Giá heo hơi 6/5: Miền Nam giảm thê thảm, miền Bắc ảm đạm

Thiên Ngân Thứ hai, ngày 06/05/2019 10:40 AM (GMT+7)
Giá heo hơi (lợn hơi) cả nước vừa tăng nhẹ trở lại được hơn 1 tháng sau chuỗi ngày giá xuống thấp, thị trường ảm đạm vì ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi ở các tỉnh phía Bắc, thì mới đây, giá heo hơi ở nhiều tỉnh thành lại tiếp tục đi xuống, nhất là khu vực Đông Nam Bộ giá heo hơi đang giảm rất nhanh, khiến bà con chăn nuôi vô cùng lo lắng.
Bình luận 0

img

Giá heo hơi hôm nay 6/5 tại Đồng Nai và các tỉnh phía Nam giảm mạnh do ảnh hưởng bởi thông tin xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, người chăn nuôi bán chạy lợn. Ảnh minh họa: N.V

Giá heo hơi hôm nay 6/5 miền Nam rớt mạnh 

Theo đại diện Omega-Mix, ngày 6/5 lượng heo về chợ đầu mối tại TP.Hồ Chí Minh lên tới 5.550 heo. Tính ra con số này tăng tới gần 1.000 con so với dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, khiến tiểu thương buôn bán vất vả, giá rớt mạnh.

Trên thị trường heo hơi, giá heo hơi hôm nay 6/5 tại Gia Kiệm (tỉnh Đồng Nai) giảm nhanh, chỉ còn từ 34.000-38.000 đồng/kg. Trong khi giá heo hơi ngày 3/5 tại địa bàn Đồng Nai dao động từ 37.000 - 41.000 đồng/kg, tức mức giá hiện nay đã giảm từ 3.000 - 4.000 đồng/kg. 

Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, từ những ngày cuối tháng 4 đến nay, giá heo hơi trên địa bàn tỉnh này liên tục giảm. Nếu như vào ngày 23/4, giá heo hơi (lợn hơi) còn ở mức 46.000 đồng/kg, thì đến nay giảm về dưới 40.000 đ/kg.

Theo phân tích, giá lợn hơi ở Đông Nam Bộ giảm mạnh, trước hết là do tác động từ việc một lượng không nhỏ lợn hơi từ phía Bắc được chuyển vào Nam do chênh lệch giá khá cao giữa 2 miền.

Chẳng hạn, vào ngày 27/4, trong khi giá lợn hơi ở phía Bắc phổ biến ở mức 32.000-36.000 đồng/kg, thì tại Đồng Nai, tuy đã giảm so với trước đó nhưng vẫn đang ở mức 42.000-45.000 đồng/kg. Trong 10 ngày cuối tháng 4, bình quân mỗi ngày có từ 10-12 xe chở lợn từ các tỉnh phía Bắc đi qua địa phận Đồng Nai để tiêu thụ ở các tỉnh, TP phía Nam.

Thứ hai là, từ khi xuất hiện tin đồn về việc ở Đồng Nai đã xuất hiện một số ổ dịch tả lợn châu Phi cũng đã góp phần quan trọng trong việc “đẩy” giá heo hơi tại khu vực này giảm nhanh.

Các địa phương khác như Bà Rịa Vũng Tàu, Tây Ninh, TP.Hồ Chí Minh, giá heo hơi cũng bị ảnh hưởng và trong xu hướng giảm, hiện chủ yếu được thu mua dưới mức 40.000 đồng/kg.

Giá heo hơi miền Bắc tiếp tục ảm đạm

Theo Trung tâm Thông tin thương mại và công nghiệp (Bộ Công Thương), hiện tại, giá lợn hơi tại Hưng Yên vẫn dao động trong khoảng 30.000 - 32.000 đ/kg, vùng dịch bệnh giá lợn chỉ ở mức 27.000 - 28.000 đ/kg. Phú Thọ, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hà Nội ghi nhận giá lợn hơi dao động trong khoảng 30.000 - 34.000 đ/kg.

img

Mặc dù các cơ quan chức năng và báo chí truyền thông đã liên tục tuyên truyền dịch tả heo châu Phi không lây lan và gây bệnh cho người, song sức mua các sản phẩm từ thịt lợn trên thị trường, nhất là các chợ truyền thống vẫn chưa thể nhộn nhịp trở lại. Ảnh: T.L

Một số tỉnh miền núi như Yên Bái, Sơn La, Bắc Kạn, Lào Cai giá lợn tốt hơn, đạt mức 38.000 - 42.000 đ/kg.Lợn hơi tại các tỉnh thuộc Bắc Trung Bộ gồm Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế đang giao dịch trong mức 37.000 - 39.000 đ/kg.

Xuôi về các tỉnh Nam Trung Bộ, giá heo hơi có dấu hiệu yếu đi, một số nơi giá xuống dưới 40.000 đồng/kg. Còn các tỉnh Tây Nguyên giá duy trì ở mức tốt nhất cả nước, hiện đạt 40.000 - 43.000 đồng/kg.

Tương tự miền Trung, giá lợn hơi tại khu vực cũng giảm mạnh trở lại tại nhiều nơi trong hai ngày cuối tuần.

Đồng Nai chi hơn 17 tỉ đồng phòng chống dịch tả lợn châu Phi

Ngay thời điểm xuất hiện dịch tả heo châu Phi tại các tỉnh phía Bắc, Đồng Nai đã ban hành kế hoạch hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với khả năng bệnh dịch tả heo châu Phi.

Tỉnh dự tính sẽ chi 17,3 tỉ đồng nhằm chủ động phòng, chống hiệu quả dịch tả heo châu Phi; khống chế, dập tắt dịch bệnh khi mới phát hiện và còn ở diện hẹp; sẵn sàng ứng phó nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, đảm bảo cho sản xuất chăn nuôi phát triển.

Kế hoạch đảm bảo cung cấp đủ kinh phí cho công tác phòng, chống dịch; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện trang thiết bị cần thiết sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh xảy ra; giám sát lưu hành vi rút gây bệnh để tổ chức tốt công tác phòng dịch, tổ chức dập dịch khi phát hiện có sự lưu hành của vi rút. Địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để người dân biết và thực hiện các biện pháp phòng, chống…

Khi xảy ra ổ dịch, phải tiêu hủy ngay đàn heo nhiễm bệnh và các đàn heo xung quanh có nguy cơ nhiễm bệnh, hỗ trợ tài chính cho người có heo bị tiêu hủy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem