Ngoài thế mạnh chăn nuôi lợn, Đồng Nai cũng là "thủ phủ" chăn nuôi gia cầm, với tổng đàn xếp vào hàng top của cả nước. Có thời điểm đàn gia cầm ở đây lên đến hơn 36 triệu con.
Một số người chăn nuôi gia cầm ở Đồng Nai chia sẻ, từ giữa năm 2019, dịch tả lợn châu Phi bắt đầu xuất hiện tại Đồng Nai, đàn lợn chết và bị tiêu hủy rất nhiều. Lúc đó, các cơ quan chức năng khuyến khích bà con đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm để bù vào lượng thịt lợn bị thiếu hụt. Bản thân các hộ chăn nuôi gia cầm cũng cho rằng khi thịt lợn khan hiếm, đắt đỏ, người tiêu dùng sẽ chuyển sang ăn nhiều gà, vịt, chim…
Chính vì thế, chỉ trong thời gian ngắn, số lượng đàn gia cầm tăng nhanh tới mức vượt cầu, khiến giá giảm mạnh. Có thời điểm giá gà công nghiệp chỉ còn 9.000 - 12.000 đồng/kg. Giá bán quá thấp nên nhiều hộ chăn nuôi bị lỗ nặng. Nhiều hộ bán xong lứa gà, vịt không dám tái đàn trở lại.
Cục Thống kê Đồng Nai ghi nhận, tính đến nay, tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh đạt hơn 24,6 triệu con. Trong đó, tổng đàn gà đạt trên 22,5 triệu con, giảm gần 0,2%. Nguyên nhân đàn gia cầm giảm mạnh và có xu hướng giảm thêm trong thời gian tới là do giá bán thấp. Người chăn nuôi sợ lỗ, ôm nợ ngân hàng nên ái ngại, không muốn tái đàn.
Riêng trong tháng 5, ước tính sản lượng sản phẩm chăn nuôi gia cầm toàn tỉnh Đồng Nai đạt trên 11.200 tấn, giảm gần 5,6% so với cùng kỳ năm 2019; sản lượng trứng gia cầm đạt trên 94,3 triệu quả, giảm gần 6% so với cùng kỳ.
"Trước mắt, gia đình tôi không tái đàn đủ số lượng mà chỉ nuôi khoảng 1.000 con. Khi nào dịch bệnh hết, mọi thứ ổn định thì chúng tôi mới tính tiếp".
Ông Dương Minh Hưng
Thời điểm này, giá gà công nghiệp bán tại trại chỉ dao động ở mức 23.000 - 25.000 đồng/kg. Mức giá này so với tháng 3 và 4 đã tăng gấp đôi, song người chăn nuôi vẫn chưa có lợi nhuận. Đây chính là lí do hầu hết người chăn nuôi chưa vội tái đàn.
Hiện trang trại nuôi gà thả vườn bán công nghiệp của gia đình anh Nguyễn Hoàng Kiên ở huyện Thống Nhất nuôi mỗi lứa 4.000 con. Bình quân mỗi năm, anh Kiên vào 3 lứa gà. Do vườn rộng, đàn gà thả vườn của gia đình anh Kiên chắc thịt nên rất dễ bán và được giá cao. Thế nhưng, thời gian qua, bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch Covid-19 nên giá gà thả vườn cũng giảm mạnh, trừ hết chi phí, anh bị lỗ gần 100 triệu đồng.
"Hiện nay, gà đã đến kỳ xuất chuồng nhưng khách đặt mua nhỏ giọt nên tôi thấy vẫn nên cẩn thận, chưa vội tái đàn. Nếu chủ quan, có khi lứa tới tiếp tục lỗ như hiện nay thì chỉ có nước bỏ nghề" - anh Kiên giãi bày.
Còn bà Nguyễn Thị Minh (ở huyện Trảng Bom) cho biết: "Những năm trước, mỗi lứa gà gia đình bà nuôi gần 4.000 con gà lông trắng. Sau khi xuất bán lứa gà đợt này, gia đình bà sẽ chỉ nuôi cầm chừng để duy trì công việc làm ăn. Trước đây tôi nuôi quanh năm để đảm bảo luôn có hàng xuất đi. Nhưng cả nửa năm nay, giá gà lúc nào cũng ở mức thấp nên các hộ chăn nuôi chúng tôi rất chán nản, không muốn tái đàn".
"Với giá cả như hiện nay thì người nuôi chỉ gỡ lại được vốn hoặc lỗ nhẹ, không có lãi" - ông Dương Minh Hưng - hộ nuôi gà và vịt tại huyện Thống Nhất cho biết.n
Vui lòng nhập nội dung bình luận.