, ngoài ra còn có mọt đục quả gây hại thường có một lỗ tròn nhỏ cạnh núm quả hoặc chính giữa núm quả.
Giải pháp khắc phục
- Về bón phân
Giai đoạn này quả cà phê cần lượng dinh dưỡng cao, hơn nữa vào thời điểm này các loại dịch hại đặc biệt là nấm bệnh tấn công nhiều nhất. Vì vậy, việc chăm sóc cà phê vào đầu mùa mưa hết sức quan trọng nhằm hạn chế tối đa hiện tượng rụng quả cà phê, giúp cây cà phê nhanh chóng phục hồi và nuôi dưỡng trái non tốt. Ngay từ đầu mùa mưa, bà con cần chú ý bổ sung phân bón đầy đủ, lưu ý bón theo nguyên tắc 5 đúng: Đúng loại phân, đúng liều lượng, đúng tỷ lệ, đúng thời điểm và đúng phương pháp.
Đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng cân đối theo nhu cầu giai đoạn nuôi quả non của cây cà phê.
Lượng phân bón thương phẩm tương ứng (kg/ha/năm)
Tuổi cà phê
Khối lượng phân thương phẩm (kg/ha/năm)
Urê
Lân
Kali clorua
Cà phê kinh doanh (>4 năm)
400
600
600
Ghi chú: Cứ 1 tấn nhân tăng thêm thì bón thêm từ 120-150kg đạm urê; 80 - 100kg lân và 100 - 120kg kali clorua.Lượng phân bón khuyến cáo chung cho cà phê kinh doanh đạt năng suất khoảng 3 tấn/ha. Lượng bón thực tế tùy theo loại đất và năng suất.
Số lần và tỷ lệ bón phân hóa học
Loại phân
Tỷ lệ bón (%)
Lần 1
(vào mùa tưới)
Lần 2
(tháng 4,5)
Lần 3
(tháng 6,7)
Lần 4
(tháng 8,9)
Đạm Ure
10
30
30
30
Lân
0
100
0
0
Kali
0
30
30
40
Ngoài ra, bón bổ sung hợp lý các chất trung vi lượng giúp cây hấp thu dinh dưỡng tốt, tăng tỷ lệ đậu trái, trái to nhân chắc giúp nâng cao năng suất chất lượng cà phê.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.