Cũng vì vẻ đẹp của những loài hoa, những mùa hoa ấy, tôi đã rong ruổi trên khắp phố phường Hà Nội, đi từ trên con đường nội đô cho đến những vùng ngoại ô xa tít. Mùa hoa nở ngợp trời cũng là lúc tay máy tôi luôn sẵn sàng.
Tháng 2 ta mê đắm với màu biếc hoa ban. Con đường hoa ban trải dài từ Nguyễn Chí Thanh đến Văn Cao chung thuỷ một màu trắng xen lẫn hồng tím, cho đến ngợp trời cánh hoa ban ở những khu đô thị liền kề lan tới công viên Cầu Giấy. Hoa ban nở giữa lòng Thủ đô mang cái hoang sơ mà mạnh mẽ của miền sơn cước đến với vùng đồng bằng còn e ấp trong mùa lạnh giá.
Rừng hoa ban tại công viên Cầu Giấy. Ảnh: Tác giả cung cấp.
Tháng 3 gọi về với sắc trắng hoa sưa đến màu đỏ au của hoa gạo. Hoa sưa tinh khôi nở gần Lăng Bác, bung sắc trắng muốt Khu Ngoại giao đoàn (Trung Tự - Đống Đa) cho đến dải thảm cánh hoa rụng rơi mạn Tây Hồ hay một góc đường Hoàng Hoa Thám. Cảm xúc thôn quê, trào lên nỗi nhớ nhà khi hoa gạo thắp lửa trên nền trời tháng 3 Hà Nội. Cây gạo ở Bờ Hồ, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, trên con đường Nguyễn Trãi tấp nập cho đến hàng gạo trăm tuổi ở vùng Đoan Nữ, Mỹ Đức… đều để lại ấn tượng sâu sắc với người yêu hoa Hà thành.
Tháng 4 tinh khôi trong màu trắng của hoa loa kèn mang tới "khúc ca" báo hiệu hè sắp sang. Trên chiếc xe rong ruổi khắp Làng hoa Tây Tựu, ta không khó để thấy cả một ruộng hoa loa kèn bát ngát mênh mông. Người dân Tây Tựu thu hoạch hoa khi còn chưa nở để khi xuống phố, loa kèn mới trổ bông, cất lên giai điệu của thời gian.
Một mùa hè rực rỡ chói chang của tháng 5 trong màu đỏ của phượng vĩ, màu tím của hoa bằng lăng với nhiều kỷ niệm, gợi nhớ thương về một thời cắp sách đến trường. Mùa hoa học trò nở khắp phố phường Hà Nội như báo hiệu kỳ nghỉ hè đã đến, học sinh, sinh viên có những kế hoạch mới cho riêng mình.
Sắc trắng hoa sưa tại ký túc xá Mễ Trì. Ảnh: Tác giả cung cấp.
Trong cái nóng của tiết hè đâu thể quên chút thanh mát hiền dịu mà chẳng kém phần cao sang là hương thơm thuần khiết của hoa sen tháng 6. Những chiều đạp xe, chạy bộ quanh Hồ Tây lại được hít hà, thưởng thức màu sen, hương sen tới vị sen trong những tách trà chứa đựng cả tình người đất Hà thành nghìn năm văn hiến.
Tháng 7 mùa hoa sấu về trên phố Phan Đình Phùng. Lá sấu rụng rơi, trải thảm vàng đệm bước chân người. Một cơn gió mùa hạ thoảng qua lại nghe xạc xào tiếng lá đan xen tiếng chổi che của chị lao công, cần cù quét những lớp lá sấu vàng rơi dày trên phố.
Phố Xuân Diệu tháng 8 làm cho nhiều người nhớ về tuổi thơ khi sắc hoa xoan tràn về, bông trắng tinh khôi làm sáng cả một góc phố Hà Nội. Hoa xoan giản dị từ màu sắc đến hương thơm, nhưng cũng đủ làm xiêu lòng người để nhớ về những kỷ niệm thuở cắp sách rong chơi…
Đã đi vào thơ ca, nhạc hoạ ở mọi cung bậc, loài hoa làm nên thương hiệu Hà Nội – hoa sữa tháng 9, hoa sữa mùa thu – thực sự làm cho tôi và biết bao người có thể trong đó có bạn nữa dâng lên nỗi niềm về một trong những mùa đẹp nhất trong năm: thu Hà Nội. Đi trên con phố Thuỵ Khuê, Đào Tấn, Quán Thánh, Cửa Bắc hay nhiều con phố khác nữa vào tháng 9 mùi hương nồng nàn ấy rất có thể làm ta một đêm thao thức khó ngủ.
Đầu đông Hà Nội làm ta nhớ đến vẻ đẹp dễ thương, nụ hoa chúm chím của cúc hoa mi trải suốt tháng 10. Trên nhiều con phố lớn lại thấy tà áo dài thướt tha trong vạt nắng hiếm hoi của mùa giá lạnh, với bó cúc hoạ mi trên tay, khẽ nở nụ cười duyên trước ống kính.
Sắc vàng tươi của hoa dã quỳ bung cánh nở trên khắp con phố Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm len lỏi tới những khu đô thị lân cận. Đẹp nhất, nhiều hoa nhất có lẽ phải nói đến vùng Ba Vì – nơi có cả rừng hoa dã quỳ bung nở vàng tươi. Hoa dã quỳ mang đến một vẻ đẹp hoang dại, tự do nhưng không kém phần trầm tư, ẩn chứa kỷ niệm. Sắc vàng cho tháng 11 ấy làm người ta khắc khoải khó quên!
Hoa đào Nhật Tân còn mãi với thời gian. Ảnh: Tác giả cung cấp.
Nhiều người sẽ đồng ý với tôi rằng sắc hoa đào sẽ là linh hồn cho mùa hoa tháng 12 đến tháng 1 năm sau. Hoa đào về trên những thửa ruộng Nhật Tân, làm nên sắc Tết Hà Nội hội tụ nghìn năm, đó là đào Nhật Tân. Người Hà Nội chơi đào từ ngày ông Công ông Táo 23 tháng Chạp với những "cành đào mini" nhỏ nhắn. Đào nở hoa cũng là Tết sắp về!
Yêu hoa để thêm yêu Hà Nội, dáng Hà Nội nghiêng nghiêng bên chiếc xe đạp chở đầy hoa được những người bán hàng rong mang đi khắp 36 phố phường, qua từng con ngõ nhỏ rải đầy sắc hương làm đẹp cho đời. Mỗi vòng xe lăn bánh lại toả ra hương thơm, ánh lên vẻ đẹp Hà Nội – "đoá hoa" Hoà Bình.
Tác phẩm dự Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.
Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ II nhận bài viết dự thi kể từ thời điểm phát động tháng 4/2023, đăng tải bài viết từ ngày 01/5/2023 và kết thúc ngày nhận bài dự thi ngày 10/9/2023.
Cơ cấu giải thưởng: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 3 triệu đồng.
Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi sẽ được tổ chức vào đầu tháng 10/2023 tại Hà Nội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.