Trao đổi với phóng viên Dân Việt qua điện thoại, anh Khanh cho biết, hiện mới vào đầu vụ nhưng giá cam sành thương lái mua tận vườn ở Vĩnh Xuân mới đạt khoảng 13.000 đồng/kg, với mức giá này, nông dân lỗ khoảng 2.000 đồng/kg.
Những thùng cam xếp thành dãy dài trong vườn nhà anh Khanh.
Được biết, nhà anh Khanh có khoảng 3.000m2 cam sành, vụ này ước tính anh thu được khoảng 10 tấn, nếu giá cam không được cải thiện trong thời gian tới, anh có thể lỗ đến 30 triệu đồng. “Mới đầu vụ mà giá cam đã giảm thê thảm, bao nhiêu vốn liếng nông dân đổ vào vườn cam biết bao giờ mới thu lại được”, anh Khanh than thở.
Mới đầu vụ mà giá cam quá thấp, chỉ 13.000 đồng/kg khiến nhà nông lỗ 2.000 đồng/kg.
Về nguyên nhân khiến giá cam sành giảm dù mới đầu vụ, anh Khanh lý giải là do năm nay miền Bắc bắt đầu mùa hè muộn, nắng nóng đến chậm hơn mọi năm nên sức tiêu thụ giảm. “Nhưng nguyên nhân lớn nhất theo tôi là do diện tích cam tăng chóng mặt khiến sản lượng tăng dẫn đến ứ đọng”, anh Khanh nói.
Tuy nhiên, điều khiến anh Khanh lo lắng là, mới đầu vụ, lượng cam trong dân còn rất nhiều mà giá đã giảm như thế này thì khó có thể tăng trong thời gian tới.
Nguyên nhân giá thấp một phần do mùa hè ở miền Bắc bắt đầu chậm hơn mọi năm.
Được biết, mấy năm gần đây, huyện Trà Ôn đã trở thành “thủ phủ” cam sành mới của tỉnh Vĩnh Long. Trước, cam sành tập trung chủ yếu ở huyện Tam Bình, thấy lợi nhuận từ loại cây này quá “khủng” nhiều nông dân đã ồ ạt trồng cam, đưa cam lấn cả vào đất lúa. Tính đến đầu năm 2018, huyện Trà Ôn có trên 3.812ha cam sành, trong đó diện tích thâm canh cam sành trên đất lúa là 2.576ha, tập trung nhiều ở các xã Vĩnh Xuân, Thuận Thới, Thới Hòa, Hựu Thành;… Do lợi nhuận của cam sành mùa thuận đạt khoảng 120 – 150 triệu đồng/ha, vụ nghịch lên đến 300 – 350 triệu đồng/ha nên ai cũng ham, đua nhau mở rộng diện tích. Chỉ tính riêng năm 2017, diện tích cam sành tại huyện Trà Ôn tiếp tục “phình” thêm 300ha.
Nhưng nguyên nhân sâu xa hơn là do diện tích cam phát triển quá nhanh. Riêng năm 2017, Trà Ôn có 300ha cam sành trồng mới. Ảnh: Một góc vườn cam nhà anh Khanh.
Điều đáng nói là, việc sản xuất của bà con vẫn mang tính tự phát và thiếu tính bền vững do trồng với mật độ quá dày để tăng sản lượng, tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, chất kích thích tăng trường đến mức báo động. Cho đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Trà Ôn mới có 51ha cam sành được trồng theo quy trình an toàn của HTX Nông nghiệp cam sành Organic Trà Ôn.
Anh Khanh hy vọng, thời gian tới, khi miền Bắc chính thức bước vào mùa hè với nhiều đợt nắng nóng, sức tiêu thụ cam tăng lên thì giá cả sẽ được cải thiện. Nhưng rõ ràng, việc phát triển quá “nóng” đã bắt đầu cho thấy nhiều hệ lụy.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.