Theo đó, giá bán điện bình quân sẽ tăng lên là 1.304 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 62 đồng/kWh so với giá bán điện bình quân hiện hành được duyệt (1.242 đồng/kWh).
Chưa điều chỉnh giá điện với hộ nghèo
Lý giải việc tăng giá điện, lãnh đạo EVN cho biết: "Việc điều chỉnh giá bán điện hiện tại là cần thiết để giá điện đảm bảo phản ánh đúng chi phí sản xuất kinh doanh điện thực tế, bù đắp một phần chi phí phát sinh khách quan trong năm 2010 do hạn hán phải huy động các nhà máy chạy dầu giá cao và một số chi phí còn treo lại chưa được tính vào giá bán điện".
|
Lắp đặt công tơ cho các hộ dân xã Iaka, huyện Chư Pảh, tỉnh Gia Lai. |
Như vậy, sau nhiều lần kiến nghị tăng giá điện, lần này EVN đã được phép điều chỉnh tăng 5% giá bán điện. Đối với giá bán điện sinh hoạt bậc thang 0 - 50kWh cho hộ nghèo và bậc thang 0 - 100 kWh, tạm thời không tăng trong lần điều chỉnh giá điện này. Đây là lần thứ 2 trong năm giá điện được điều chỉnh, lần đầu là vào tháng 3.2011 với mức tăng 15,28%.
Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN, ông Trần Viết Ngãi thẳng thắn nói, nếu không cho tăng giá điện, EVN chỉ có nước "chết". Ông Trần Viết Ngãi cũng cho rằng, EVN đang lỗ lớn nên tăng giá điện được bao nhiêu thì tốt cho tập đoàn này bấy nhiêu.
"Việc tăng giá lần này đã tính toán biên độ tăng theo giá nguyên liệu đầu vào nhưng tăng thêm 62 đồng/kWh thì “chưa ăn thua gì” với EVN, nhưng rõ ràng giá điện không thể tăng mạnh lúc này vì Chính phủ còn đang ra sức chống lạm phát"- ông Ngãi nói.
Còn theo tính toán của Bộ Tài chính, với mức điều chỉnh tăng giá điện cứ 3 tháng là 5% (theo Quyết định 24 về giá điện theo cơ chế thị trường) thì đến năm 2013, EVN mới thanh toán hết các khoản lỗ.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, việc tăng giá điện lần này, người nghèo vẫn được hỗ trợ, ngoài hỗ trợ theo quy định hiện hành, hộ nghèo dùng dưới 100kWh/tháng vẫn được giữ giá điện như cũ.
Lo ngại lạm phát tăng mạnh
Bàn về giá điện tăng 5%, các chuyên gia kinh tế lo ngại, giá điện tăng thời điểm này sẽ là “gáo dầu giội vào lửa”, tăng khả năng bùng lạm phát trong tháng Tết Nguyên đán.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, lý do tăng giá của EVN đưa ra chưa thuyết phục. EVN không thể lấy tiền của dân để bù vào hoạt động không hiệu quả của mình. EVN được trao sứ mệnh sản xuất và cung ứng điện thì phải hoàn thành nhiệm vụ.
Việc đồng ý tăng giá điện dù là 5% của liên bộ Công Thương - Tài chính càng làm cho EVN tăng tính độc quyền. Hơn nữa, mức tăng này sẽ làm ảnh hưởng tới doanh nghiệp.
“Trong khi xu hướng giá cả trong tháng cuối năm thường tăng cao đột biến thì đợt tăng giá điện này càng đẩy chi phí hàng hóa tăng cao. Người chịu thiệt lại là khách hàng của EVN – 80 triệu dân” - ông Doanh nói.
Tuy nhiên, lý giải những băn khoăn này, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan theo dõi sát những biến động do ảnh hưởng của tăng giá ở cả 2 khu vực sản xuất và tiêu dùng. Nếu có những ảnh hưởng lớn sẽ kiến nghị Chính phủ các giải pháp điều chỉnh. Công tác quản lý thị trường sẽ được đẩy mạnh để hạn chế tiêu cực, tránh tình trạng các đơn vị lợi dụng việc điều chỉnh giá điện để tăng giá bất hợp lý các mặt hàng thiết yếu, gây ảnh hưởng không tốt đến đời sống nhân dân.
Theo Thông tư số 31 quy định điều chỉnh giá bán điện theo thông số đầu vào cơ bản mà Bộ Công Thương ban hành, thì khoảng cách giữa 2 lần điều chỉnh giá điện liên tiếp được quy định tối thiểu là 3 tháng. Như vậy, nếu tính từ ngày thông tư này có hiệu lực là 1.9.2011 thì đến tháng 12 này EVN điều chỉnh tăng 5% giá bán điện là vừa đúng 3 tháng.
Tuy nhiên, việc tăng giá điện không tránh khỏi lo ngại cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ông Cao Tiến Vị - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Giấy Sài Gòn cho biết, giá thành điện chiếm 10% trong cơ cấu giá thành sản phẩm của doanh nghiệp, giá điện tăng 5% sẽ đẩy giá thành sản xuất giấy tăng thêm hơn 10% so với hiện tại.
“Các doanh nghiệp sản xuất đang chịu nhiều sức ép, đặc biệt là lãi suất. Việc tăng giá điện vào thời điểm cuối năm là không hợp lý, đáng lẽ cơ quan quản lý phải tính toán đến cả tác động và sức chịu đựng chung của các doanh nghiệp sản xuất cũng như mặt bằng giá cả nói chung” - ông Vị nói.
Ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản VN lo lắng, trong khi giá bán sản phẩm của chúng tôi không thể tăng giá thì chi phí đầu vào cứ tăng lên. Ngoài lãi suất cao, giá điện tăng 5% sẽ kéo theo một loạt các chi phí đầu vào, rồi giá nhân công tăng... gây khó cho doanh nghiệp.
Một doanh nghiệp chuyên xay xát lúa gạo cho biết, giá điện tăng 5% thì chi phí của của doanh nghiệp cũng phải tăng khoảng 3%. Hiện lãi suất ngân hàng đang quá cao trên 20%/năm, doanh nghiệp đã phải gồng mình lên chống đỡ, giờ tăng giá điện thêm 5% thì doanh nghiệp sẽ vô cùng khó khăn.
Mai Hương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.