Giá heo hơi: Lợn rừng sọc lửa đắt hàng trong tâm “bão dịch” tả

Quỳnh Nguyễn Thứ bảy, ngày 25/05/2019 14:17 PM (GMT+7)
Giữa những cơn bão “giải cứu” do giá lợn hơi rớt thê thảm hay bệnh dịch tả lợn châu Phi thì đàn lợn rừng lai có bộ lông sọc lửa của gia đình bà Hoàng Thị Quảng (thôn Nà Ràng, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang) vẫn đắt hàng với mức giá cao gấp 3-4 lần lợn trắng.
Bình luận 0

Loài lợn… dễ tính 

Bà Quảng ôm đống dây khoai lang mới cắt ở ruộng về, thả lần lượt vào từng ô trong khu chuồng trại rộng hơn trăm mét vuông. Những con lợn rừng to khỏe bắt đầu lao vào, tranh nhau nhai những cọng rau nghe “rộp, rộp” rất đã. Chỉ một loáng là chỗ rau mới cắt đã hết sạch.

img

  Bà Hà Thị Quảng từng là cán bộ Hội Phụ nữ của địa phương, sau khi nghỉ hưu, bà tập trung phát triển gia trại chăn nuôi lợn rừng lai cho thu nhập khá. Ảnh: N.Q

"Nhiều người hỏi tôi có mở rộng quy mô trang trại không, tôi bảo làm gì có người mà làm. Tuy vậy, tôi vẫn mong kết quả từ mô hình chăn nuôi của mình có thể lan tỏa đến với bà con trong vùng. Những hộ quanh đây, hộ nào có ý định nuôi giống lợn rừng lai này tôi đều sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm”.

Bà Hoàng Thị Quảng

Người phụ nữ dân tộc Tày có tuổi nhưng gương mặt vẫn rất đẹp quay sang nhìn chúng tôi cười và bảo: “Chúng ham ăn thế đấy, bao nhiêu rau cũng không đủ. Bình thường tôi cho ăn khoai lang, rau muống, chuối chặt trên rừng..., thi thoảng thì bổ sung thêm vài loại cây thảo dược cho chúng tẩy giun, sán”.

Bà Quảng dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng trang trại và kể, cơ duyên của gia đình bà với những chú heo rừng này cũng rất tình cờ. Trước đây, hai vợ chồng bà đều công tác ở địa phương, sau khi bà nghỉ hưu thì sinh ra buồn chân buồn tay không chịu được, con cái đi công tác hết. Một lần, chồng bà xem tivi thấy có nơi nuôi loại lợn rừng lai có kỹ thuật nuôi lợn rừng không quá phức tạp, lại cho hiệu quả kinh tế cao, nên ông quyết định đi tìm mua giống về xây dựng gia trại.

May sao, gia đình bà Quảng được Nhà nước hỗ trợ 100 triệu làm chuồng theo chương trình phát triển gia trại của huyện. Đàn lợn nuôi một thời gian sau cũng bắt đầu thích nghi và sinh trưởng tốt.

Theo bà Quảng, giống lợn rừng lai này rất nhát người và không hung dữ như lợn rừng thuần chủng. Khi mới bắt về nuôi, vợ chồng bà cũng sợ lợn sẽ phá chuồng, đào móng để thoát ra ngoài, nhưng sau một thời gian quan sát thấy chúng cũng tương đối dễ tính, chỉ cần có không gian để chạy nhảy là đủ.

Lợn rừng lai đẻ ít, mỗi lứa chỉ đẻ được 5-6 con, nên gia đình bà chỉ để nuôi chứ không có giống để bán. Mỗi lần lợn mang thai trong khoảng thời gian hơn 120 ngày, lợn mẹ tự cắn rốn cho con và biết cách nuôi con chu đáo...

“Bình an” trong tâm bão dịch

Lợn rừng phát triển tốt, nhưng do đặc thù giống, nên trọng lượng tăng chậm, nuôi từ 7-8 tháng mới nặng từ 20-30kg, nếu muốn lợn đạt trọng lượng 50kg như lợn thịt thông thường thì phải mất tới 1 năm.

Về cách ăn uống và phòng bệnh, lợn rừng lai cũng có những ưu điểm giống như lợn rừng thuần chủng ở chỗ có sức đề kháng cao, chịu được thời tiết khắc nghiệt, dễ nuôi và không tốn nhiều công chăm sóc.

Nếu so về mặt sức khỏe thì lợn rừng lai còn tốt hơn so với lợn rừng thuần. Là người trực tiếp chăm sóc đàn lợn, bà Quảng thường xuyên quan sát, khi thấy có biểu hiện bất thường nào thì báo cho cán bộ thú y của địa phương để kịp thời xử lý. Mặc dù trong thời gian qua có một số loại dịch bệnh như dịch tả châu Phi xảy ra ở nhiều tỉnh, thành, nhưng đến thời điểm hiện tại, đàn lợn của bà Quảng vẫn “bình an vô sự”.

Chỉ khi lợn còn nhỏ bà Quảng mới sử dụng cám công nghiệp cho đàn lợn ăn, sau đó bà Quảng giảm dần thức ăn công nghiệp và dần chuyển hoàn toàn sang cho ăn rau, củ, quả.

Chính vì tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên ở vùng cao nên chất lượng thịt lợn rừng lai ở đây cũng thơm ngon đặc biệt. Những thớ thịt đỏ hồng, săn chắc nhiều nạc nhưng mềm, ít mỡ, da dày, giòn, giá trị dinh dưỡng cao nên lợn rừng của gia đình bà ngày càng được nhiều khách hàng biết đến và ưa chuộng.

Bà Quảng cho biết, hiện trại lợn rừng lai của gia đình bà đang duy trì đều đặn cả lợn giống và lợn thịt với số lượng khoảng 50 con. Những dịp cao điểm như dịp Tết Nguyên đán, gia đình bà cũng chỉ có từ 10-15 con lợn cho những khách hàng đã đặt từ trước. Có những lúc, giá lợn rớt thê thảm, cả nước đồng loạt kêu gọi “giải cứu” thịt lợn thì nhà bà Quảng vẫn bán giá 120.000 đồng/kg lợn hơi, thậm chí còn không có để bán.

Là hộ đầu tiên ở Nà Ràng nuôi lợn rừng lai nên khi mới bắt đầu, bà Hoàng Thị Quảng cũng phải trải qua những khó khăn nhất định. Nhưng sau 2 năm, với sự hỗ trợ của cán bộ khuyến nông địa phương thì hoạt động chăn nuôi gia trại của gia đình bà đã đi vào ổn định. Mỗi năm lợn rừng lai cũng mang lại cho gia đình bà Quảng nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem