Gia Lâm muốn được hưởng 100% số tiền thu từ đấu giá đất giai đoạn 2017-2021
Gia Lâm muốn được hưởng 100% số tiền thu từ đấu giá đất giai đoạn 2017-2021
PV
Thứ ba, ngày 16/05/2023 14:04 PM (GMT+7)
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị về công tác quản lý quy hoạch kiến trúc, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị trên địa bàn huyện Gia Lâm; Tiến độ thực hiện Đề án đầu tư xây dựng huyện Gia Lâm thành quận.
Theo Cổng giao tiếp điện tử TP Hà Nội, báo cáo công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý đô thị 4 tháng đầu năm 2023, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học cho biết, về công tác quản lý đô thị và trật tự xây dựng, huyện đã chỉ đạo các ngành và UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xây dựng theo quy hoạch, đã cấp 664 giấy phép xây dựng với tổng diện tích sàn 150.070m2.
Tập trung xử lý vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng năm 2022 và vi phạm trật tự xây dựng năm 2023 trên địa bàn huyện. Trong kỳ, đã kiểm tra 677 công trình xây dựng khởi công, phát hiện 42 trường hợp vi phạm, lập hồ sơ xử phạt hành chính 42 công trình với số tiền phạt trên 1,75 tỷ đồng.
Đối với công tác đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị, quản lý, phát triển nhà, năm 2023, huyện Gia Lâm triển khai thực hiện 129 dự án với tổng kế hoạch vốn hơn 1,3 nghìn tỷ đồng. Kết quả giải ngân 4 tháng đầu năm đạt 246,5 tỷ đồng, đạt 18,0% so với kế hoạch.
Năm 2023, huyện cũng tập trung chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn. Tiếp tục đề xuất thành phố xem xét, giải quyết khó khăn, bất cập trong việc bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội tại các dự án đấu giá quyền sử dụng đất ở nằm trong khu vực phát triển đô thị trên địa bàn.
Về tiến độ thực hiện Đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận, đối với tiêu chí thành lập quận: Huyện và đơn vị tư vấn đánh giá đạt 30/31 tiêu chí, các Sở chuyên ngành mới thống nhất đánh giá 22 tiêu chí, còn 9 tiêu chí các Sở chưa đánh giá. Trong đó, 2 tiêu chí các Sở đã có văn bản vào cuối năm 2022 thống nhất đánh giá đạt.
Như vậy, theo quy định tại Nghị quyết số 26, 27, đến nay, huyện Gia Lâm đã đáp ứng tiêu chuẩn thành quận.
Về tiêu chí thành lập phường, huyện đã xây dựng dự thảo phương án điều chỉnh địa giới hành chính và rà soát, tính toán lại các tiêu chí theo phương án điều chỉnh (16 đơn vị hành chính).
Cụ thể, đối với 3/3 tiêu chí bắt buộc thuộc nhóm tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, các phường dự kiến thành lập đã đạt 2/3 tiêu chí, còn 1 tiêu chí chưa đạt, đang xin ý kiến của Bộ Tài chính là tiêu chí cân đối thu chi ngân sách.
Đối với nhóm tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị cần đạt tối thiểu 10/13 tiêu chí, tất cả 16 phường dự kiến thành lập đã đáp ứng.
Để tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc, tại buổi làm việc, huyện Gia Lâm đã kiến nghị thành phố chỉ đạo rà soát, điều chỉnh các đồ án quy hoạch phân khu đô thị trên địa bàn cho phù hợp với yêu cầu và định hướng phát triển đô thị, khắc phục các vấn đề bất cập về quy hoạch.
Đẩy nhanh tiến độ lập Đồ án quy hoạch chi tiết làng nghề Bát Tràng, tỷ lệ 1/500; tiếp tục tháo gỡ khó khăn về các dự án giao thông hạ tầng khung trên địa bàn.
Đồng thời, kiến nghị có cơ chế để huyện được hưởng 100% số tiền thu từ đấu giá quyền sử dụng đất giai đoạn 2017-2021 để có nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ đầu tư phát triển được giao…
Về công tác đầu tư xây dựng huyện thành quận, đề nghị bổ sung nội dung điều chỉnh ranh giới phát triển đô thị đến hết địa giới hành chính các huyện có đề án thành lập quận trong Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Bên cạnh đó, hoàn thiện, thống nhất các tiêu chí thành lập quận, phường đối với: Trường THPT đạt chuẩn quốc gia, công trình thương mại dịch vụ cấp đô thị; Tiêu chí mật độ đường giao thông đô thị và tiêu chí tuyến phố văn minh đô thị; Tiêu chí cân đối thu chi ngân sách xã, thị trấn…trên tinh thần đúng thực trạng hiện nay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.