Giá loài cây trồng bạt ngàn ở U Minh Hạ giảm thấp chưa từng có, nông dân mất nửa thu nhập

Ngọc Quyên Thứ ba, ngày 09/08/2022 18:52 PM (GMT+7)
Giá cây tràm ở Cà Mau giảm thấp trong thời gian dài làm người trồng rừng ở U Minh Hạ gặp khó khăn, giảm khoảng 50% thu nhập so với 2 năm trước.
Bình luận 0

Cây tràm giảm giá phân nửa

Nhiều năm qua, tràm và keo lai là 2 loại cây rừng được trồng phổ biến ở vùng U Minh Hạ của tỉnh Cà Mau. Từ khoảng năm 2010 khi cây keo lai chiếm ưu thế phát triển thì giá cây tràm có chiều hướng tăng. Sau đó, người dân trở lại trồng tràm và diện tích tăng dần thì giá lại chiều hướng giảm, nhưng người dân vẫn sống khỏe nhờ trồng tràm.

Tuy nhiên, khi bị ảnh hưởng dịch Covid-19 từ năm 2021 giá cây tràm giảm mạnh và hiện vẫn ở mức rất thấp.

Giá cây tràm giảm thấp, người dân U Minh Hạ mất nửa thu nhập - Ảnh 1.

Cây tràm là nguồn thu nhập chính của nhiều người dân ở xứ U Minh Hạ. Ảnh: TH.

Ông Phan Văn Quang, người dân trồng rừng ở xã Khánh Lâm, huyện U Minh cho biết: "Trước thời điểm dịch, giá cây tràm loại tốt từ 170 triệu đồng/ha, còn bình quân cũng 120 triệu đồng/ha. Trong khi hiện nay giảm xuống chỉ còn khoảng 70 triệu đồng/ha".

"Người dân ở đây có thu nhập chính nhờ vào trồng chuối và cây tràm. Khoảng 2 năm nay cả hai loại này đều rớt giá, cuộc sống bà con xứ này rất vất vả", ông Quang chia sẻ.

Không chỉ giá giảm mạnh mà đầu ra cây tràm cũng đang gặp khó, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa như xã Khánh Lâm, Khánh Hòa, Khánh Thuận của huyện U Minh. Nhiều hộ dân có rừng tràm đã đến tuổi thu hoạch nhưng kêu thương lái đến mua cũng rất khó khăn, hoặc phải bán với giá thấp.

Giá cây tràm giảm thấp, người dân U Minh Hạ mất nửa thu nhập - Ảnh 2.

Giá cây tràm giảm phân nửa khiến đời sống người trồng rừng khó khăn. Ảnh: TH.

Ông Võ Minh Giàu, người dân ở xã Khánh Lâm cho hay: "Mảnh rừng của gia đình tôi nếu giá trước đây phải bán được hơn 1,5 tỷ đồng, còn hiện nay bán chỉ được một nửa. Tình hình hết sức khó khăn, dân có cây đến kỳ thu hoạch điện cho thương lái nhiều lần mới vô, mà vô thì đưa giá rất thấp".

Thị trường của cây tràm ngày càng thu hẹp

Tại U Minh Hạ, mỗi chu kỳ trồng tràm của người dân kéo dài khoảng 5 năm. Trong thời gian này, bà con sống nhờ 30% diện tích đất được phép sản xuất nông nghiệp cùng những hoa lợi dưới tán rừng như mật ong, cá đồng.

Ông Lâm Quốc Tiến, người trồng tràm ở xã Khánh Thuận cho biết, khi cây tràm đến tuổi thu hoạch thì dù giá thấp cũng phải bán. Chi phí đầu tư mỗi ha rừng tràm khoảng 25 triệu đồng. Khi người dân trồng rồi phải chăm sóc, tỉa cành, nhánh nên nên thêm một phần chi phí.

Giá cây tràm giảm thấp, người dân U Minh Hạ mất nửa thu nhập - Ảnh 3.

Thị trường của cây tràm ngày càng thu hẹp khiến cho giá tràm có chiều hướng giảm các năm gần đây. Ảnh: TH.

"Khi cây tràm đến kỳ thu hoạch mà để quá lứa thêm 1-2 năm thì khó bán được. Cây tràm đã rớt giá thời gian dài làm ảnh hưởng kinh tế, bởi đó là thu nhập bền vững của người dân sống với rừng", ông Tiến bộc bạch.

Theo ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau, giá cây tràm giảm một phần là do diện tích trồng mấy năm qua có chiều hướng tăng. Ngoài ra, cây tràm được dùng chủ yếu làm cừ trong xây dựng, nhưng gần đây giá vật liệu xây dựng tăng đã ảnh hưởng lĩnh vực xây dựng.

Bên cạnh đó, những công trình xây dựng ngày càng có quy mô lớn hơn nên nhu cầu dùng cừ tràm có xu hướng giảm. Trong tương lai, giá trị cây keo lai sẽ bền vững hơn cây tràm.

Vùng rừng sản xuất tại U Minh Hạ của tỉnh Cà Mau có diện tích khoảng 43.000ha. Trong đó, có khoảng 8.500ha rừng đặc dụng thuộc Vườn Quốc gia U Minh Hạ, còn lại đa số là rừng sản xuất, với 2 đối tượng cây trồng chính là tràm và keo lai. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem