Những dấu hiệu bất ổn
Giai đoạn 2012 - 2016, số lượng heo được giết mổ tăng từ 58,4% triệu đầu con lên 59,4 triệu đầu con, nhưng đến năm 2017 giảm xuống 1,5 triệu, tương đương 2,6%, một cú lao dốc không phanh nếu so sánh với nhiều năm trước đó. Từ năm 2010, lượng heo được giết mổ tại Đức dao động 58,6 - 59,7 triệu đầu con, trước khi con số này giảm xuống dưới mức 58 triệu đầu con.
Khối lượng đầu heo giết mổ cao không chỉ dựa trên sản lượng heo nội địa mà còn căn cứ vào lượng nhập khẩu heo con và heo thịt cao kỷ lục, chủ yếu từ thị trường Đan Mạch và Hà Lan. Số lượng heo giết mổ sụt giảm mạnh trong năm 2017 đã ảnh hưởng tiêu cực tới khối lượng nhập khẩu heo giống cũng như heo thịt.
Ảnh: Piginternational
Trong tổng số 15,7 triệu heo giống và heo con được nhập khẩu trong năm ngoái, có tới 8,2 triệu con (52,2%) từ Hà Lan và 6,5 triệu con (41,4%) từ Đan Mạch. Nhập khẩu heo thịt giảm từ 4,7 triệu con trong năm 2012 xuống 4 triệu con năm 2017, tương đương 14,9%. Nguyên nhân chủ yếu là do sự sụt giảm mạnh khối lượng nhập khẩu từ Đan Mạch và Hà Lan.
Nhập khẩu heo thịt từ Đan Mạch đã giảm từ 169.900 con trong năm 2012 xuống mức thấp 77.165 con năm 2017, tương đương 45%, trong khi đó, lượng heo này nhập khẩu từ Hà Lan cũng giảm từ 4 triệu xuống 3,1 triệu con, tương đương 22,5%. Con số này cũng phản ánh sự trì trệ của ngành heo tại Đan Mạch và Hà Lan trong nhiều năm liền; Đồng thời cũng cho thấy nhu cầu tiêu thụ heo giống và heo thịt tại Đức giảm mạnh.
Giai đoạn 2012 - 2017, sản lượng thịt heo của Đức giảm xuống 63.000 tấn, tương đương 1,2%. Đó là lần đầu tiên từ năm 2011, sản lượng thịt heo giảm xuống dưới 5 triệu tấn. Điều này đã phản ánh thực trạng tiêu thụ bình quân theo đầu người với sản phẩm thịt tại Đức. Nhưng từ năm 2012, tiêu thụ thịt heo bình quân theo đầu người đã giảm liên tục và rớt xuống dưới mức 50 kg/người/năm vào năm 2017. Ngược lại, tiêu thụ thịt gia cầm tăng mạnh. Tiêu thụ thịt heo tại thị trường nội địa lao dốc dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ tự túc lương thực từ 116,8% trong năm 2012 lên 120,4% trong năm 2017.
Sự sụt giảm tiêu thụ bình quân theo đầu người và sự gia tăng tỷ lệ tự túc lương thực dẫn đến tình trạng tăng xuất khẩu và giảm nhập khẩu. Giai đoạn 2012 - 2017, khối lượng xuất khẩu đã tăng tới 122.000 tấn, tương ứng 4,4%, còn khối lượng nhập khẩu lại giảm 85.000 tấn (6,9%). Xu hướng đối nghịch nhau giữa xuất và nhập khẩu đã dẫn đến thặng dư thương mại 207.000 tấn trong năm 2017. Khối lượng xuất khẩu đạt đỉnh điểm vào năm 2016 với hơn 3 triệu tấn thịt heo. Con số này tuy nhiên đã không thể duy trì tốt, nên chỉ chưa đầy 1 năm sau đó đã giảm gần 150.000 tấn.
Đối mặt thách thức
Lệnh cấm vận của Nga lên các sản phẩm xuất xứ châu Âu đã buộc những công ty xuất khẩu và chế biến thịt heo lớn nhất nước Đức phải tìm kiếm thị trường mới. Ngoài thị trường chính trong khối Liên minh châu Âu, Đức vẫn đang nhắm đến thị trường Đông Á.
Năm 2017, Trung Quốc, Hồng Kông và Hàn Quốc nhập khẩu 578.000 tấn thịt heo của Đức, chiếm 19,6% tổng khối lượng xuất khẩu thịt heo của cả nước. Điều này cho thấy sự thành công của các hãng thịt heo Đức trong cuộc chiến tìm kiếm thị trường mới khi phải đối mặt thách thức cấm vận từ Nga.
Tuy nhiên sau nhiều năm tăng trưởng liên tục thì ngành chăn nuôi heo của Đức đã và đang phải đối mặt giai đoạn trì trệ, thậm chí là suy yếu. Nhiều nguyên nhân được mổ xẻ để tìm giải pháp. Một trong những nguyên nhân đầu tiên đó chính là sự thờ ơ của người tiêu dùng trước các sản phẩm thịt heo do người dân cả già lẫn trẻ đều có xu hướng ăn thịt ít hơn, kèm đó là các rào cản tôn giáo khi số lượng người theo đạo Hồi ngày càng gia tăng.
Một yếu tố nữa đó là chi phí sản xuất ngày càng tăng cao do những yêu cầu về phúc lợi động vật và luật môi trường khắt khe hơn. Nguyên nhân cuối cùng là do tình trạng mất giá kéo dài trên thị trường với cả heo thịt và heo giống, khiến số lượng hộ chăn nuôi giảm mạnh.
Tuấn Minh (Piginternational)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.