Trang the paper.cn đưa tin, trong 6 năm qua, cô Zhou Songying đã phải chuyển nhà tới lần thứ 3 để tránh bị soi mói, dị nghị. Mọi chuyện bắt đầu từ việc, cha mẹ của Zhou đăng ký hiến tặng xác tự nguyện năm 2002. Họ trở thành những người đầu tiên hiến tặng xác để cứu người ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô, phía Đông Trung Quốc.
Đến năm 2006, cha của cô Zhou qua đời. Thực hiện tâm nguyện của cha, cô tình nguyện hiến tặng xác cha. Tuy nhiên, hành động đó của Zhou bị hàng xóm láng giềng và thậm chí cả người thân lên án, chỉ trích.
"Hàng xóm và người thân thậm chí còn hỏi tôi rằng, liệu có phải tôi không có đủ tiền để chôn cất tử tế cho cha nên mới làm như vậy", cô Zhou chia sẻ,
Khi đó, nhiều người thân thậm chí yêu cầu cô "mang xác cha về".
Cô Zhou Songying đứng trước di ảnh của cha mẹ tại nhà tưởng niệm.
Áp lực từ dư luận buộc cô Zhou phải bỏ việc, chuyển nhà, cùng với người mẹ ốm yếu của mình. Tuy nhiên, đến năm 2008, mẹ của cô cũng qua đời. Thời điểm đó, một số bạn thân khuyên can cô Zhou không nên hiến tặng xác mẹ. Song, cô từ chối, quyết tâm thực hiện tâm nguyện cuối cùng của mẹ.
Khi chứng tặng của Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc gửi đến nơi làm việc mới của cô Zhou, cô một lần nữa rơi vào "tâm bão" chỉ trích của dư luận. Cô đành phải bỏ công việc hiện tại - là một giáo viên mầm non - và chuyển chỗ ở.
"Họ lên án tôi, rằng tôi không phải là một đứa con gái hiếu thảo vì đã bán xác bố mẹ lấy tiền. Ở Trung Quốc, nhiều người vẫn tin vào truyền thuyết, thi thể phải còn nguyên vẹn sau khi chết", cô Zhou cho hay.
Tuy nhiên, bản thân cô Zhou cũng đăng ký hiến xác tại trường Y Tô Châu như cha mẹ mình. Và cô con gái 25 tuổi của cô cũng theo gót mẹ.
"Trước đây, nhiều người còn cho rằng tôi không bình thường, Xã hội còn nhiều người rất bảo thủ", cô Zhou hồi tưởng.
Tuy nhiên, thái độ của nhiều người đối với việc hiến tạng đã bắt đầu thay đổi. Khi câu chuyện của cô Zhou được báo chí rầm rộ đưa tin, cô đã nhận được rất nhiều cuộc gọi. Một số người vẫn lên án hành động của cô, song đã có không ít người lên tiếng ủng hộ. Một số người thậm chí còn hỏi cô về thủ tục hiến xác.
Trên thực tế, ở Trung Quốc, không chỉ người hiến xác mà các nhân viên làm việc trong lĩnh vực này cũng thường phải đối mặt với sự kỳ thị của xã hội. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng kỳ thị đối với việc hiến xác đã bắt đầu được cải thiện.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.