Thân nhân hành khách chuyến bay MS804 chờ tin trong tuyệt vọng tại phi trường quốc tế Cairo ngày 19.5.
Người thân của những hành khách trên chuyến bay MS804 đợi tin về số phận của họ tại phi trường Charles de Gaulle ở Pháp và phi trường quốc tế Cairo ở Ai Cập. Vài người trong số họ tỏ ra bấn loạn và khóc, New York Times mô tả.
Những hành khách trên chuyến bay MS804 của hãng hàng không EgyptAir bao gồm một nhiếp ảnh gia Pháp từng định bỏ chuyến bay, một kỹ sư Bồ Đào Nha có 4 con, một tiếp viên Ai Cập vừa kết hôn, một thanh niên Chad đang học ở Pháp về thăm gia đình sau cái chết của mẹ.
Masharei al-Sohaili, một trong số những người đợi tin, nói rằng bác của anh, một nhà kinh tế mang quốc tịch Kuwait, đã bước lên máy bay mất tích để tới Cairo trong 3 ngày. “Bác tôi có hai con. Cả hai đều tàn tật”, anh nói.
56 hành khách – bao gồm 3 trẻ em – ngồi trên chuyến bay MS804 từ Paris tới Cairo hôm 19/5 cùng 3 nhân viên an ninh của hãng EgyptAir và 7 thành viên phi hành đoàn. Theo danh sách hành khách trên chuyến bay mà chính phủ Ai Cập công bố, 30 người là công dân Ai Cập và 15 người tới từ Pháp. Những người còn lại mang quốc tịch Algeria, Bỉ, Britain, Canada, Chad, Iraq, Kuwait, Bồ Đào Nha, Saudi Arabia và Sudan.
Thân nhân của người đi trên máy bay EgyptAir ôm mặt khóc tại sân bay ở Cairo ngày 19.5. Ảnh: AP
Vừa cố gắng thoát khỏi những phóng viên cầm camera, thân nhân của một hành khách hét lên: “Hãy nghĩ tới cảm xúc của người khác. Các người chỉ quan tâm tới việc khai thác thông tin. Tôi cầu Chúa thiêu hết các người, những kẻ vô cảm”.
Một số người phê phán cách thức chính quyền Ai Cập xử lý khủng hoảng. Mervat Moamen, thân nhân của một tiếp viên trên phi cơ, nói rằng bà giận dữ và thất vọng với chính phủ. “Chúng tôi chẳng biết bất kỳ thông tin nào, chẳng thấy bất kỳ thứ gì liên quan đến vụ máy bay mất tích”, bà nói.
Mervat chỉ có thể cầu nguyện cho những hành khách trên chuyến bay. “Chúng tôi hy vọng họ bị bắt cóc và tin tức về họ không phải sự thật”, bà thổ lộ.
Ít nhất một người trên chuyến bay từng không muốn bước lên phi cơ. Pascal Hess, một nhiếp ảnh gia ở phía bắc nước Pháp chuyên chụp ảnh các sự kiện nhạc rock, mất hộ chiếu vài ngày trước chuyến bay.
“Anh ấy không ngủ trong 3 ngày cho tới khi một người thấy cuốn hộ chiếu trên đường phố. Sau đó Pascal Hess do dự về việc anh nên đi hay không”, một người họ hàng của Pascal Hess kể với báo La Dépêche ở Pháp.
Tại sân bay Charles de Gaulle, một nhân viên tự xưng là Sonia tỏ ra rất buồn vì cô đã giúp một gia đình Ai Cập lên máy bay khi họ gặp sự cố. Sonia nói với kênh truyền hình RTL rằng gia đình ấy – gồm hai phụ huynh và 7 đứa trẻ - vào nhầm nhà ga để lên chuyến bay. Khi người cha nhận ra sự nhầm lẫn và bắt đầu hoảng loạn, Sonia liên lạc với hãng EgyptAir để phi cơ chờ 7 người đó.
“Tôi chưa bao giờ gọi điện thoại cho một hãng hàng không nào để yêu cầu họ lùi thời gian bay. Giờ đây tôi chỉ ước tôi đã không thực hiện hành động ấy”, Sonia nói.
Chuyến bay MS804 xuất phát từ Paris lúc 23h09 ngày 18/5 và dự kiến tới Cairo lúc 3h15 ngày 19/5. Đồ họa: New York Times
Phi cơ Airbus A320 của hãng EgyptAir mất tích trên biển Địa Trung Hải khi đang bay từ Paris tới Cairo cùng 66 người hôm 19/5.
Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp thông báo phi cơ chuyển hướng hai lần trước khi lao xuống biển. Giới chức Ai Cập nhận định khả năng máy bay rơi do hành động khủng bố cao hơn so với khả năng trục trặc kỹ thuật. Quân đội các nước Ai Cập, Hy Lạp, Pháp và Anh đang tìm phi cơ xấu số gần đảo Karpathos của Hy Lạp.
Ngày 19/5, ông Ahmed Adel, Phó chủ tịch hãng EgyptAir, thông báo lực lượng tìm kiếm đã thấy vài mảnh vỡ của máy bay mất tích. Nhưng sau đó một quan chức cấp cao Hy Lạp khẳng định những mảnh vỡ không thuộc về chuyến bay MS804.
“Khi những người thuộc lực lượng tìm kiếm tới gần những mảnh vỡ, họ nhận thấy chúng không thuộc về phi cơ mất tích của chúng tôi. Vì thế cuộc tìm kiếm phi cơ vẫn tiếp tục”, ông Adel nói với CNN.
Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ cho hay, dữ liệu hình ảnh từ các vệ tinh cho thấy phi cơ Airbus A320 của EgyptAir không nổ trước khi rơi. Các quan chức Mỹ nhận định có thể phi cơ rơi do hành động khủng bố, lỗi kỹ thuật hay hành vi cố ý của thành viên phi hành đoàn.
Theo Quân Vũ (Zing)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.