Gia Lai: Nông dân thu hàng trăm triệu đồng nhờ nuôi loài cá "yểu điệu thục nữ"

Trần Hiền Thứ sáu, ngày 24/09/2021 14:03 PM (GMT+7)
Với quyết tâm nâng tầm đặc sản trứ danh - chả cá thát lát Ayun Hạ, HTX Nuôi trồng thủy sản Ayun Hạ (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) đã cùng người dân địa phương tạo nên nguồn nguyên liệu sạch, có sẵn. Với cách làm này, HTX và người dân thu về hàng trăm triệu từ mô hình nuôi cá thát lát dáng điệu.
Bình luận 0

HTX Nuôi trồng thủy sản Ayun Hạ, xã Ayun Hạ (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) cùng người dân tạo nguồn nguyên liệu sạch , có sẵn nâng tầm chất lượng chả cá thát lát

Đặc sản chả cá thát lát Ayun Hạ

Nói đến đặc sản chả cá thát lát, ai cũng sẽ nghĩ ngay đến Ayun Hạ, nơi làm nên thương hiệu chả cá thát lát. Khác với trước đây, người dân chỉ trông chờ vào việc đánh bắt cá thát lát dưới sông Ayun Hạ đem về chế biến đặc sản chả cá. Thì nay người dân đã chủ động nuôi cá thát lát, tạo nguồn nguyên liệu sạch, có sẵn.

Gia Lai: Người dân thu hàng trăm triệu đồng nhờ nuôi loại dáng điệu, mỏng lép - Ảnh 2.

HTX Nuôi trồng thủy sản Ayun Hạ tiến hành vớt cá đem về xưởng chế biến chả cá thát lát

Trao đổi với PV, ông Đặng Đức Hiệp – Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Ayun Hạ cho biết: "Trước đây, người dân chủ yếu đánh bắt cá thát lát trên lòng hồ Ayun Hạ mang về bán cho các cơ sở làm chả cá. Tuy nhiên, theo thời gian lượng cá bắt được cũng ít dần, tùy mùa mới có thể đánh bắt được cá. Nhằm tạo nguồn nguyên liệu sạch, có sẵn sản xuất ra những bánh chả cá thơm ngon, HTX cùng các hộ dân đã phát triển mô hình nuôi cá thát lát với số lượng lên đến hàng chục nghìn con....".

Theo ông Hiệp, nhờ sự quan tâm từ việc hỗ trợ giống và thức ăn cho cá của UBND huyện và Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Thiện nhiều hộ dân đã mạnh dạn nhận giống về nuôi và đã có lợi nhuận...

Gia Lai: Người dân thu hàng trăm triệu đồng nhờ nuôi loại dáng điệu, mỏng lép - Ảnh 3.

Cá thát lát có thân dài, dẹt, có đuôi rất nhỏ, vảy nhỏ phủ toàn thân, loại cá này dài đến 400 mm, nặng đến 500 g còn trung bình khoảng 200 g.

Cụ thể, năm 2019 từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, HTX đã phối hợp với 12 hộ dân trên địa bàn nuôi thí điểm khoảng 12.000 con cá thát lát. 

Theo đó, mỗi hộ được hỗ trợ 100% cá giống nuôi trong 1.000 m2. Đồng thời, HTX hướng dẫn kỹ thuật nuôi, ký kết bao tiêu sản phẩm cá thác lác thương phẩm cho người dân với giá 70.000 đồng/kg. Thời gian nuôi mỗi lứa từ 8 đến 12 tháng.

Gia Lai: Người dân thu hàng trăm triệu đồng nhờ nuôi loại dáng điệu, mỏng lép - Ảnh 4.

Cá thát lát có sức đề kháng cao và khá dễ nuôi so với các loại cá lóc, cá trê,cá chép

Tháng 8/2020, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phú Thiện có hỗ trợ cho 3 hộ dân nuôi cá thát lát với số tiền 330 triệu đồng. 3 hộ dân trên là thành viên của HTX, ngoài giống và thức ăn cho cá họ được hỗ trợ thêm về kỹ thuật. Với 18.000 con cá giống, năm 2021 ba hộ thu về 7 tấn cá. 

