Gia Lâm trình đề án thành lập quận lên UBND TP.Hà Nội

Bách Thuận Thứ hai, ngày 10/07/2023 10:12 AM (GMT+7)
UBND huyện Gia Lâm đã có tờ trình đến UBND TP.Hà Nội về đề án thành lập quận Gia Lâm.
Bình luận 0

Cụ thể, tờ trình của UBND huyện Gia Lâm thể hiện, huyện Gia Lâm đã đạt các tiêu chí để thành lập quận và các phường thuộc quận.

Theo đó, huyện Gia Lâm hiện có diện tích 116 km2, dân số 310.000; 22 đơn vị hành chính (2 thị trấn và 20 xã), quận Gia Lâm sau khi thành lập sẽ có 16 phường.

Một số xã bị sáp nhập do không đạt tiêu chí diện tích tự nhiên (5,5 km2 trở lên) và dân số (15.000 người trở lên) để thành lập phường theo quy định.

UBND huyện Gia Lâm đề xuất nhập thị trấn Yên Viên với xã Yên Viên, lấy tên phường Yên Viên. Xã Kim Lan nhập với Văn Đức, lấy tên phường mới Kim Đức. Xã Đình Xuyên nhập với Dương Hà, lấy tên phường Thiên Đức theo tên dòng sông chảy qua hai xã. Xã Phù Đổng nhập với Trung Màu, lấy tên phường Phù Đổng vì gắn với truyền thuyết Thánh Gióng.

Gia Lâm trình đề án thành lập quận lên UBND TP.Hà Nội - Ảnh 1.

UBND huyện Gia Lâm đã có tờ trình lên UBND TP.Hà Nội về đề án thành lập quận Gia Lâm. Ảnh: DT

Xã Kim Sơn nhập với Phú Thị, ghép âm tiết tên hai xã thành tên phường mới Phú Sơn. Xã Đông Dư nhập với Bát Tràng, lấy tên phường Bát Tràng vì tên gọi đã có trong sử sách và thương hiệu gốm nổi tiếng.

Sau khi sáp nhập, quận Gia Lâm có 16 phường gồm Trâu Quỳ, Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Ninh Hiệp, Yên Thường, Cổ Bi, Đặng Xá, Dương Xá, Dương Quang, Lệ Chi, Yên Viên, Phù Đổng, Thiên Đức, Phú Sơn, Bát Tràng, Kim Đức.

Phía Gia Lâm cho biết, việc thành lập quận và các phường sẽ giúp hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ, nhất là các công trình hạ tầng đô thị, giao thông, y tế, giáo dục và các thiết chế văn hóa.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 12, HĐND TP.Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND TP.Hà Nội đã xem xét, thông qua nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có việc thông qua đề án thành lập quận Đông Anh.

100% đại biểu có mặt đã biểu quyết thông qua đề án thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận.

Theo tờ trình do Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Lê Hồng Sơn ký, trình HĐND TP.Hà Nội về việc đề nghị tán thành chủ trương thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận Đông Anh, UBND TP.Hà Nội, huyện Đông Anh là cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội, diện tích 185,68 km2, quy mô dân số đạt hơn 400 nghìn người, có 24 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc gồm thị trấn Đông Anh và 23 xã.

Gia Lâm trình đề án thành lập quận lên UBND TP.Hà Nội - Ảnh 2.

UBND huyện Gia Lâm cho biết, việc thành lập quận và các phường sẽ giúp hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ, nhất là các công trình hạ tầng đô thị, giao thông, y tế, giáo dục và các thiết chế văn hóa. Ảnh minh họa/Báo Xây dựng

Huyện này giáp ranh với các quận Long Biên, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm; tập trung nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch như đường cao tốc Thăng Long – Nội Bài, đường cao tốc Nhật Tân – Nội Bài, quốc lộ 5 kéo dài, quốc lộ 3, quốc lộ 3 mới, quốc lộ 23A, đường 23B mở rộng…

Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện Đông Anh có 2 tuyến đường sắt chạy qua là các tuyến nối trung tâm TP.Hà Nội với tỉnh Thái Nguyên, Lào Cai. Đặc biệt, trên địa bàn huyện cách sân bay quốc tế Nội Bài 13km – cửa ngõ thông thương với quốc tế đã tạo cho Đông Anh nhiều lợi thế phát triển mọi mặt về kinh tế - xã hội.

Trong những năm trở lại đây, Đông Anh đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và thương mại dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp một cách hợp lý; ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ gắn với bảo vệ môi trường bền vững.

Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định Đông Anh là khu vực đô thị trung tâm được phát triển mở rộng từ khu vực nội đô về phía Bắc TP.Hà Nội, với chức năng phát triển thương mại, giao dịch quốc tế, công nghiệp kỹ thuật cao, du lịch sinh thái, giải trí gắn với bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thông khu di tích Cổ Loa…

Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Đông Anh đến năm 202, tầm nhìn đến năm 2030, xác định xây dựng Đông Anh thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ tài chính thương mại và giao dịch quốc tế phía bắc sông Hồng, đóng vai trò là động lực phát triển ở phía bắc của Thủ đô.

Từ thực tế đó, để đảm bảo cho mục tiêu, định hướng phát triển và mang lại nhiều lợi ích cho huyện Đông Anh nói riêng, TP.Hà Nội nói chung, việc thành lập quận Đông Anh là phù hợp với hiện trạng phát triển và tốc độ đô thị hóa của huyện trong thời gian qua, tạo cơ sở pháp lý cho việc thiết lập mô hình tổ chức chính quyền đô thị phù hợp, tạo điều kiện để Đông Anh hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý hành chính Nhà nước…

Theo tờ trình của UBND TP.Hà Nội, quận Đông Anh thành lập dựa trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện; thành lập 24 phường thuộc quận Đông Anh trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 24 xã, thị trấn của Đông Anh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem