Thưa ông, người chăn nuôi heo trong nước vừa trải qua đợt khủng hoảng giá heo kéo dài gần 2 năm, sau đó giá heo hơi lại tăng liên tiếp từ tháng 4 đến nay và hiện vẫn giữ ở mức cao, từ 47.000 - 50.000 đồng/kg. Một mặt người dân vui mừng vì giá heo tăng, có lãi, một mặt bà con cũng đang nghi ngờ có bàn tay của các đại gia chăn nuôi FDI làm giá, thao túng thị trường, ông có đánh giá thế nào về vấn đề này?
Ông Đoàn Xuân Trúc - Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam. Ảnh: I.T
Qua quan sát, tôi nhận thấy nguyên nhân chính làm giá heo hơi tăng cao như hiện nay là do cung đang lệch cầu, khiến giá được đẩy lên. Thực tế trong gần 2 năm qua, người dân giảm đàn nuôi quá nhiều, các công ty doanh nghiệp cũng buộc phải giảm đầu con nhằm giảm chi phí, do không vay được vốn ngân hàng như trước nữa.
Không ai khẳng định, nhưng cũng không loại trừ một số người găm hàng đợi giá lên. Tâm lý người chăn nuôi khó tránh khỏi việc này để nhằm mục đích thu được lợi nhuận cao nhất, bởi do vào đàn heo thời điểm này thì cũng phải 5-6 tháng sau mới có heo đủ lớn để bán.
Tuy nhiên thực tế mà nói, đối với con heo trọng lượng từ 90kg trở lên, người dân biết tính toán thì đều sẽ tìm cách bán sớm. Bởi càng nuôi lâu, càng tiêu tốn nhiều thức ăn, trong khi heo quá lứa thì mỡ nhiều, lại càng khó bán, lợi nhuận giữa giá bán và giá thành sẽ càng ít đi. Do đó không có lí gì mà người nuôi giữ heo lớn trong chuồng làm gì. Tiền vào túi mới là quan trọng.
Theo một số báo cáo, đơn cử như của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng đàn heo cả nước hiện nay giảm khoảng 5,8% so với cùng kỳ, con số này đâu phải lớn đến mức khiến thị trường thiếu hụt trầm trọng, làm giá heo tăng gấp đôi chỉ trong thời gian ngắn như vậy?
Tôi nghĩ thế này, chưa chắc con số thống kê đã đúng, chắc chắn số đàn heo phải giảm nhiều hơn, có thể gấp 3 lần. Muốn thống kê chính xác, anh phải đi xuống các tỉnh, xuống các trang trại, nông hộ thống kê ghi nhận thì mới chính xác được chứ cứ ngồi một chỗ làm sao đúng được.
Chính vì thống kê sai số quá lớn, đã dẫn tới việc điều tiết thị trường không chuẩn, không hiệu quả.
Vậy ông có nắm được số lượng heo trong các doanh nghiệp thành viên không?
Không, cái đó tôi chịu. Chỉ biết đợt khủng hoảng giá kéo dài vừa rồi, hầu hết các doanh nghiệp thành viên Hội Chăn nuôi Việt Nam đều phải cắt giảm đàn vì không vay được vốn ngân hàng. Giá heo bán thấp hơn giá thành nên bằng mọi giá doanh nghiệp phải giảm đàn.
Trao đổi với PV, một số chủ trang trại, người chăn nuôi cho biết từ khi họ chăn nuôi, không hề thấy cơ quan chức năng nào đến thống kê số lợn nuôi trong chuồng. Ảnh: T.L
Trước tình trạng giá heo liên tục tăng cao không ngừng, nhiều người nuôi, chủ trang trại đang đặt nghi vấn là các doanh nghiệp FDI, trong đó có CP làm giá để tuồn con giống, heo thịt của họ ra thị trường. Ông nghĩ sao về điều này?
Không loại trừ nghi vấn này, nhưng cũng ít có cơ sở để khẳng định các doanh nghiệp FDI làm giá. Hiện nay ở Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào đủ mạnh, đủ lớn để có cách "điều khiển" làm thị trường đảo ngược nhanh như thế được.
Đúng là hiện nay CP là doanh nghiệp có nhiều heo nhất, vì họ làm theo chuỗi, có cả giống, thức ăn nên họ có quy mô đàn nái, đàn heo thịt rất lớn. Tuy nhiên phải thừa nhận một điều, lúc này họ có nhiều heo bán ra cũng là một điều tốt nhằm điều tiết thị trường trong bối cảnh thiếu cung. Nếu thiếu hụt cao quá, thị trường sẽ mất bình ổn, giá heo hơi tăng lên nữa sẽ rất nguy hiểm.
Thứ nhất, giá heo hơi tại Trung Quốc đang rất thấp, có thể sẽ tràn qua biên giới vào Việt Nam. Bên cạnh đó, nguồn thịt đông lạnh từ Mỹ cũng khá rẻ, sẽ ngay lập tức tràn vào cạnh tranh với heo thịt trong nước. Thứ hai, giá heo trong nước cao, sẽ dẫn tới giá bán thịt cao, sẽ khiến người tiêu dùng suy nghĩ lựa chọn tìm nguồn thực phẩm khác. Thứ ba, giá heo hơi liên tục ở mức cao sẽ khiến người nuôi lại vào đàn ồ ạt, mà không ai dám chắc giá heo thời gian tới sẽ như thế nào.
Thưa ông, nhiều chuyên gia cũng nhận định, bức tranh ngành chăn nuôi đang xoay chiều theo hướng doanh nghiệp FDI, trang trại lớn là chủ đạo, chăn nuôi nông hộ đang bị đè bẹp và chết dần. Ông nghĩ sao về điều này?
Chăn nuôi nông hộ thì vẫn nên khuyến khích duy trì, vì đó là sinh kế của bà con. Nhưng họ muốn tồn tại được bắt buộc phải tham gia chuỗi sản xuất, ví dụ vào tổ hợp tác, hợp tác xã để có thông tin về thị trường, kế hoạch đầu vào đầu ra. Nhà nước không thể đứng ra lo từ A-Z được. Nếu cứ sản xuất riêng lẻ thì nông hộ không thể nào cạnh tranh được với trang trại lớn, doanh nghiệp và sẽ dần bị đào thải.
Vậy làm thế nào để người chăn nuôi tham gia vào hợp tác xã, rõ ràng nhà nước phải có cơ chế chính sách cụ thể, hiệu quả hơn. Ở các nước có nền chăn nuôi phát triển, nông hộ cũng không bao giờ đứng riêng lẻ.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.