Từng nổi tiếng là đặc sản của Bình Thuận, con dông Hòa Thắng (Bắc Bình) đã giúp nhiều nông dân nơi đây thoát nghèo, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, các trang trại nuôi dông ở địa phương thu hẹp dần vì đầu ra không ổn định, giá cả bấp bênh.
Chuồng dông mới tái đàn của anh Hồ Xuân Trông.
Vào thời điểm năm 2009 – 2010, phong trào nuôi dông ở Hòa Thắng trở nên rầm rộ, phát triển ồ ạt. Thời điểm ấy, hầu như nhà nào cũng nuôi dông, ít thì vài trăm m2, nhiều thì vài ha. Vì món đặc sản vùng gió cát này được thị trường ưa chuộng, giá cao.
Dông là động vật sinh sống hoang dã, được nhiều người bắt về nuôi trong môi trường nhân tạo. Tuy nhiên, sau thời gian dài khai thác, lượng dông tự nhiên giảm hẳn, tỷ lệ sinh sản không cao và thất thoát nhiều do thiết kế chuồng trại không đạt yêu cầu.
Chẳng hạn, một số hộ thiết kế đáy chuồng không lót bạt, dông đào hang chui đi. Do đó, để tránh thất thoát, một số hộ trải bạt hoặc dưới nền đổ một lớp xi măng mỏng, nhưng phải đảm bảo việc rút nước nhanh khi mưa đến nếu không dông sẽ chết ngộp… |
Theo kinh nghiệm của những người từng nuôi dông, dông rất dễ sống, có thể tận dụng nguồn phế phẩm như bông sò đo, rau muống biển, rau lang, chùm ngây, bầu, bí…, ít tốn công chăm sóc. Ngoài ra, giá dông thời điểm đó từ 400.000 – 500.000 đồng/kg dông thịt, khiến nhiều người ồ ạt mở rộng diện tích nuôi.
Trước đây, xã Hòa Thắng có khoảng 139 hộ nuôi dông, với hơn 40 ha, tập trung tại thôn Hồng Lâm, Hồng Chính. Thì đến thời điểm hiện tại, diện tích nuôi dông thu hẹp chỉ còn vỏn vẹn 4 ha.
Hỏi nguyên nhân, nhiều người nuôi dông nơi đây cho biết, có thời điểm giá dông xuống thấp chỉ còn 300.000 đồng/kg, nhưng không có người mua. Bên cạnh đó, nguồn dông tự nhiên cạn kiệt, tỷ lệ sinh sản giảm dần và số dông chết dưới hang nhiều, gây thất thoát tổng đàn.
Nuôi dông con đến 2 năm mới xuất bán nhưng hiệu quả kinh tế không có khiến người nuôi lỗ nặng, đành dỡ bỏ chuồng trại.
Tuy nhiên, khi thị trường thu hẹp, thì giá dông lại trở về mức cao và chạm ngưỡng với giá 600.000 – 700.000 đồng/kg, nhưng không có hàng cung cấp.
Anh Hồ Xuân Trông (thôn Hồng Lâm), một trong những hộ đang thả nuôi dông lại 1 năm nay chia sẻ: “Nuôi dông thực tế ít tốn công chăm sóc, nhưng tháng 6, tháng 7 hàng năm người nuôi phải bắt dông con tách đàn thì hiệu quả kinh tế mới cao, tránh thất thoát. Hiện tôi đang thả nuôi lại khoảng 1.000 con/400m2, hy vọng cuối năm nay có thể xuất bán với giá cao như hiện nay”.
Theo lãnh đạo địa phương, con dông khu Lê đã có thương hiệu, logo, nhưng thị trường đầu ra chưa ổn định, do đó không khuyến khích nông dân giữ chuồng, phát triển bền vững. Những hộ đầu tư diện tích lớn từ 1 ha trở lên nay phải bỏ nghề.
Từ đầu năm 2018 đến nay, giá dông cao khiến nhiều người rục rịch nuôi trở lại với quy mô nhỏ vài trăm m2. Có thể thấy, cung – cầu luôn đối nghịch trong hầu hết các sản phẩm nông nghiệp, không riêng gì con dông. Do đó, với giá dông tăng cao như hiện nay, sẽ khiến nhiều người tăng đàn trở lại.
Để thương hiệu con dông khu Lê phát triển bền vững, chính quyền địa phương cần định hướng diện tích nuôi, tìm đầu ra ổn định để nghề nuôi dông không còn “thăng trầm” như bấy lâu. |
M.Vân (Báo Bình Thuận)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.