Gia Lai: Nuôi loài cá lạ vừa dài vừa to, trông như con lươn khổng lồ, nông dân bán 500.000-600.000 đồng/kg

Thanh Xuân-Thế Thành (Cổng TTĐT huyện Ia H'Drai) Thứ ba, ngày 14/12/2021 19:01 PM (GMT+7)
Cá chình hoa là vật nuôi được nhiều thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng bởi thịt cá dai, thơm ngon. Từ năm 2019, UBND huyện Ia H’Drai (tỉnh Kon Tum) thực hiện mô hình nuôi cá chình hoa lồng, bè trên lòng hồ thủy điện Sê San 4, từng bước giúp bà con nhân dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Bình luận 0

Từ tháng 5/2019, 6 hộ nuôi cá chình hoa thử nghiệm được bàn giao gần 4.700 con cá chình hoa giống. Tận dụng nguồn cá cơm, cá trắng có sẵn trong lòng hồ thủy điện Sê San 4, người dân sử dụng làm thức ăn cho cá chình hoa để giảm chi phí trong chăn nuôi. 

Gia Lai: Nuôi loài cá lạ vừa dài vừa to, trông như con lươn khổng lồ, nông dân bán 500.000-600.000 đồng/kg - Ảnh 1.

Các hộ tham gia mô hình nuôi cá chình hoa trong lồng, bè trên hồ thủy điện Sê San 4 (huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum) phấn khởi tính toán lợi nhuận sẽ thu được sau thu hoạch

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng thường xuyên theo dõi, đánh giá sự thích nghi, quá trình sinh trưởng, phát triển, và hướng dẫn phòng, trị bệnh, chăm sóc cá chình thương phẩm trong lồng, vệ sinh lồng nuôi …để cá có môi trường sinh sống tốt nhất để phát triển.

Gia Lai: Nuôi loài cá lạ vừa dài vừa to, trông như con lươn khổng lồ, nông dân bán 500.000-600.000 đồng/kg - Ảnh 2.

Cá chình hoa nuôi trên lòng hồ thủy điện Sê San 4 có màu sắc bóng, sáng, và đạt trọng lượng trung bình 2,3 kg

Ông Hoàng Trọng Quảng, Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Ia H'Drai (tỉnh Kon Tum) là người theo sát mô hình từ những ngày đầu nhận xét qua quá trình theo dõi, đánh giá quá trình sinh trưởng, phát triển của cá chình.

Sau 26 tháng chăm sóc, cá chình hoa phát triển rất tốt trung bình 1 con khoảng 2,3kg, cá biệt đã có con đạt 2,8-3,2kg.

Theo ông Quảng, đánh giá sơ bộ mô hình cá chình trên địa bàn hiện nay có hiệu quả rất cao, nhà cung ứng cá chình giống bao tiêu đầu ra sản phẩm với giá cad chình mua dao động từ 500.000 đến 600.000 đồng/kg. 

Hiện tại huyện đã xây dựng đề án làm đề tài khoa học cấp tỉnh và sẽ triển khai trong năm 2022 và nhân rộng mô hình nuôi cá chình.

Nhận thức được giá trị kinh tế của mô hình qua quá trình nuôi, chăm sóc cá chình thương phẩm trong lồng, bè và lợi thế nguồn thức ăn dồi dào, sẵn có trên lòng hồ Thủy điện, các hộ gia đình trên làng chài đã mạnh dạn đầu tư, nhân rộng mô hình.

Điều đó nhằm phát triển kinh tế gia đình của các hộ dân ổn định bền vững, vươn lên làm giàu bằng mô hình nuôi cá chình hoa thương phẩm. 

Theo ông Đặng Văn Thuộc, chủ nhiệm Hợp tác xã Sê San, người dân thấy những người nuôi cá chình hoa trước hiệu quả nên bà con cũng mạnh dạn đầu tư làm thêm.

Hiện nay tổng số các lồng bà con nuôi cá chình hoa thêm cũng được 4, 5 lồng, mỗi lồng từ 10 -20 kg cá chình giống. Ông Thuộc tâm đắc nếu có điều kiện được hỗ trợ vay vốn đầu tư thì ngư dân làng chài sẽ sớm vươn lên làm giàu với mô hình nuôi cá chình hoa này.

Gia Lai: Nuôi loài cá lạ vừa dài vừa to, trông như con lươn khổng lồ, nông dân bán 500.000-600.000 đồng/kg - Ảnh 3.

Mô hình cá chình hoa của anh Đặng Văn Thuộc được đánh giá phát triển rất tốt, cá chình đã đạt trọng lượng xuất bán

Là một trong những hộ tiếp cận với mô hình ngay từ khi bắt đầu, ông Nguyễn Văn Triều rất muốn đầu tư thêm số lồng nuôi để phát triển kinh tế bền vững. 

Tuy nhiên, với giá cá chình giống cao khoảng 55.000 đồng/con nên bản thân ông gom góp mãi mới đầu tư được 1 lồng nuôi với khoảng hơn 1.000 con cá giống. 

Nhìn thấy lợi nhuận kinh tế từ con cá chình rất cao, nhưng đa số người dân không có khả năng kinh tế để tự đầu tư, nhân rộng mô hình. 

Theo ông Triều, nhờ nguồn cá đánh bắt được trên lòng hồ thủy điện, nhất là cá cơm, cá trắng, nên người dân tận dụng làm thức ăn cho cá chình hoa, giúp giảm một phần chi phí. 

Tuy nhiên, do con giống cá chình hoa khá đắt, nên người dân nghèo chưa có điều kiện phát triển thêm. Ông Triều rất mong muốn được Nhà nước hỗ trợ cho người dân tiếp cận thêm nguồn vốn vay để nhân rộng và phát triển mô hình cá chình hoa này.

Với giá trị kinh tế mà loài cá này mang lại, hứa hẹn sẽ giúp người nuôi có được khoản lợi nhuận cao, có khả năng giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. 

Theo ước tính, 6 lồng bè với số vốn đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng, qua thời gian 3 năm nuôi sẽ cho thu hoạch với dự kiến doanh thu khoảng 1,87 tỷ đồng. Trừ các khoản chi phí sẽ đem về hơn 650 triệu đồng tiền lãi.

Thành công bước đầu của mô hình nuôi cá chình hoa trên lòng hồ thủy điện Sê San 4 đã mở ra triển vọng về việc nuôi đối tượng mới cải thiện sinh kế cho người dân tại huyện Ia H'Drai (tỉnh Kon Tum) Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đồng hành cùng bà con nuôi cá chình hoa thương phẩm, tạo tiền đề nhân rộng mô hình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem