Gia Lai: Cán bộ, hội viên nông dân thị xã Ayun Pa tham quan mô hình nuôi sâu canxi

Hoàng Lộc Thứ bảy, ngày 13/01/2024 08:58 AM (GMT+7)
90 cán bộ, hội viên Hội Nông dân thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) đã được tận mắt chứng kiến mô hình nuôi sâu canxi tại huyện Chư Păh.
Bình luận 0

Ngày 12/1, Hội Nông dân tỉnh Gia Lai tổ chức cho 90 cán bộ, hội viên Hội Nông dân thị xã Ayun Pa tham quan mô hình xử lý rác thải thân thiện môi trường trên địa bàn huyện Chư Păh.

Đây là một hoạt động nằm trong khuôn khổ "Dự án tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế" diễn ra tại tỉnh Gia Lai từ ngày 1/7/2022-21/12/2024.

Gia Lai: Cán bộ, hội viên nông dân thị xã Ayun Pa tham quan mô hình nuôi sâu canxi- Ảnh 1.

Ông Lê Hùng Anh giới thiệu về mô hình nuôi sâu canxi với cán bộ, hội viên nông dân thị xã Ayun Pa

Theo đó, đoàn đã đến thăm mô hình nuôi sâu canxi của hộ gia đình ông Lê Hùng Anh (trú tại thôn 5, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh).

Sâu canxi hay còn gọi là ấu trùng ruồi lính đen có tên khoa học là Hermetia illucens, có đặc tính phàm ăn trong thế giới tự nhiên, giúp loại bỏ mùi hôi thối của chất thải hữu cơ. Vòng đời của ruồi lính đen trải qua 4 giai đoạn chính: trứng, ấu trùng, nhộng và ruồi trưởng thành.

Sâu canxi có khả năng tiêu hóa thành phần hữu cơ trong các chất thải sinh hoạt, phân gia súc, gia cầm,… tạo thành chất mùn giàu chất dinh dưỡng cho cây trồng. Không chỉ thế, sâu canxi còn là nguồn thức ăn giàu dưỡng chất rất hữu ích cho gà, vịt, cá,… Sâu canxi lúc còn sống chứa hàm lượng protein lên đến 15% và chất béo 5,8%.

Gia Lai: Cán bộ, hội viên nông dân thị xã Ayun Pa tham quan mô hình nuôi sâu canxi- Ảnh 2.

Việc sử dụng sâu canxi vào sản xuất, chăn nuôi giúp tiết kiệm nhiều chi phí cũng như chống ô nhiễm môi trường

Là hộ trực tiếp thực hiện mô hình nuôi sâu canxi, ông Lê Hùng Anh chia sẻ: "Cách nuôi sâu canxi rất đơn giản. Từ nguồn con giống ấu trùng, sau gần 2 tuần nuôi sẽ thành sâu canxi sinh trưởng. Thức ăn chính của sâu là các chất thải động vật, thực phẩm thừa (bã đậu, trái cây hỏng...). Đến ngày thứ 40, trứng sâu đã nở đều. Tôi mang đi làm thức ăn cho heo, gà giúp tiết kiệm thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, tôi còn làm phân sâu canxi được để bón cho vườn cà phê, tiết kiệm khá nhiều chi phí phân bón. Có thể nói, mô hình này rất hiệu quả trong việc bổ sung nguồn thức ăn nhiều dinh dưỡng cho vật nuôi mà còn là giải pháp giúp xử lý phân chuồng hiệu quả, chống ô nhiễm môi trường".

Gia Lai: Cán bộ, hội viên nông dân thị xã Ayun Pa tham quan mô hình nuôi sâu canxi- Ảnh 3.

Ông Lê Hùng Anh dùng sâu canx để làm thức ăn cho gà

Tại buổi tham quan, các cán bộ, hội viên nông dân đã tích cực trao đổi, thảo luận về những thuận lợi, khó khăn khi nuôi sâu canxi. Từ đó về ứng dụng đầu tư sản xuất, giúp vật nuôi phát triển khỏe mạnh, giảm tỷ lệ mắc bệnh, giảm chi phí thức ăn đầu vào, nâng cao lợi nhuận cho các hộ chăn nuôi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem