Giá dê tăng mạnh sau Covid-19, từ 30.000 đồng/kg nhảy dần lên 150.000 đồng/kg, thương lái vẫn mua hết

Trần Khánh Thứ ba, ngày 22/02/2022 19:00 PM (GMT+7)
Sau thời gian dài rớt giá thảm, giá dê thịt đã tăng lên trên dưới 130.000 đồng/kg. Dù chưa phải là mức cao nhất từ trước tới nay nhưng giá dê khởi sắc đã giúp nông dân ổn định lại nghề chăn nuôi.
Bình luận 0

Giá dê tăng trở lại sau thời gian dài rớt thảm

Gia đình bà Nguyễn Thị Mai ở xã Thạnh Tây (huyện Tân Biên, Tây Ninh) đang chăn nuôi dê thịt và dê giống với tổng đàn 30 con.

Bà Mai cho biết, năm 2021, do ảnh hưởng dịch Covid-19, giá dê rớt thê thảm. Từ đầu năm 2022 đến nay, giá dê dần phục hồi và tăng lên.

Hiện tại, số dê thịt gia đình bà nuôi đều được các thương lái trên địa bàn tiêu thụ hết, với giá bán dao động từ 130.000-150.000 đồng/kg.

Mô hình chăn nuôi dê nhốt chuồng ở huyện Tân Biên, Tây Ninh. Ảnh: Trần Khánh

Mô hình chăn nuôi dê nhốt chuồng ở huyện Tân Biên, Tây Ninh. Ảnh: Trần Khánh

Gia đình bà Mai còn phát triển mô hình nuôi dê sinh sản để cung cấp dê giống cho bà con trong xã. Hiện bà Mai đang bán dê giống với giá 190.000 đồng/kg (với dê đực) và 140.000 đồng/kg (với dê cái).

Ngoài ra, nguồn phân dê phơi khô cũng bán được với giá 35.000 đồng/bao (loại bao 20 kg), mang về cho bà nguồn thu nhập hơn 10 triệu đồng/năm.

Bà Mai cho biết: "Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá dê thịt vẫn chưa đạt mức cao nhất so với trước. Tuy nhiên, giá bán hiện nay đã giúp người chăn nuôi có lời".

Bà Trần Thị Ánh Tuyết ở xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) là người có thâm niên chăn nuôi dê hơn 10 năm nay.

Bà Tuyết đang sở hữu trại nuôi dê với tổng đàn trên 400 con. Trong đó có trên 100 con dê sinh sản, còn lại là các loại dê hậu bị và dê thịt.

Bà Tuyết kể, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, giá dê thịt có lúc tăng lên hơn 150.000 đồng/kg. Trại dê giúp bà thu được nguồn lợi nhuận mỗi năm từ 300-400 triệu đồng.

Năm 2021, giá dê thịt sụt giảm có lúc chỉ còn hơn 30.000 đồng/kg nhưng không có người mua. Không ít người chăn nuôi dê khóc ròng vì lỗ vốn.

"Lúc này, khi dịch bệnh được khống chế, các nhà hàng, quán ăn được mở lại. Giá dê thịt tăng trở lại ở mức cao, trên dưới 135.000 đồng/kg, khiến người nuôi dê phấn khởi", bà Tuyết chia sẻ với PV Dân Việt.

Một cửa hàng bán thịt dê ở chợ Nguyễn Xí, TP.HCM. Ảnh: Trần Khánh

Một cửa hàng bán thịt dê ở chợ Nguyễn Xí, TP.HCM. Ảnh: Trần Khánh

Ổn định nghề nuôi dê

Bà Đinh Thị Hồng cũng là người nuôi dê lâu năm ở xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai). Bà Hồng cho biết, nhu cầu của thị trường đang tăng trở lại. Giá bán dê lúc này đang giúp người nuôi yên tâm gắn bó với nghề.

Theo bà Hồng, điều kiện tự nhiên ở Đồng Nai khá thuận lợi cho việc nuôi dê. Nhất là địa phương có đồng cỏ và điều kiện chăn thả như huyện miền núi Xuân Lộc.

Toàn huyện Xuân Lộc hiện có gần 10.000 con dê, riêng xã Xuân Bắc nuôi tới trên 1.000 con.

Mô hình chăn nuôi dê nhốt chuồng ở huyện Xuân Lộc, Đồng Nai. Ảnh: Trần Khánh

Mô hình chăn nuôi dê nhốt chuồng ở huyện Xuân Lộc, Đồng Nai. Ảnh: Trần Khánh

Gia đình nhà bà Hồng nhờ có nhiều đất rẫy nên đã dành riêng 2ha đất trồng cỏ voi để nuôi dê. Vì vậy, nguồn thức ăn xanh cho đàn dê của nhà bà khá ổn định.

Đàn dê của bà Hồng cũng được bổ sung thêm cám viên. "Tuy nhiên, mỗi con dê chỉ cần ăn mỗi ngày 0,5kg cám là đủ", bà Hồng lưu ý.

Bà Nguyễn Thị Mai ở xã Thạnh Tây (huyện Tân Biên, Tây Ninh) cũng cho biết, nguồn thức ăn tươi xanh là quan trọng nhất với đàn dê.

Theo kinh nghiệm của bà Mai, đối với dê thịt khi gần xuất chuồng, cần cho ăn thêm nhiều thức ăn xanh để nâng cao trọng lượng và chất lượng thịt.

Cỏ xanh và lá cây là nguồn thức ăn quan trọng với dê. Ảnh: Trần Khánh

Cỏ xanh và lá cây là nguồn thức ăn quan trọng với dê. Ảnh: Trần Khánh

Vì những tháng đầu, dê chỉ phát triển hệ xương. Về sau mới dần phát triển hệ cơ và thịt. Dê nuôi khoảng 6 tháng là có thể đạt trọng lượng từ 30-35 kg để xuất chuồng.

Đối với dê nái đẻ thì cho ăn nhiều cỏ xanh, kèm thêm ít thức ăn tinh bột. Đến khi dê đậu thai thì dứt hẳn nguồn tinh bột do tinh bột có tính nóng, ảnh hướng tới sức sinh sản của dê.

Ông Nguyễn Bảo Thọ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Tây (huyện Tân Biên) cho biết, mô hình chăn nuôi dê của bà Mai là một trong những điển hình vươn lên thoát nghèo ở địa phương.

Mô hình nuôi dê phù hợp với bà con trên địa bàn xã. Hiện tại nhu cầu đang tăng và giá dê dần hồi phục. Hội Nông dân xã sẽ tạo điều kiện hỗ trợ vốn, kỹ thuật để giúp bà con mở rộng đàn dê.

"Các hộ chăn nuôi dê như bà Mai sẽ là mô hình điểm để mở rộng liên kết chăn nuôi giữa các hội viên nông dân", ông Thọ chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem