Gia đình có ca F0, học sinh sẽ không được đến lớp học

Mỹ Quỳnh Thứ tư, ngày 08/12/2021 19:29 PM (GMT+7)
Trường hợp trong gia đình có ca F0, học sinh trở thành F1 sẽ phải cách ly y tế theo quy trình F0 tại cộng đồng và không được đến trường học trực tiếp cho đến khi địa phương cấp giấy xác nhận khi hoàn thành cách ly.
Bình luận 0

Chiều 8/12, Sở GD-ĐT TP.HCM triển khai buổi tập huấn công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ sở giáo dục tổ chức học tập trực tiếp năm học 2021-2022.

Xử lý F0 phát hiện trong trường và ở nhà

Tại buổi tập huấn này, đại diện Sở Y tế đã đưa ra các nguyên tắc quan trọng trong việc tổ chức khi cho học sinh đến trường học tập trở lại. Trong đó, nhấn mạnh việc các cơ sở giáo dục cần có phương án để phát hiện sớm và hạn chế nguồn bệnh bên ngoài xâm nhập vào nhà trường; Cố gắng hạn chế thấp nhất việc dịch bệnh tiềm ẩn lây lan vào nhà trường và có biện pháp xử lý sớm như khử khuẩn, vệ sinh... đồng thời, xử lý, dập dịch khi trường ghi nhận ca F0…


Nếu trong gia đình có ca F0, học sinh sẽ không được đến trường học - Ảnh 1.

Các trường triển khai khử khuẩn, vệ sinh để chuẩn bị đón học sinh trở lại trường học. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Về quy trình khi phát hiện F0, nguyên tắc chung là nhà trường phải chăm sóc sức khỏe F0 một cách phù hợp và cách ly ngay F0 để không lây lan ra. Song song đó, trường phải tầm soát người có nguy cơ nhiễm bệnh (F1) ở mức độ phù hợp chứ không tràn lan, đại trà để hạn chế ảnh hưởng, gián đoạn hoạt động của nhà trường. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và y tế địa phương để đánh giá tình hình, xác định mức độ xử ly đồng thời xử lý linh hoạt trên cơ sở khung hướng dẫn chung và báo cáo ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương…

Trường hợp F0 phát hiện tại nhà thì phụ huynh phải báo ngay với thầy cô giáo và lập danh sách F1 để được tổ chức xét nghiệm theo quy định.

Trường hợp người nhà của học sinh là F0 - học sinh thành F1 thì sẽ phải thực hiện cách ly theo quy trình F0 tại cộng đồng và không được đến trường học trực tiếp cho đến khi địa phương cấp giấy xác nhận khi hoàn thành cách ly.

Vai trò quan trọng của phụ huynh

Phát biểu tại Hội nghị tập huấn, ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, các cơ sở giáo dục cần thông tin, tuyên truyền nhiều hơn nữa về kế hoạch, giải pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch khi đón học sinh quay trở lại trường học.


Nếu trong gia đình có ca F0, học sinh sẽ không được đến trường học - Ảnh 2.

Học sinh tiêm vaccine Covid-19 để chuẩn bị đến trường học trực tiếp. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Theo ông, hiện tỷ lệ học sinh từ 12-17 tuổi tiêm vaccine Covid-19 là rất cao, việc đến trường học trực tiếp đều được sự đồng thuận của phụ huynh, học sinh. Tuy nhiên, tiêm vaccine Covid-19 chỉ là một trong những giải pháp an toàn phòng chống dịch, việc bảo vệ sức khỏe cho học sinh an toàn trở lại trường thì có nhiều giải pháp khác. Học sinh chưa tiêm hay đã tiêm vaccine đều được đến trường như nhau, chỉ khác là xử lý các trường hợp F0 đã tiêm và chưa tiêm.

"Tinh thần là khoanh vùng hẹp nhất có thể, ít ảnh hưởng nhất đến hoạt động giáo dục của nhà trường. Tình trạng mở vài bữa lại đóng thì chắc chắn không thể nói trước được, nhưng phải đảm bảo vừa an toàn, vừa thích ứng linh hoạt”, ông Hưng nói.


Nếu trong gia đình có ca F0, học sinh sẽ không được đến trường học - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM phát biểu tại buổi tập huấn phòng, chống dịch Covid-19 chiều 8/12. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Ngoài ra, ngành y tế đã phối hợp với ngành giáo dục xây dựng cẩm nang phòng chống dịch cho học sinh, giáo viên, phụ huynh… Trên cơ sở đó, các trường cần trao đổi kỹ lưỡng với phụ huynh trước khi cho học sinh đến trường trở lại. Ông Hưng cũng cho rằng, phụ huynh đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19. Do đó, các trường cần nêu rõ vai trò của phụ huynh khi con em có triệu chứng nghi ngờ nhiễm Covid-19, cần trao đổi, thông tin với nhà trường...

Điều quan trọng thứ hai, lãnh đạo ngành Y tế đề nghị các trường cần kiện toàn, củng cố lại bộ phận y tế học đường vì đây là bộ phận vô cùng quan trọng trong việc phối hợp, tham mưu cho ban chỉ đạo để triển khai các công việc phòng chống dịch, theo dõi học sinh nghỉ học vì lý do gì... để có hướng giải quyết kịp thời. Sở Y tế sẽ phối hợp nhà trường để ra bản mô tả công việc cho các nhân viên y tế học đường để thực hiện tốt trong giai đoạn dịch bệnh này.


Nếu trong gia đình có ca F0, học sinh sẽ không được đến trường học - Ảnh 4.

Toàn cảnh Hội nghị tập huấn công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ sở giáo dục tổ chức học tập trực tiếp năm học 2021-2022 chiều 8/12. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Ông Hưng cũng lưu ý vai trò quan trọng của giáo viên chủ nhiệm, giáo viên đứng lớp trong việc phát hiện học sinh nghi nhiễm. Do đó, hiệu trưởng cần sinh hoạt thật kỹ với đội ngũ khi gần gũi học sinh, phát hiện sớm các triệu chứng nghi ngờ của học sinh, nắm bắt các yếu tố liên quan để hỗ trợ, xử lý.

Về vấn đề đi học trở lại, ông Hưng cho rằng đây là thời điểm hết sức cần thiết. Bởi, việc kéo dài học trực tuyến sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển tâm sinh lý học sinh, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên. Hệ lụy của học trực tuyến kéo dài còn kéo theo nhiều bệnh không lây nhiễm, là tình trạng học sinh cận thị, loạn thị, cong vẹo cột sống, ảnh hưởng đến sự phát triển của học sinh. Đi học trực tiếp là nhu cầu thực sự của học sinh.

Tuy nhiên, khi học sinh đi học trực tiếp, ngành y tế và ngành giáo dục không thể chủ quan. Khi học sinh trở lại trường sẽ là cơ hội rèn giũa kỹ năng phòng chống dịch cho các em trở thành thói quen, phản xạ, giáo dục học sinh kỹ năng, hành vi có lợi có sức khoẻ, hình thành thế hệ tương lai có nhiều kỹ năng bảo vệ sức khoẻ.

Sáng nay 8/12, UBND TP.HCM quyết định tạm thời chưa tổ chức dạy học trực tiếp cho trẻ 5 tuổi và học sinh lớp 1 cho đến khi có thông báo mới.
Theo đó, từ ngày 13/12, chỉ thí điểm tổ chức học trực tiếp cho khối lớp 9 và 12 đối với các cơ sở giáo dục đủ điều kiện an toàn trong công tác phòng chống dịch, đã được Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quận huyện, TP.Thủ Đức kiểm tra, kiểm định và phê duyệt kế hoạch cũng như phương án phòng chống dịch.
Sau thời gian thí điểm (từ 13 – 25/12), Sở GD-ĐT sẽ chủ trì phối hợp Sở Y tế và các quận huyện, TP.Thủ Đức tổng kết rút kinh nghiệm, tham mưu UBND TP xem xét, quyết định việc tiếp tục mở rộng dần đối tượng hoặc tổ chức dạy học trực tiếp trên địa bàn toàn thành phố từ ngày 3/1/2022.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem