Giá cà phê hôm nay 6.10 không tăng như kì vọng của giới đầu tư mà tiếp tục giảm thêm 200 đồng/kg, theo đà giảm của giá robusta trên sàn London. Ảnh minh họa
Giá cà phê hôm nay tiếp tục giảm 200 đồng/kg
Khảo sát của phóng viên cho thấy, giá cà phê hôm nay 6.10 thị trường cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục giảm đồng loạt 200 đồng/kg. Nhiều địa phương giá cà phê đang tiến sát mức 42.000 đồng/kg, ngược với phân tích của giới chuyên gia khi cho rằng giá cà phê Việt Nam sẽ khó giảm sâu do thị trường cà phê thế giới ngày càng cạn kiệt.
Cụ thể, sáng nay giá cà phê tại tỉnh Gia Lai, Đắk Nông cùng giảm 200 đồng/kg, tụt khỏi mốc 43.000 đồng/kg, giao dịch ở mức 42.900 đồng/kg; giá cà phê tại tỉnh Đắk Lắk còn 42.800 đồng/kg và tại Lâm Đồng chỉ đạt 42.100 đồng/kg.
Tại cảng TP.Hồ Chí Minh, giá cà phê nhân xuất khẩu hôm nay niêm yết ở mức 1.910 USD/tấn, giảm 15 USD/tấn so với ngày 5.10, mức trừ lùi vẫn là 90 USD/tấn.
Giá nông sản hôm nay 6.10, thị trường cà phê nhân xô Tây Nguyên tiếp tục sụt giảm 200 đồng/kg, một số nơi như Di Linh (Lâm Đồng) chỉ còn 42.000 đồng/kg. Ảnh minh họa
Theo phân tích của một số nhà đầu tư, giá cà phê trong nước giảm là do giá cà phê robusta trên sàn London hôm qua vẫn tiếp tục giảm, mặc dù giá cà phê arabica trên sàn New York đi ngược lại và có sự tăng trưởng khá mạnh. Cụ thể, giá kì hạn tháng 11.2017 trên sàn London chốt phiên giao dịch rạng sáng ngày 6.10 chỉ còn 2.000 USD/tấn, giảm 15 USD/tấn so với ngày trước đó. Trong khi giá cà phê arabica trên sàn New York lại tăng tới 2,05 cent/lb, chốt ở mức 127,2 cent/lb. Khối lượng giao dịch trên cả 2 sàn ở mức trung bình.
Dự báo thời tiết ở Tây Nguyên, vùng trồng cà phê chính của Việt Nam sẽ có mưa lớn kéo dài trong cả tuần làm dấy lên mối lo việc thu hoạch vụ mùa mới sẽ bị trì hoãn và do đó nguồn cung cà phê vụ mới ra thị trường bị chậm lại. Một số nông dân có diện tích trồng cà phê khá đáng kể cho rằng cần phải chuẩn bị các phương tiện phơi sấy ngay từ bây giờ để chủ động và nhất là đảm bảo chất lượng hạt cà phê để tránh việc kéo theo thu nhập sụt giảm.
Doanh nghiệp cao su, hồ tiêu Malaysia muốn hợp tác với Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường vừa có buổi tiếp và hội đàm với ông Datuk Seri Mah Siew Keong, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Trồng trọt Malaysia để gợi mở tiềm năng hợp tác, khai thác tốt lợi thế và tạo điều kiện thúc đẩy nông sản của hai bên cùng phát triển.
Malaysia có nhiều điểm khá tương đồng với Việt Nam. Đặc biệt, cả hai nước đều coi trọng những sản phẩm có giá trị cao để xuất khẩu. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề xuất 2 nhóm vấn đề mà hai nước có thể trao đổi hợp tác, đó là: những nhóm sản phẩm trùng nhau thì liên kết, bổ trợ cho nhau làm sao gia tăng giá trị và mở rộng ra thị trường thế giới. Một số nhóm mặt hàng tùy theo tình hình mỗi nước có thể ưu tiên để phát triển như gạo Việt Nam có thể nhiều hơn, Malaysia có thể ưu tiên cây khác để bổ trợ cho nhau. Nếu hai nước hợp tác làm tốt thì có thể mở ra thị trường rộng lớn không chỉ ở khu vực ASEAN mà trên quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường vừa có buổi tiếp và hội đàm với ông Datuk Seri Mah Siew Keong, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Trồng trọt Malaysia. Ảnh: T.L
Liên quan đến vấn đề này, ông Datuk Seri Mah Siew Keong, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Trồng trọt Malaysia cho biết, Malaysia có thế mạnh về xuất khẩu các mặt hàng dầu cọ, cao su, hồ tiêu, nhất là các mặt hàng chế biến sâu. Hiện Malaysia đang nhập khẩu cao su thô của Việt Nam về để sản xuất găng tay y tế - sản phẩm lớn nhất của ngành cao su Malaysia.
Ông Datuk Seri Mah Siew Keong cũng cho biết, nhiều doanh nhân trong lĩnh vực chế biến sản phẩm cao su, hồ tiêu của Malaysia đang quan tâm đến thị trường Việt Nam. Hiện Malaysia đang là Chủ tịch Hội đồng Ba bên Cao su quốc tế (gồm có: Thái Lan, Indonesia, Malaysia), được thành lập với mục đích giữ giá cao su bình ổn. Ông Datuk Seri Mah Siew Keong bày tỏ mong muốn mời Việt Nam tham dự cuộc họp Hội đồng Ba bên Cao su quốc tế sắp diễn ra tại Kuala Lumpur (Malaysia) và có thể trở thành thành viên của Hội đồng này.
Đối với hồ tiêu, ông Datuk Seri Mah Siew Keong cho biết, trước đây 10 năm nhiều đoàn công tác của Việt Nam từng sang Malaysia để học hỏi, tham quan đồn điền sản xuất hồ tiêu. Đến nay, sản lượng hồ tiêu của Việt Nam đã gấp 5 lần Malaysia.
Về hợp tác trong lĩnh vực cao su, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường mời gọi các doanh nghiệp Malaysia sang nghiên cứu, chế biến cao su tại Việt Nam.
Theo Bộ trưởng, các sản phẩm chế biến từ cao su như đệm, các sản phẩm trong gia đình đang có mức tăng trưởng cao. Mới đây, Tập đoàn Vingroup đã quyết định đầu tư lớn vào sản xuất ô tô với mong muốn nội địa hóa tới 60-70% và dự kiến 1,5 năm tới sẽ có sản phẩm để bán. “Trong cấu trúc xe, phần cao su rất nhiều. Doanh nghiệp Malaysia sang nghiên cứu, đầu tư chế biến cao su thành sản phẩm ở Việt Nam sẽ rất hữu ích” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đối với hồ tiêu, Việt Nam là nước sản xuất lớn nhất thế giới, còn Malaysia lại dẫn đầu về các sản phẩm hồ tiêu chế biến. Do đó, ông Datuk Seri Mah Siew Keong khẳng dịnh, các doanh nghiệp Malaysia sẵn sàng đến Việt Nam để hợp tác trong chế biến các sản phẩm hồ tiêu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.