Lãi 500 triệu đồng/năm
Sinh ra ở làng quê và sớm gắn bó với nghiệp chăn nuôi gà, lợn..., anh Nguyễn Đình Tường - Giám đốc HTX Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm từng gặp không ít thất bại bởi biến động của thị trường và các bệnh dịch.
Năm 2014, được sự hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, anh Tường xây dựng mô hình chăn nuôi lợn theo hướng ATSH với 30 con lợn giống. Đây là phương pháp chăn nuôi lợn bằng cám sinh học thay thế cho cám công nghiệp nên đảm bảo vệ sinh môi trường, có thể giảm 70-80% mùi hôi trong chuồng trại trong quá trình chăn nuôi.
Anh Tường giới thiệu các sản phẩm từ thịt lợn an toàn sinh học. Ảnh: T.T.V
Không những vậy, lợn được nuôi theo hướng ATSH có thị trường tiêu thụ khá thuận lợi nên lúc nào trong trang trại của gia đình anh Tường cũng duy trì số lượng 130-150 con lợn nái và lợn thịt. Mặc dù chi phí nuôi lợn ATSH cao hơn 20 - 25% so với nuôi lợn thông thường, song sau khi trừ chi phí, anh Tường vẫn thu lãi 500 triệu đồng/năm.
Nhận thấy thị trường tiêu thụ thịt lợn ATSH thuận lợi, năm 2016, anh Tường đã thành lập HTX Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm. HTX hiện có 10 thành viên, trong đó 7 thành viên chuyên đảm nhận chăn nuôi lợn ATSH và 3 thành viên chuyên đảm nhận khâu giết mổ, đóng gói và vận chuyển thịt cho các cửa hàng, siêu thị.
Khép kín từ A-Z
HTX Đồng Tâm đang thực hiện chăn nuôi lợn theo chuỗi khép kín từ khâu con giống đến khâu giết mổ, đóng gói, bảo quản sản phẩm. Các hộ tham gia HTX thường xuyên được tập huấn, nâng cao kiến thức kỹ thuật chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh, mỗi hộ có chuồng nuôi riêng với quy mô 100 con lợn trở lên.
Anh Tường cho biết, do thức ăn của lợn chủ yếu bằng cám tinh có hàm lượng dinh dưỡng cao, lợn đạt tỷ lệ nạc cao, chất lượng thịt ngon, thơm. Do vậy, ngay cả thời điểm giá lợn giảm sâu thì lợn của HTX vẫn bán được 42.000 đồng/kg. Trung bình mỗi ngày HTX xuất bán ra thị trường từ 4 - 5 tạ thịt lợn đảm bảo vệ sinh ATTP. Các sản phẩm chế biến từ thịt lợn của HTX, như: Xúc xích, giò, chả, đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh ATTP nên được một số siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn thành phố thu mua ổn định.
Anh Tường và các thành viên HTX Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm mong muốn được các sở, ngành của thành phố tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ HTX xây dựng thương hiệu “Thịt lợn sinh học Quốc Oai”, kết nối HTX với các DN nhằm đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm thịt lợn sinh học; hỗ trợ người chăn nuôi phòng chống dịch bệnh...
|
“Nhờ chăn nuôi theo chuỗi sản xuất và cung cấp thịt lợn sinh học mà giá lợn của HTX luôn ổn định, không bị chi phối bởi biến động giá cả thị trường. Từ đó, các thành viên HTX luôn yên tâm sản xuất, kinh doanh và được đảm bảo về mức lợi nhuận” - anh Tường nói.
Anh Tường cho hay, việc hình thành các chuỗi liên kết đã giúp người chăn nuôi yên tâm sản xuất vì đầu ra được đảm bảo, sản phẩm làm ra cũng đạt tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng và VSATTP. Tuy nhiên, có một thực tế người chăn nuôi hiện nay đa phần chưa thay đổi được tư duy chăn nuôi cũ, vẫn còn xa lạ với việc sản xuất theo chuỗi nên nên khả năng nhân rộng chuỗi còn hạn chế. Cùng với đó, một số hộ khi tham gia vào chuỗi vẫn chưa chủ động tuân theo quy trình chuẩn nên vấn đề kiểm soát dịch bệnh còn gặp không ít khó khăn.
“Thành viên HTX luôn tuân thủ nghiêm ngặt các vấn đề về giống, thức ăn sinh học, môi trường đến công tác vệ sinh chuồng trại và tiêm vaccine phòng bệnh định kỳ. Tuy vậy, do yếu tố cách ly còn chưa đảm bảo nên vừa qua đã có 2 hộ trong HTX bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi. Qua đó, HTX đã rút ra kinh nghiệm về việc quản lý quy trình kỹ thuật của các thành viên cũng như siết chặt hơn các tiêu chí khi hợp tác chăn nuôi với các hộ trong thời gian tới” - anh Tường chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.