Đã gần 3 tháng trôi qua kể từ khi xảy ra vụ án chấn động bác sĩ thẩm mỹ
Nguyễn Mạnh Tường ném xác bệnh nhân để phi tang, mọi sự tìm kiếm của gia đình và cơ quan chức năng đang gần như vô vọng. Việc tìm ra xác chị
Lê Thị Thanh Huyền không chỉ là vấn đề tinh thần, an ủi gia đình nạn nhân mà còn là điều kiện quan trọng để cơ quan tố tụng xét xử vụ án.
Dư luận Thủ đô một lần nữa lại xôn xao về việc nhiều luật sư phân tích những khía cạnh pháp lý xung quanh vụ việc chấn động, bác sĩ
Nguyễn Mạnh Tường ném xác nạn nhân xuống sông Hồng. Theo đó, nếu không tìm thấy xác nạn nhân Huyền, thì rất khó đưa vụ việc ra xét xử và đặc biệt là truy tố, xét xử Tường về tội danh "giết người".
Bác sĩ Tường sẽ được tại ngoại nếu không tìm thấy xác chị Huyền? Trao đổi với phóng viên về câu chuyện phức tạp này, luật sư Trần Văn Đức, Giám đốc Công ty luật Trường Sa (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, những dấu hiệu và kết quả điều tra cho thấy đây là vụ án hình sự vô ý làm chết người do vi phạm nguyên tắc nghề nghiệp. Luật sư Đức nhận định, xét theo quy định của luật hiện hành nếu không tìm được xác nạn nhân thì khó có thể đưa
Nguyễn Mạnh Tường ra truy tố, xét xử về tội danh "giết người".
Gia đình chị Huyền rất bức xúc trước thông tin cho rằng, nếu không tìm thấy xác chị Huyền, bác sĩ Tường sẽ được thả tự do.
"Mấy ngày qua có nhiều luật sư phân tích về việc này, đa số trong đó đều cho rằng tìm thấy xác của chị Huyền là mấu chốt của vấn đề, nếu không vụ việc rất dễ đi đến bế tắc. Cá nhân tôi đồng ý với quan điểm đó. Bởi vì pháp luật hiện hành quy định xét xử phải dựa trên hậu quả để lại, phải lấy hậu quả làm căn. Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc trong tội phạm hình sự. Giờ không chứng minh được hậu quả đó thì đồng nghĩa với việc không đủ căn cứ để chứng minh hành vi phạm tội của người ta", luật sư Đức phân tích. Cũng theo luật sư Đức khẳng định thêm lần nữa, nếu không tìm được xác chị Huyền thì không thể truy tố xét xử
Nguyễn Mạnh Tường ở bất kỳ tội danh nào.
Trong vụ thẩm mỹ viện Cát Tường, cho đến nay mới chỉ có lời khai của y và những người liên quan đến vụ việc, cơ quan điều tra chưa tìm ra được xác của chị Huyền để đối chứng với lời khai của bác sĩ Tường. Vì thế nếu chỉ dựa vào lời khai của
Nguyễn Mạnh Tường và những người liên quan mà xác nạn nhân không tìm ra thì không thể đưa Tường ra xét xử. "Muốn xử Tường thì phải chứng minh được chị Huyền đã chết. Nhưng biết đâu chị Huyền chưa chết, chị ta đang ở một nơi nào đó thì làm thế nào?", luật sư Trần Văn Đức lý giải thêm.
Trong rất nhiều vụ án giết người, bao giờ thủ phạm cũng đều tìm cách che giấu, phi tang xác chết, đó là cách để chối tội, xóa tội. Hung thủ càng có trình độ thì càng tìm cách phi tang và phi tang một cách tinh vi. Ví dụ vụ án xác chết không đầu ở Hà Nội mấy năm về trước, hung thủ
Nguyễn Đức Nghĩa đã cắt đầu và ngón tay của nạn nhân rồi vứt đi để bịt đầu mối. Có những vụ hung thủ lại đem chôn thi thể hoặc cắt ra thành nhiều mảnh thả xuống sông… Trong vụ thẩm mỹ viện Cát Tường cũng vậy, bác sĩ đồ tể này khai sau khi chị Huyền tử vong y đã cùng với thuộc cấp của mình ném xuống sông Hồng khiến vụ việc đi vào bế tắc. Vì thế, có thật là đem thả xuống sông hay không thì trách nhiệm chứng minh là của cơ quan điều tra, cần phải làm rõ.
Muốn chứng minh được hành vi phạm tội của Tường, cơ quan điều tra cần phải tìm được thi thể của chị Huyền, dù chỉ là một bộ phận, nhưng hơn 2 tháng đã qua đi, mọi sự tìm kiếm đều vô vọng. Vụ án đang gây khó khăn cho cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát.
Theo luật sư Trần Văn Đức, hiện tại vẫn đang trong thời gian điều tra, cơ quan công an có thể giam giữ
Nguyễn Mạnh Tường. Nhưng theo quy định, thời gian tạm giữ tối đa không quá 12 tháng, hết thời gian này mà không chứng minh được hành vi phạm tội của Tường thì có thể Tường sẽ được tại ngoại.
Nhưng liệu thời gian tìm thấy xác của chị Huyền sau 12 tháng hay không? Nếu sau 12 tháng vẫn chưa tìm thấy xác của chị Huyền, liệu
Nguyễn Mạnh Tường sẽ được tự do? Dư luận đang đặt ra những câu hỏi xung quanh vụ việc này.
Không tìm thấy xác vẫn có thể xét xửNhững nhận định của luật sư căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, tuy nhiên việc họ nhận định có khả năng bác sĩ Tường sẽ được thả tự do sau thời hạn cuối tạm giam, điều này khiến người thân chị Huyền vô cùng bức xúc. Ông Phạm Đức Quang, chú ruột của chồng chị Huyền buồn bã nói, tội ác của tên Tường đã rành rành ra đó, hắn cũng đã khai nhận đầy đủ sự việc, thực nghiệm hiện trường. Tội ác của Tường khiến cả xã hội phẫn nộ, lẽ nào chỉ vì không tìm thấy xác nạn nhân mà bỏ lọt tội danh cho Tường?
"Huyền mất và hành động ném xác phi tang của
Nguyễn Mạnh Tường đã làm toàn xã hội phẫn nộ. Không chỉ người thân, những người có tâm, có đức trong nước mà cả người Việt Nam ở nước ngoài khi biết sự việc cũng rất phẫn nộ về tội ác của Tường. Đây không phải là việc cầm dao giết người mà là chuyện làm việc không được cấp phép. Chỉ vì đồng tiền mà hắn cứ lao vào, không cần lo lắng đến hậu quả", ông Quang nói thêm.
Ông Quang cho biết, thời gian qua gia đình đã làm mọi cách để tìm xác chị Huyền, từ các phương pháp ngoại cảm đến khoa học tuy nhiên sau hơn 2 tháng thì vẫn chưa có kết quả. Mặc dù vậy gia đình vẫn chưa có ý định dừng tìm kiếm, sẽ tiếp tục tìm kiếm để an ủi vong linh chị Huyền, an lòng người ở lại và để chứng minh tội ác của bác sĩ Tường.
Vụ việc Nguyễn Mạnh Tường ném xác nạn nhân không chỉ khiến dư luận choáng váng về đạo đức của bác sĩ này mà còn thu hút sự chú ý đặc biệt của cơ quan tố tụng, giới luật sư, luật gia. Bởi lẽ, đây là một vụ việc chưa có tiền lệ và đang làm đau đầu cơ quan chức năng.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Vũ Đức Khiển, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cho rằng, đối tượng
Nguyễn Mạnh Tường vẫn có thể đưa ra xét xử kể cả trong trường hợp không tìm thấy xác chị Huyền. Lúc đó, Tường sẽ bị xét xử về tội vi phạm nguyên tắc nghề nghiệp làm thiệt hại sinh mạng người khác, còn hành vi phi tang xác xuống sông là tình tiết tăng nặng.
Theo phân tích của ông Vũ Đức Khiển, trong trường hợp tìm được xác của chị Huyền sẽ xảy ra hai vấn đề. Đó là, trong phổi có nước hoặc bùn thì
Nguyễn Mạnh Tường phạm tội giết người, tức là chị Huyền bị ném xuống sông khi vẫn còn sống; hoặc nếu không thấy có dấu hiệu bất thường trong phổi thì vẫn truy tố tội danh vi phạm nguyên tắc nghề nghiệp làm thiệt hại sinh mạng người khác.
Trước những thông tin cho rằng, hung thủ
Nguyễn Mạnh Tường có thể không bị xét xử nếu không thể tìm thấy xác của chị Huyền, nếu ra tòa hung thủ có thể phản cung cho rằng quá trình điều tra bị ép cung nên khai bừa, ông Khiển cho biết, dù trên thực tế có những trường hợp ra tòa rồi mà vẫn ngoan cố không nhận tội và nói là bị ép cung trong quá trình điều tra, tuy nhiên trong trường hợp này thì hung thủ Tường không thể chối cãi. Ngoài Tường còn có những người khác tham gia ê kíp phẫu thuật cho chị Huyền, lời khai của họ là căn cứ.
Bên cạnh đó, còn có một nhân viên bảo vệ là
Đào Quang Khánh đã đem chiếc xe máy của chị Huyền ra đường Cổ Linh, rồi cùng với Tường đưa xác chị Huyền lên cầu Thanh Trì ném xuống sông Hồng. Như vậy là có đủ căn cứ để xử chứ không phải không có căn cứ, tôi tin là pháp luật sẽ xử nghiêm với trường hợp này.
"Hung thủ sau khi bị bắt đã thừa nhận hành vi có phẫu thuật cho chị Huyền và dẫn tới cái chết, sau đó thực hiện hành vi che giấu tội phạm là ném xác phi tang xuống sông Hồng. Trong quá trình thực nghiệm hiện trường, hung thủ cũng đã khai khá rõ các chi tiết về hành vi phạm tội của mình, đó là căn cứ để kết tội, và tất nhiên còn có nhiều căn cứ khác nữa", vị cựu lãnh đạo VKSNDTC cho biết.
Có thể gia hạn điều tra 3 lần đối với bị can Tường
Mới đây giới luật sư cho rằng, trong vụ TMV Cát Tường, nếu không tìm được xác chị Huyền thì khó có thể đem Tường ra xét xử, luận tội. Về việc này, luật sư Nguyễn Phú Thắng, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho rằng, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam, cơ quan điều tra có thể gia hạn điều tra ba lần đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm có nhiều tình tiết phức tạp, dư luận hoang mang như vụ TMV Cát Tường. Theo quan điểm của luật sư Thắng, giờ còn quá sớm để có thể nói đến chuyện đình chỉ điều tra, thả tự do hay bất kỳ một quyết định tố tụng nào đối với bị can Tường.
|
Đời sống & Pháp luật (Theo Đời sống & Pháp luật)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.