Giá cá tra xuất khẩu sụt giảm: Hệ lụy từ thị trường EU

Thứ tư, ngày 10/08/2011 11:07 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lý giải rằng, giá cá tra nguyên liệu trong nước mấy tháng qua bị sụt giảm do thị trường châu Âu (EU) - thị trường chính xuất khẩu cá tra của Việt Nam, đang bị “đóng băng”.
Bình luận 0

Hết tiền mua cá

Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, theo thông lệ cứ hàng năm từ tháng 5 đến hết tháng 8 là mùa nghỉ hè ở châu Âu, nên lượng cá, thủy sản tiêu thụ theo đó cũng sụt giảm. Tuy nhiên năm nay, do suy thoái kinh tế và cuộc khủng hoảng nợ công ở nhiều quốc gia châu Âu đã khiến cho ngân hàng siết chặt tín dụng, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu theo đó không có tiền để mua hàng, khiến cho tình hình tiêu thụ cá tra của VN gặp khó khăn, giá sụt giảm.

img
Xuất khẩu cá tra trong tháng 7.2011 không còn sôi động như các tháng trước.

“Thêm vào đó còn do trong năm nay chúng ta không còn áp dụng phương thức bán hàng cho nợ tiền hàng đến 3 tháng mà bán là lấy tiền liền nên nhiều nhà nhập khẩu châu Âu gặp khó khăn, bắt buộc phải cắt giảm hoặc tạm hoãn đơn hàng mua cá tra, thậm chí đàm phán hạ giá” – ông Hòe nói.

Thị trường EU trong tháng 7 vừa qua, giá nhiều đơn hàng xuất khẩu cá tra đã giảm từ 3,3 – 3,4 xuống còn 3 USD/kg. 6 tháng đầu năm, đối với các thị trường chính ở châu Âu như Tây Ban Nha, Hà Lan, Đức… kim ngạch xuất khẩu cá tra đã sụt giảm tới 50% so với cùng kỳ 2010. “Tháng 7 qua, tình hình càng bi đát hơn khi mà mọi hoạt động xuất khẩu cá tra sang các thị trường này nói riêng và toàn châu Âu nói chung hầu như bị đóng băng” – ông Hòe lo lắng.

Đây lại là thị trường chiếm đến 40% tổng sản lượng cá tra xuất khẩu của Việt Nam nên đã gây ảnh hưởng nhiều đến thị trường chung. “Tôi vừa phải bay qua Ai Cập để giải quyết yêu cầu của khách hàng muốn giao hàng chậm vài tuần. Trong bối cảnh trong nước cũng siết chặt tín dụng, lãi suất vay và các chi phí quá cao, đơn hàng càng chậm giao, doanh nghiệp càng gánh chi phí tăng thêm” – ông Nguyễn Văn Ký - Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang cho biết. 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Ai Cập cũng bị sụt giảm 50%.

Sẽ “đóng băng” đến tháng 9

Các doanh nghiệp tính toán, với giá nguyên liệu 23.000 – 24.0000 đồng/kg như hiện nay, giá thành của cá tra philê thành phẩm xuất khẩu đã vào khoảng 55.000 đồng/kg. Như thế, cứ một kg cá tồn kho, mỗi tháng doanh nghiệp phải tốn thêm khoảng 1.500 đồng phí lưu kho cộng lãi suất ngân hàng. Nếu bình quân mỗi tháng Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu khoảng 17.000 tấn cá tra thì cứ mỗi tháng hàng bị “đóng băng”, chi phí tồn kho này sẽ không dưới 25 tỷ đồng.

Do bị cắt giảm định mức tín dụng nên các nhà nhập khẩu không thể mua hàng dự trữ cho mùa tiêu thụ cuối năm. Không bán được cá, các doanh nghiệp cũng không thể tăng giá cá tra nguyên liệu thu mua trong nước.

“Chúng tôi đang rối trí, lượng nguyên liệu đưa vào chế biến chỉ xuất khẩu được 50%, còn lại phải lưu kho” - giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ở Cần Thơ rầu rĩ.

Đây cũng là tình trạng chung của nhiều nhà máy chế biến cá tra ở ĐBSCL, khi mà năng suất chế biến hiện chỉ đạt từ 30 – 50% công suất nhà máy.

Theo đánh giá của ông Dương Ngọc Minh - Phó Chủ tịch VASEP thì tình hình khó khăn này sẽ còn kéo dài đến tháng 9, hết mùa nghỉ hè, thị trường châu Âu bước vào mùa tiêu thụ cho cuối năm. “Khi ấy mới hy vọng khách hàng nhập khẩu trở lại, giá cả tăng lên” - ông Minh nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem