Gia đình Phùng Cung và niềm an ủi cho những ngày buồn khổ

Thứ bảy, ngày 13/10/2012 08:07 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Xem đêm” - một tập thơ xuất sắc về nông thôn đồng bằng Bắc bộ của nhà thơ Phùng Cung vừa được Hội Nhà văn Hà Nội trao giải Thành tựu trọn đời.
Bình luận 0

Trò chuyện với phóng viên Dân Việt về niềm vinh hạnh này, bà Ngô Thị Kim Thoa - vợ của nhà thơ cho hay: Tôi năm nay cả tuổi ta đã là 81, sức khỏe rất tệ nay yếu mai đau vì những năm tháng lao lực thời trẻ. Được mời đến lễ trao giải hôm 10.10, tôi rất muốn đi mà không nhấc nổi chân nên không thể có mặt để nói lời cảm ơn Hội đồng xét giải. Tôi nói với con trai út đi nhận giải thay bố là thôi cũng xem như đây là một chút an ủi cho những ngày thống khổ của cả gia đình mình...

img
Bà Kim Thoa và tập thơ “Xem đêm” của nhà thơ Phùng Cung.

Còn nhớ một bài thơ ông viết: “Gạo đong từng bữa/Cơm bữa nào em thổi cũng xuê/Mâm chiều vui lửng dạ/Có lẽ nào em nhỉ/Cả nhà ta quân tử/Đỏ lửa lần hồi/Thiếu gạo vẫn thừa cơm”. Hình như cái đói khổ không làm ông sầu muộn mà an nhiên với sự nghèo?

- Bởi vì tính ông nhà tôi rất khí khái, giàu tự trọng, sau những năm gặp nạn, ông không tiếp xúc với ai, kể cả bạn bè rất thân cũ hồi xưa. Ai thương hại hoàn cảnh gia đình mà đề nghị giúp đỡ, ông cũng từ chối hết. Ngay cả những năm về sau này, khi vụ án Nhân văn giai phẩm đã nhạt màu, không còn nghiêm trọng nữa, được Nhà nước quyết định trợ cấp, ông nhà tôi cũng cương quyết không nhận. Sau mọi người phải nói mãi, rằng nhà tôi hãy vì tôi mà nhận để tôi đỡ một phần khó khăn. Những năm tháng ấy, nhà tôi còn không có nổi tiền để trả tiền điện hàng tháng. Vợ chồng tôi thường thức trắng đêm dập đinh, rán bánh để kiếm tiền nuôi con.

Từ một cô gái con nhà dòng dõi quan lại (ông nội bà Kim Thoa làm quan trong triều đình Nguyễn -PV), kết hôn với ông Phùng Cung để rồi cả đời lận đận lao khổ vì chồng, có khi nào bà oán trách số phận?

- Nghĩ lại 12 năm 6 tháng chồng tôi “chịu nạn”, không lúc nào tôi không khóc, khóc vì quá thương chồng, thương mình, thương con. Ngày ông bị bắt đi, tôi từ cơ quan chạy vội về nhà thấy tan hoang hết cả, 2 đứa con trai đầu đứa mới lên 4, đứa 2 tuổi, chúng còn mừng rỡ khoe với tôi bố được đi ô tô. Tôi đang là một xét nghiệm viên của Trường ĐH Dược Hà Nội, lương rất thấp, vậy nên cứ còm cõi làm thêm để kiếm tiền nuôi con và đi tiếp tế cho chồng.

Một năm hai lần, dịp nghỉ hè và tết, tôi lặn lội một thân một mình đi theo ông, đằng đằng đi hết các trại từ Bất Bạt (Sơn Tây) lên Yên Bái, Lào Cai, vừa đi vừa tránh bom Mỹ. Mỗi lần gặp chồng được nửa tiếng đồng hồ, chỉ kịp nhìn thấy chồng đã phải quay về. Những lúc ấy tôi tự hỏi, có phải mình tuổi Thân nên khổ, trên đời này còn có ai khổ như tôi nữa không?

Khi Phùng Cung được trở về, cuộc sống ông bà vô cùng chật vật nuôi lớn 3 người con trai, lúc ấy ông có còn sáng tác không?

- Hầu như không, những bài thơ trong tập “Xem đêm” chủ yếu là sáng tác khi ông đi cải tạo, sau này về thì nhớ lại, chép ra. Để in được tập này vào năm 1995, gia đình tôi phải cám ơn ông Phùng Quán và ông Nguyễn Hữu Đang vô cùng.

Với tôi, tôi chỉ thấy nếu tập thơ không được in, không đến được với người đọc thì là một điều đáng buồn vì chồng tôi sinh trưởng ở nông thôn, ông làm thơ chỉ để ca ngợi quê hương, viết về cái hay cái đẹp. Ví dụ bài thơ này: “Sáng nay may mắn ra đường/Đi một quãng/Gặp toàn người Đẹp/Tôi sung sướng/Trào nước mắt/Muốn đưa lưng/Làm thảm trải lối đi” (May mắn).

“Em mải vá đồng/Nhịp đò đưa ngấm lạnh/Tay run rẩy khỏa bùn/Lay động sao Hôm”. (Thơ Phùng Cung)

Tình yêu nông thôn trong thơ của nhà thơ Phùng Cung vô cùng nồng đượm đến độ mọi cảnh vật bình dị đều hóa lung linh. Bà có nghĩ nông thôn, người nông thôn là cảm hứng lớn nhất trong đời thơ của ông?

- Cái này nhiều người cũng đã nói. Ông nhà tôi sinh trưởng ở nông thôn Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), bố mẹ là người gắn với củ khoai hạt lúa nên ông yêu làng quê tha thiết. Vì yêu quê hương nên khi có giặc, ông hăng hái đi kháng chiến, 17 tuổi đã làm chủ tịch liên xã, còn lôi kéo cả mấy người em trai đi cùng, bỏ lại cha mẹ già. Nhưng cuối cùng, vì gia đình bị quy thành phần địa chủ, cha chồng tôi bị bắt giam và qua đời ở Thái Nguyên.

Hết cha rồi đến bản thân chịu nạn, nhưng chưa lúc nào ông không yêu Tổ quốc, yêu quê hương và nhất là yêu Tiếng Việt. Tôi nghĩ vì tình yêu Tiếng Việt mà ông đã làm được tập “Xem đêm” như vậy.

Xin cảm ơn bà!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem