Gia Lai: Biến đồi dốc thành trang trại trồng dứa mật cho lợi nhuận "khủng"
Gia Lai: Biến đồi dốc thành trang trại trồng dứa mật cho lợi nhuận "khủng"
Thứ bảy, ngày 16/05/2020 13:10 PM (GMT+7)
Năm 2017, anh Đỗ Minh Tiến (thôn Hợp Hòa, xã Ia Drăng, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đầu tư trồng dứa mật (dứa Thái) trên khu vực đất đồi dốc rộng 3 ha. Mỗi năm, vườn dứa mật này đem lại cho gia đình anh lợi nhuận khoảng 450 triệu đồng.
Anh Tiến cho biết: Đầu năm 2017, trong lần đi tham quan tại tỉnh Đắk Lắk, anh thấy một hộ ở huyện Krông Bông trồng dứa mật trên đất đồi dốc, cây phát triển tốt, năng suất cao và chất lượng quả thơm ngon.
Lập tức, anh Tiến đặt vấn đề mua giống dứa mật, học hỏi kinh nghiệm trồng dứa mật và đưa cây dứa mật về trồng trên 3 ha đất đồi dốc của mình.
“Tôi mua 70 triệu đồng tiền giống cây dứa mật. Đầu mùa mưa năm 2017, tôi bắt đầu trồng dứa mật trong vườn cao su tái canh, mật độ khoảng 10 ngàn gốc/ha. Cây dứa mật vốn ưa đất đồi dốc nên chẳng mấy chốc bén rễ và phát triển rất nhanh. Mỗi năm, tôi chỉ cần thuê nhân công làm cỏ một đợt và bón phân cho dứa mật vào tháng 8...", anh Tiến chia sẻ.
Vào mùa khô, để đảm bảo dứa mật cho năng suất cao, anh tưới khoảng 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 tháng (vào các tháng 2, 3, 4) và thỉnh thoảng thuê nhân công tỉa chồi dứa. Chi phí đầu tư chăm sóc, trồng dứa mật chỉ khoảng 15-20 triệu đồng/3 ha/năm.
Theo anh Tiến, dứa mật có trọng lượng trung bình 2-2,5 kg/trái. Cá biệt, có những trái lớn đạt trọng lượng khoảng 4 kg. Tính bình quân, anh thu được tầm 16 tấn dứa mật/ha/năm. Nhờ canh tác theo hướng hữu cơ, trái dứa mật của gia đình anh Tiến được nhiều công ty và cửa hàng đặt mua.
Đặc biệt, dứa mật mỏng vỏ, lõi nhỏ và mọng nước, hương vị rất thơm ngon, phù hợp để pha chế các loại thức uống giải khát nên được nhiều cơ sở kinh doanh đồ uống ưa chuộng. Về giá trị, nếu như các giống dứa khác chỉ có giá 3-4 ngàn đồng/kg thì giống dứa mật có giá khoảng 10 ngàn đồng/kg.
Trọng lượng trái dứa mật cũng cao hơn 2-3 lần so với các giống dứa thông thường. Tuy nhiên, dứa mật cũng có chút nhược điểm.
Anh Tiến chia sẻ: “Vì quá ngọt, dứa mật không phù hợp lắm khi sử dụng để kết hợp nấu các món ăn mà chỉ phù hợp dùng để ăn tráng miệng, ép nước... Hơn nữa, dứa mật có vỏ mỏng, mọng nước nên thời gian bảo quản ngắn (chỉ khoảng 1 tuần), dễ dập nát khi va đập. Do đó, khâu bảo quản, vận chuyển dứa mật sau thu hoạch gặp không ít khó khăn”.
Thông thường, một lứa dứa mật sẽ cho thu trong 3-4 năm, tùy mức độ chăm sóc, chất đất, độ bền của cây… Khoảng thời gian từ khi dứa mật ra hoa đến khi thu hoạch chỉ tầm 4 tháng. Bởi không áp dụng quy trình canh tác theo lối công nghiệp mà nương theo sự phát triển tự nhiên nên vườn dứa mật của gia đình anh Tiến ra trái làm nhiều đợt trong năm chứ không ra trái đại trà.
Vì vậy, gia đình anh thu hoạch dứa mật lai rai quanh năm, không tạo sức ép mùa vụ quá lớn như các loại cây ăn quả khác. Sau khi trừ chi phí, mỗi héc ta dứa mật đem về cho gia đình anh Tiến lợi nhuận hơn 150 triệu đồng/năm.
Chi phí đầu tư thấp, lợi nhuận cao, tuy nhiên, theo anh Tiến, giống dứa mật khó mở rộng trồng đại trà vì thời gian bảo quản ngắn, đầu ra sản phẩm kén khách.
“Do đó, người dân nên cân nhắc nếu như không kết nối được đầu ra thì cần thận trọng trong việc trồng cây dứa mật”-anh Tiến cho hay.
Nhận thấy giá trị của cây dứa mật, vừa qua, UBND xã Ia Drăng đã có ý định lựa chọn và hỗ trợ gia đình anh Tiến xây dựng mô hình trồng loại cây này thành sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của xã theo Chương trình OCOP.
Bà Nguyễn Thị Xuân-cán bộ Nông nghiệp xã Ia Drăng-đánh giá: “Qua tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn sản xuất, sản phẩm dứa mật của hộ anh Tiến rất phù hợp để xây dựng thành sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của xã. Bởi lẽ, đến nay, cây trồng này chưa xuất hiện tại nhiều địa phương. Dứa mật cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.