Với giá cam kết ban đầu của HTX là 70.000 đồng/kg cá thát lát. Như vậy, với 7 tấn cá này 3 hộ dân đã thu về gần 500 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi hộ dân sẽ thu về từ 100-150 triệu đồng/năm.

Chú trọng nâng tầm chả cá thát lát

"Hiện HTX đã sử dụng hết 3 tấn làm chả cá thát lát, còn lại HTX đang nuôi tại hồ để đảm bảo nguồn nguyên liệu tươi, thơm ngon khi chế biến. Trung bình 1 kg chả cá thát lát sẽ có giá 230.000 đồng/kg...", ông Hiệp, Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Ayun Hạ cho hay.

"Phần lớn, chúng tôi chỉ chế biến thành phẩm là chả cá để xuất bán ra thị trường chứ không xuất bán thịt cá. Hiện sản phẩm chả cá thát lát của HTX đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nâng tầm chất lượng và đầu tư máy móc, phấn đấu đạt sản phẩm 4 sao, 5 sao", ông Hiệp kỳ vọng.

Gia Lai: Người dân thu hàng trăm triệu đồng nhờ nuôi loại dáng điệu, mỏng lép - Ảnh 5.

Hiện HTX Nuôi trồng thủy sản Ayun Hạ đã đầu tư các thiết bị máy móc hiện đại như máy rút xương nhằm hỗ trợ việc chế biến chả cá thát lát nhanh hơn, chuyên nghiệp hơn

Theo ông Hiệp, cá thát lát rất dễ nuôi, sức đề kháng cao. Cá thát lát phần lớn chỉ bị bệnh ngoài da, khi đó sẽ chữa bằng muối và lá xoan chứ không dùng kháng sinh. 

Ngoài ra, cần thay nước ra vào cho cá, ủ tỏi cho cá ăn để có thể đảm bảo các vấn đề về đường ruột. Thức ăn của cá chủ yếu là cám viên và tận dụng lại xương, da, đầu, ruột cá thát lát khi mình làm chả.

Ông Hiệp phấn khởi nói: "HTX Nuôi trồng thủy sản Ayun Hạ đang mở rộng thị trường và nâng tầm chất lượng sản phẩm nên chú trọng vào sản phẩm sạch, không có kháng sinh. Mặc dù nuôi cá không kháng sinh, lợi nhuận thấp, trọng lượng cá nhẹ song chất lượng chả cá tốt và ngon hơn...".

Một cơ sở ở TP.HCM đã yêu cầu không có kháng sinh trong chả cá nên HTX đã gửi mẫu xuống để test (hiện họ đã gửi mẫu sang Nhật Bản). Ngay khi có kết quả đạt yêu cầu, đây sẽ là thị trường tiêu thụ chả cá thát lát lớn của HTX...

Gia Lai: Người dân thu hàng trăm triệu đồng nhờ nuôi loại dáng điệu, mỏng lép - Ảnh 6.

Đặc sản chả cá thát lát do HTX Nuôi trồng thủy sản Ayun Hạ chế biến và đóng gói, sản phẩm này đã đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh

Đánh giá hiệu quả mô hình nuôi cá thát lát, ông Phan Văn Vinh – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) khẳng định: "Có thể nhận thấy mô hình nuôi cá thát lát trên mang lại hiệu quá khá cao, lợi nhuận thu về từ 100-150 triệu đồng/năm. 

HTX Nuôi trồng thủy sản Ayun Hạ cần phải nhân rộng mô hình. Bởi lẽ, nếu không nuôi sẽ mất thương hiệu, trung tâm khuyến khích người dân và HTX mở rộng diện tích nuôi cá thát để có nguồn cung sẵn giữ vững thương hiệu chả cá thát lát".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem