Giá dầu “rơi” xuống dưới 0 USD, hàng trăm doanh nghiệp có thể phá sản

Thanh Phong Thứ ba, ngày 21/04/2020 10:38 AM (GMT+7)
Hiện tại, các hợp đồng dầu thô WTI giao tháng 5 đã giảm 100%, xuống mức -37,63 USD/thùng. Theo nhận định của giới chuyên môn, thay vì việc phải “trả tiền cho người mua”, các doanh nghiệp (DN) sẽ đứng trước nguy cơ phá sản.
Bình luận 0

Chốt phiên giao dịch ngày 20/4 (giờ Mỹ), thị trường dầu của Mỹ đã trải qua một điều chưa từng xảy ra trong lịch sử khi giá dầu xuống mức âm do tác động của dịch Covid-19.

Cụ thể, giá dầu thô WTI giao tháng 5 trên sàn giao dịch New York đã lao dốc xuống -37,63 USD/thùng. Giá dầu kỳ hạn tháng 6 tuy vẫn ở mức 22 USD/thùng, song cũng đã giảm mạnh so với phiên giao dịch trước.

Được biết, nguyên nhân của tình trạng trên là do tâm lý lo ngại của nhà đầu tư về tác động của dịch Covid-19 đến nhu cầu tiêu thụ dầu thô. Theo đó, để ngăn dịch Covid-19 khi hàng tỷ người trên thế giới được khuyến cáo ở trong nhà dẫn tới nhu cầu tiêu thụ dầu thô đã giảm mạnh, nguồn cung dư thừa.

Tính từ đầu năm 2020, trong khi giá dầu thô kỳ hạn giảm khoảng 130%, giá dầu Brent cũng giảm ở mức 60%. Điều này dẫn tới tình trạng, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực dầu khí của Mỹ đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ.

img

Giá dầu thế giới đang diễn biến theo kịch bản chưa từng có trong lịch sử.

Theo khảo sát của công ty Rystad Energy, hơn 500 doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và khai thác dầu mỏ của Mỹ có thể sẽ nộp đơn phá sản vào cuối năm 2021 nếu giá dầu ở mức 20 USD/thùng, thậm chí, gần như toàn bộ doanh nghiệp trong lĩnh vực này phá sản nếu giá dầu xuống dưới 10 USD/thùng.

Louise Dickson, nhà phân tích thị trường dầu mỏ tại Rystad Energy cho biết, ban đầu tất cả các chuyên gia, DN đều không nghĩ đến về bối cảnh này. Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng việc giảm giá dầu có thể kích thích nền kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, hiện tại, hàng trăm công ty sản xuất dầu mỏ Mỹ sẽ có nguy cơ phá sản, thay vì việc phải sẽ tiền cho người mua để xử lý số lượng dầu tồn đọng.

Ngoài ra, theo đánh giá từ Cty Bloomberg, phiên giao dịch ngày 20/4 thể hiện rõ nhất sự tồi tệ của nền kinh tế toàn cầu dưới tác động của dịch Covid-19.

"Sẽ có rất nhiều thứ bị phá vỡ kéo theo khi giá dầu mỏ vượt qua điểm chết ở mức âm, rõ ràng các nhà sản xuất đang phải chi trả một giá quá đắt lên đến 40 USD/thùng để thuê ai đó đưa dầu thô ra khỏi nhà máy hoặc phải đóng cửa", Bloomberg nhận định.

Cũng theo thông tin từ phía Bloomberg, tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng ngày hôm qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đây là một "cơ hội thú vị" để mua bổ sung 75 triệu thùng dầu vào kho dự trữ chiến lược của quốc gia này.

Theo ông Trump, tình trạng sụp đổ này là một sự siết chặt tài chính khi nhiều nhà đầu tư cùng hủy hợp động mua bán tháng 5 khiến giá dầu thô sụt giảm nhanh chóng, song thị trường có thể sẽ khả quan vào tháng sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát.

Tuy nhiên, theo bà Helima Croft, người đứng đầu chiến lược hàng hóa toàn cầu tại ngân hàng RBC Capital chia sẻ: "Đến bây giờ, chúng tôi cũng chưa tìm ra một giải pháp nào để cứu vãn cho thị trường dầu mỏ, chúng tôi vẫn thực sự lo ngại về triển vọng của dầu trong tương lai"

Tại Việt Nam, trong kỳ điều chỉnh ngày 13/4, theo quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu của liên Bộ Tài chính - Công Thương, xăng RON 95 - III giảm 621 đồng/lít, xăng E5 RON 92 giảm 613 đồng/lít. Như vậy, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 11.343 đồng/lít và 11.939 đồng/lít với xăng RON 95.

Trong kỳ điều chỉnh lần này, giá các loại dầu đều được điều chỉnh giảm. Cụ thể, dầu diesel giảm 436 đồng/lít; dầu hỏa giảm 502 đồng/lít; dầu mazut giảm 126 đồng/kg.

Sau khi giảm, giá tối đa với mặt hàng dầu diesel là 10.823 đồng/lít; dầu hỏa là 8.639 đồng/lít và dầu mazut là 9.327 đồng/kg.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem