Gia Lai: Bờ sông Ba sạt lở nặng, đất sản xuất bị "hà bá" cuốn trôi

Hoàng Lộc Thứ hai, ngày 24/10/2022 08:37 AM (GMT+7)
Sạt lở bờ sông Ba (đoạn qua huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) đã cuốn trôi nhiều diện tích đất sản xuất của người dân và uy hiếp nhà cửa...
Bình luận 0

Diện tích đất sản xuất bị sạt lở bờ sông cuốn trôi

Chèo thuyền chở PV Dân Việt đi dọc bờ sông, ông Rơ Lan Kem (trú tại buôn H'Lang, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) cho biết: Tình trạng sạt lở bờ sông Ba đã xảy ra từ nhiều năm nay và ngày một nghiêm trọng. Cứ năm nào xảy ra mưa lũ thì nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân nằm sát bờ sông lại bị "nuốt".

"Nhà tôi có 1,8ha mì nằm sát bờ sông nhưng đến nay chỉ lại có vài sào. Chính vì vậy, việc sản xuất gặp khá nhiều khó khăn. Nhìn cảnh "hà bá" nuốt trôi đất đai mỗi ngày mà xót, nhưng chúng tôi đành bất lực", ông Kem thở dài.

Gia Lai: Bờ sông Ba bị sạt lở nặng, đất sản xuất bị "hà bá" cuốn trôi - Ảnh 1.

Bờ sông Ba (đoạn qua buôn H'Lang, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa) ngày càng bị sạt lở nghiêm trọng tạo thành bờ dốc cao. Ảnh: H.L

Cùng chung cảnh ngộ, ông Rơ Chăm Bia (cùng trú tại buôn H'Lang, xã Chư Rcăm) buồn bã nói: "Gần 2ha đất sản xuất của gia đình tôi cũng đã bị dòng sông "nuốt chửng" gần hết. Nếu tiếp tục tình trạng này thì tôi lo rằng, vài năm nữa diện tích đất sản xuất của gia đình sẽ không còn. Người dân rất mong chính quyền có phương án hỗ trợ về đất đai để chúng tôi yên tâm sản xuất và ổn định cuộc sống".

Ghi nhận của PV Dân Việt tại dọc bờ sông Ba đoạn qua buôn H'Lang, nước chảy xiết, có nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng, tạo thành những bờ dốc cao từ 4-6m. Nhiều diện tích đất trồng mì của người dân đang ngày càng bị thu hẹp vì tình trạng sạt lở bờ sông.

Kinh phí xây kè chống sạt lở hạn hẹp

Ông Hà Văn Đường, Chủ tịch UBND xã Chư Rcăm cho biết, tình trạng sạt lở bờ sông Ba xảy ra là do ảnh hưởng bởi mưa lũ. Ngoài ra, do đặc thù đất đai ở trên địa bàn xã là đất bồi nên khi mưa xuống, nước dâng cao sẽ gây sạt lở.

"Sông Ba đoạn qua địa bàn xã có chiều dài khoảng 4,5 km. Nhiều năm qua, tình trạng sạt lở sông Ba đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Hiện, trên địa bàn xã có khoảng 100 ha đất trồng mì và thuốc lá dọc theo sông bị bồi lấp, mất trắng. Chính vì vậy, xã đã kiến nghị bổ sung cấp đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số có đất bị mất do sạt lở bờ sông cuốn trôi", ông Đường nói.

Gia Lai: Bờ sông Ba bị sạt lở nặng, đất sản xuất bị "hà bá" cuốn trôi - Ảnh 2.

Sạt lở bờ sông Ba đã cuốn trôi nhiều diện tích mỳ của người dân. Ảnh: H.L

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Hồ Văn Thảo, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa cho biết, sông Ba đoạn qua địa bàn huyện có chiều dài 45km. Việc sạt lở bờ sông Ba đã ảnh hưởng đến 12 xã, thị trấn. Đoạn sạt lở nghiêm trọng nhất là ở hai xã Ia Rsai và Chư Rcăm. Trong những năm qua, sạt lở bờ sông Ba bên cạnh "nuốt" đất sản xuất thì còn cuốn trôi nghĩa địa buôn H'Lang (xã Chư Rcăm) và uy hiếp nhiều hộ dân sống dọc bờ sông.

"Nếu làm kè để chống sạt lở cho cả đoạn sông thì cần nguồn kinh phí rất lớn trong khi ngân sách của huyện và tỉnh hạn hẹp. Trước mắt, huyện sẽ tập trung xử lý, khắc phục những điểm xung yếu có nguy cơ ảnh hưởng đến tài sản nhà nước và nhà cửa, công trình của dân. Trong đó, đối với cầu Lệ Bắc, Quốc lộ 25 thì nhà nước sẽ làm kè hai bên cầu. 

Hiện tại, cây cầu treo tại xã Ia Rsai cũng bị sạt lở mố cầu nên huyện đã xin tỉnh hỗ trợ kinh phí khắc phục lại mố cầu nhằm đảm bảo cho việc đi lại của người dân. Đồng thời, huyện cũng tổ chức di dời 102 hộ dân tại buôn H'Lang, xã Chư Rcăm sống dọc bờ sông có nguy cơ sạt lở lên vùng an toàn. Còn đối với đất sản xuất thì hiện tại không có phương án nào để bảo vệ nên phải chấp nhận để đất bị cuốn trôi", ông Thảo thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem