Nông dân trồng nhãn hoang mang
Tại vùng nhãn lồng Hồng Nam (TP.Hưng Yên) những ngày này, nông dân đang tất bật phun thuốc trừ sâu cho nhãn. Vừa pha thuốc bên vườn nhãn rộng hơn 1 mẫu của gia đình, ông Trịnh Văn Thinh – Chủ nhiệm HTX Sản xuất nhãn lồng Hồng Nam vừa nói với phóng viên: “Trời nắng đẹp, chúng tôi tranh thủ phun thuốc cho hết đợt để phòng sâu quả, bệnh thán thư, sương mai cho nhãn”.
Ông Thinh cho biết, sau hơn 3 tháng xây dựng vùng nhãn 9,97ha theo tiêu chuẩn xuất khẩu ở thôn Nễ Châu, xã Hồng Nam, đến nay hầu hết 33 hộ dân đã làm quen được với phương thức sản xuất mới, từ việc ghi chép nhật ký chăm sóc ngày, đến sử dụng thuốc trừ sâu… theo đúng quy định. “Đến giờ nhãn phát triển tốt, quả đã bắt đầu vào làm đường, dự kiến đến khoảng 15.7 sẽ cho thu hoạch. Tuy nhiên, lúc này bà con vẫn lo không xuất khẩu được, bán trong nước thì giá bấp bênh” – ông Thinh chia sẻ.
Vườn nhãn của ông Đinh Văn Mau (thôn An Cảnh, xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) đang được cắt tỉa, phun thuốc trừ sâu. Ảnh: Trần Quang
Theo ông Thinh, so với việc sản xuất theo quy trình truyền thống trước kia, việc áp dụng quy trình sản xuất mới khá tốn kém cả về chi phí đầu vào cũng như nhân công. Cụ thể, tiền phân bón đầu tư, thuốc trừ sâu, mua túi bao trái… gấp khoảng 1,5 lần sản xuất thường, chưa kể việc thuê nhân công đang gặp khó khăn. Nên nếu không xuất khẩu được nhãn với giá cao, mà bán trong nước giá thấp thì người trồng có thể phải chịu lỗ nặng.
Trò chuyện với các hộ vùng sản xuất nhãn xuất khẩu tại thôn An Cảnh, xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu, chúng tôi cũng thấy bà con khá băn khoăn về đầu ra cho sản phẩm nhãn sắp thu hoạch. Nhà trồng 8 sào nhãn, ông Đinh Văn Mau lắc đầu: “Nghe thông tin vùng vải thiều xuất khẩu ở Bắc Giang vừa qua không đưa sang Mỹ, Úc được nhiều, bà con trồng nhãn chúng tôi cũng lo là tới đây phải bán trôi nổi ngoài chợ...”.
Nông dân hiểu nhầm?
Quan điểm
Bà Đoàn Thị Chải - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hưng Yên
Theo kế hoạch sản xuất, đến ngày 15.7 tới, các vùng trồng nhãn của tỉnh sẽ bước vào thu hoạch. Với diện tích khoảng 3.000ha nằm chủ yếu ở TP.Hưng Yên và huyện Khoái Châu, sản lượng nhãn ước đạt khoảng trên dưới 35.000 tấn (tương đương với sản lượng đạt năm 2014).
Bà Đoàn Thị Chải – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hưng Yên cho biết: “Sau hơn 3 tháng xây dựng vùng nhãn xuất khẩu, đến nay bà con tại các xã đã thực hiện tốt các quy định về sản xuất an toàn, theo đúng chuẩn xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp vẫn đang lo tiêu thụ vải thiều, nên có thể phải chờ qua vụ vải mới có đơn vị đăng ký thu mua nhãn cho bà con được”.
Ông Lê Nhật Thành – Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NNPTNT) cho rằng: Hầu như tại các vùng sản xuất nhãn xuất khẩu VietGAP -GlobalGAP mới xây dựng và được công nhận, nông dân còn mù mờ thông tin và hiểu lầm rằng đã áp dụng quy trình sản xuất sạch là sẽ xuất khẩu được nhiều nhãn sang Mỹ, Úc… Đây là nhận thức sai, cần điều chỉnh lại.
Cụ thể, theo ông Thành, việc xây dựng vùng sản xuất nhãn, vải thiều theo tiêu chuẩn xuất khẩu là bước đột phá mới, không chỉ mở ra cơ hội xuất khẩu mà cái chính là nhằm nâng cao nhận thức của người trồng và chất lượng sản phẩm, cũng như để bảo vệ môi trường. “Tại nhiều vùng bà con còn có tư tưởng hiểu lầm là cứ trồng ra là nhà nước lo đầu ra đưa bán sang Mỹ, Úc…, được giá cao nên khi đến mùa thu hoạch không bán được lại hoang mang, dọa bỏ dự án” – ông Thành cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.