“Già làng đời mới”

Chủ nhật, ngày 18/05/2014 06:44 AM (GMT+7)
Thân hình chắc nịch, mái tóc quăn dài đến chấm lưng, da ngăm đen, tai bấm khuyên, khuôn mặt phúc hậu với nụ cười luôn thường trực trên môi… đấy là chân dung phác họa của “vị già làng đời mới” 53 tuổi - Krajan Plin.
Bình luận 0
53 tuổi đời, 14 “tuổi” làm già làng, ông Krajan Plin ở buôn Đang Ja, thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) được người Cơ Ho gần xa ngưỡng mộ, tôn kính không chỉ bởi tài năng, sự am hiểu văn hóa dân tộc mà còn là tấm gương cho đồng bào mình học theo cái mới…

“Làm già làng phải biết nhiều điều”


Thân hình chắc nịch, mái tóc quăn dài đến chấm lưng, da ngăm đen, tai bấm khuyên, khuôn mặt phúc hậu với nụ cười luôn thường trực trên môi… đấy là chân dung phác họa của “vị già làng đời mới” 53 tuổi - Krajan Plin.

Già làng Krajan Plin.
Già làng Krajan Plin.

Thời trẻ, Krajan Plin là một trong rất ít người Cơ Ho ở Lâm Đồng được gia đình nuôi cho ăn học đàng hoàng. Năm 1980, tốt nghiệp Trung cấp Y tế Lâm Đồng ông về làm cán bộ y tế của xã. Nhưng cái chân như của con thú trên rừng chẳng chịu đứng yên, Krajan Plin bỏ chân y tế, xin vào ngành điện để được đi khắp các buôn làng… dựng cột, kéo dây. Một ngày nọ, thấy người Tây đến tham quan núi Mẹ (Langbian) nói thứ tiếng gì mà chẳng lọt đến lỗ tai, ông khó chịu lắm. Liền sau đó, ông bỏ đi học tiếng Anh, Pháp cho đến khi nói chuyện được với người Tây mới thôi.

Năm 1991, Krajan Plin lại tiếp tục “làm mới” mình bằng việc tham gia Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh Lâm Đồng. 5 năm sau, ông lại bỏ Đoàn về nhà tự lập ban nhạc “Những người bạn Langbiang” - ban nhạc đầu tiên của huyện Lạc Dương chuyên biểu diễn văn hóa cồng chiêng phục vụ du khách. Để ban nhạc có dấu ấn riêng, đưa văn hóa của dân tộc mình vươn xa, Krajan Plin tự viết lời, soạn nhạc và trình bày bằng 2 thứ tiếng (Kinh và Cơ Ho). Nhiều sáng tác của ông đã được các ca sĩ chuyên nghiệp như Siu Black, Bonner Trinh, Cil Pơi… biểu diễn rất thành công.

Không chỉ được biết đến như một ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng, già làng Krajan Plin còn là một nghệ nhân tạc tượng dân gian chẳng thua kém ai. Ông kể: “Mình thấy các bạn dân tộc Ê Đê, Jrai, Ba Na… biết tạc tượng gỗ đẹp, tự nghĩ mình cũng là dân tộc Tây Nguyên, sống với núi rừng hoang sơ bao nhiêu đời rồi thì cũng phải biết tạc tượng chứ!”. Nghĩ là làm. Với sự am hiểu kho tàng văn hóa dân tộc, ông đã trở thành một nghệ nhân tạc tượng có tiếng… “Đã là già làng thì phải biết nhiều điều. Cái gì người ta đã biết thì mình còn phải biết nhiều hơn” – ông tâm niệm. Trong căn phòng làm việc của già làng Krajan Plin, tôi thật bất ngờ khi thấy cả hàng trăm quyển sách, máy tính để bàn và cả... laptop.

Giữ bản sắc dân tộc cho đời sau

"Có thể nói Krajan Plin đã trở thành biểu tượng của đồng bào Cơ Ho. Ông như cây đa vững chãi để đồng bào nương bóng mát”.
Ông Cil Khuynh

Từ khi được bà con tín nhiệm bầu làm già làng, điều mà ông Krajan Plin đau đáu nhất ấy là làm sao giữ được bản sắc dân tộc mình. Và đấy cũng chính là lý do mà hơn 10 năm qua, ông đã bôn ba khắp buôn gần, làng xa dày công sưu tầm để cho ra đời cuốn luật tục của người Cơ Ho. Cuốn luật tục gồm 1.000 điều chia làm 50 chương, là những điều răn, phép tắc, kinh nghiệm ứng xử… của tổ tiên người Cơ Ho. Điều đặc biệt, cuốn luật tục được ông Krajan diễn tả bằng thơ rất dễ đọc, dễ nhớ…

Ông Cil Khuynh - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thị trấn Lạc Dương cho biết: Không chỉ là một già làng tài hoa, nhiệt thành với văn hóa dân tộc mình, Krajan Plin còn được cộng đồng người Cơ Ho tôn kính, đặt mọi niềm tin. Bất kể những mâu thuẫn nào trong cuộc sống dù có căng thẳng đến mấy, khi ông có mặt và dàn xếp thì mọi chuyện đều ổn thỏa… “Có thể nói Krajan Plin đã trở thành biểu tượng của đồng bào Cơ Ho. Ông như cây đa vững chãi để đồng bào nương bóng mát” - ông Cil Khuynh tự hào nói.

Duy Hậu (Duy Hậu)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem