Giá loại lương thực chủ lực tăng chóng mặt, một nước Đông Nam Á tìm cách nhập lượng khổng lồ từ Việt Nam
Giá loại lương thực chủ lực tăng chóng mặt, một nước Đông Nam Á tìm cách nhập lượng khổng lồ từ Việt Nam
K.Nguyên
Thứ tư, ngày 25/10/2023 18:52 PM (GMT+7)
Trong tháng 9/2023, Indonesia đã vượt Philippines trở thành nước nhập khẩu gạo của Việt Nam nhiều nhất. Với sức nóng của thị trường, dự báo Việt Nam có thể xuất khẩu 8 triệu tấn gạo trong năm 2023.
Theo bản tin của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và PTNT), El Nino đã khiến các cánh đồng lúa ở Indonesia chịu cảnh khô hạn trong nhiều tháng gần đây, dẫn tới tình trạng giá gạo nội địa tăng cao.
Cụ thể, giá gạo tại Indonesia đã đạt đỉnh trong ngày 16/10 ở mức 13.910 rupiah/kg (tương đương khoảng 21.500 đồng/kg), cao hơn 20% so với tháng đầu năm.
Do giá gạo tăng phi mã, nhiều nhà hàng tại Indonesia đã phải tăng giá bán, giảm khẩu phần cơm 1/3, thậm chí chấp nhận mua các loại gạo thứ cấp. Thiếu hụt nước cho vụ mùa cũng khiến nông dân ở nhiều khu vực của Indonesia, như Banten hay Trung Java, buộc phải chuyển sang canh tác ngô.
Bộ Nông nghiệp Indonesia dự báo sản lượng gạo của quốc gia này năm 2023 sẽ giảm khoảng 1,2 triệu tấn.
Việt Nam có thể xuất khẩu 8 triệu tấn gạo trong năm 2023, hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt 643 USD/tấn với gạo 5% tấm. Ảnh: Báo Cần Thơ.
Chính phủ Indonesia đã cố gắng hạn chế giá gạo tăng cao bằng cách xả kho dự trữ gạo với giá thấp hơn ở các thị trường truyền thống. Theo Bộ Nông nghiệp Indonesia, tổng sản lượng gạo năm 2023 được dự đoán sẽ giảm khoảng 1,2 triệu tấn do hiện tượng thời tiết El Nino.
Khác các quốc gia trồng lúa lớn khác như Ấn Độ và Việt Nam, Indonesia tiêu thụ phần lớn sản lượng của chính mình. Indonesia sản xuất được 31,5 triệu tấn gạo trong năm 2022, theo Cơ quan Thống kê Indonesia. Quốc gia đông dân thứ tư thế giới với 275 triệu người tiêu thụ khoảng 30 triệu tấn gạo mỗi năm.
Để bù đắp sự thiếu hụt này, Indonesia đang nhập khẩu 2 triệu tấn gạo từ các nước như Việt Nam và Thái Lan, dự kiến sẽ nhận được hàng trong tháng 11/2023. Đơn vị hậu cần Bulog thuộc nhà nước, được giao nhiệm vụ nhập khẩu, quản lý dự trữ gạo và phân phối gạo cho các hộ gia đình có thu nhập thấp.
Dự đoán một vụ thu hoạch kém và giá gạo vẫn ở mức cao, Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm 13/10 tuyên bố chính phủ sẽ nhập khẩu thêm 1,5 triệu tấn gạo, bên cạnh 2 triệu tấn đã được nhập khẩu. “Chúng ta cần đưa gạo ra thị trường để giá giảm dần”, ông nói.
Nhu cầu nhập khẩu gạo của Indonesia tăng đột biến đã giúp trong tháng 9/2023, Indonesia là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với khối lượng lên tới 166.086 tấn, trị giá 101,4 triệu USD, tăng 43,9% về lượng và 63,9% về trị giá so với tháng trước, còn so với cùng kỳ năm ngoái tăng gấp 40 lần về lượng và 52 lần về trị giá.
Ngoài ra, lượng gạo xuất khẩu sang các thị trường châu Phi như Gana hay Mozambique cũng tăng mạnh gấp hơn 2 lần so với tháng 9/2022.
Tính chung 9 tháng năm 2023, Philippines vẫn là khách hàng lớn nhất của gạo Việt Nam với khối lượng đạt 2,44 triệu tấn, trị giá 1,29 tỷ USD, giảm 1,1% về lượng nhưng tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022. Tiếp theo là Indonesia, xuất khẩu sang thị trường này tăng 17 lần về lượng.
Trong 15 ngày đầu tháng 10, Việt Nam đã xuất khẩu 307.827 tấn gạo, lũy kế từ đầu năm đến nay, lượng gạo xuất khẩu đã đạt 6,7 triệu tấn. Theo dự báo của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, năm 2023, Việt Nam có thể xuất khẩu hơn 8 triệu tấn gạo.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo thế giới niên vụ 2023/24 gần như không đổi so với mức dự báo trong tháng trước với 518,1 triệu tấn. Dự báo sản lượng gạo tăng tại Colombia và Triều Tiền, trong khi giảm tại Nhật Bản, Argentina và Mỹ. Tổng nguồn cung gạo thế giới niên vụ 2023/24 ở mức 691,0 triệu tấn, tăng 676.000 tấn so với mức dự báo tháng trước.
Tiêu dùng và tồn kho thế giới niên vụ 2023/24 được dự báo ở mức 523,5 triệu tấn, tăng 806.000 tấn so với mức dự báo tháng trước. Tồn kho cuối kỳ niên vụ 2023/24 được dự báo ở mức 167,5 triệu tấn, giảm 130.000 tấn so với mức dự báo tháng trước.
USDA dự báo thương mại gạo thế giới trong hai năm 2023 và 2024 đều tăng, với mức tăng xuất khẩu đối với các quốc gia Campuchia, Trung Quốc, Mỹ và Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.