Gia Lai: Mía ế, béo “cò”

Thứ ba, ngày 03/04/2012 18:18 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vùng nguyên liệu mía ở Gia Lai vẫn còn hàng trăm hécta chờ thu hoạch được. Lợi dụng tình trạng mía ế, đám “cò” ở đây ra sức tung hoành khiến người dân khốn khổ…
Bình luận 0

Theo phản ảnh của người dân, đám “cò” có khoảng 20 người. Hàng ngày “cò” thay phiên nhau lượn lờ trước cổng Nhà máy Đường An Khê để tìm cơ hội kiếm ăn. Gặp những xe mía chờ lâu mà chưa nhập được hàng, “cò” sẽ ve vãn chủ mía bán lại. Sau đó, “cò” sẽ thay biển số xe và dẫn vào nhà máy. Tự họ sẽ thanh toán và ăn chặn phần lãi theo đầu tấn mỗi xe…

img
Hàng trăm xe mía vẫn đang nằm chờ nhập cho Nhà máy Đường An Khê.

Một kiểu ăn chặn khác trắng trợn hơn, đó là “cò” tại gốc. Theo quy trình, thì mỗi ngày từ 8 giờ đến 8 giờ 30, các trạm thu mua sẽ phát phiếu chặt mía cho dân. Trên phiếu, trạm sẽ ghi rõ biển số xe chở mía cho chủ hàng. Ngay tại đây, “cò” thủ sẵn mã số đăng ký biển số của xe chở mía, chờ đến phiên, chúng sẽ thay đổi biển số xe được nhập ngay trong ngày, dẫn đến nhà máy và sau đó ăn chặn tiền của chủ mía theo cách nói trên…

Ngoài đám “cò” này còn một đám khác gọi là “cò nhà”, chuyên mua khoán mía tại ruộng với giá chừng 650.000/tấn để khai thác và đem bán, trong khi giá mua tại nhà máy là 900.000 đồng/tấn… Công sức một năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời đang không bị đám “cò” móc túi, xót xa nhưng người trồng mía cũng đành ngậm bồ hòn, bởi mía đã đến kỳ thu hoạch, chậm một ngày thiệt là thêm thiệt hại.

“Cò” lộng hành một phần do kẽ hở trong trong việc cấp phiếu nhập hàng ở các trạm. Theo điều tra của chúng tôi, nhóm “cò” xe chở mía có hơn chục người. Nhóm này khống chế khoảng 25 chiếc ô tô hoạt động thường xuyên. Mỗi chiếc xe, ngoài biển số được cơ quan chức năng cấp, thường có thêm 3-5 “biển số ” của “cò” để ăn chặn người trồng mía bằng những thủ thuật nêu trên.

Một lái xe kiêm chủ mía cho biết: Có lúc bí phải tính chuyện đi bán mía ở Kon Tum, nhưng trung bình một chuyến phải “lót đường” hết 1,8 triệu, lại thêm bị nhà máy gây khó dễ khi lấy phiếu lần sau. Còn chở đi bán ở Bình Định thì trên đèo An Khê luôn có một “đội” túc trực 24/24 giờ để ghi số xe chở mía khỏi địa bàn. Rốt cuộc thì đi đâu cũng không thoát nạn “cò”.

Phải chăng đám “cò” này có “tay trong” hỗ trợ? Chúng tôi đã đặt câu hỏi và ông Nguyễn Văn Hòe – quyền Giám đốc Nhà máy Đường An Khê thừa nhận là có tiêu cực này, và nhà máy đang tiến hành theo dõi, nắm chứng cứ và sẽ đuổi việc ngay cán bộ nào được phát hiện có sai phạm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem