Giá lợn (heo) hôm nay 12.11: Bão giá làm nông dân mất 100.000 tỷ đồng, kiến nghị khai thông thị trường Trung Quốc

Đ.T Chủ nhật, ngày 12/11/2017 05:00 AM (GMT+7)
Theo Hội Chăn nuôi Việt Nan, ảnh hưởng của giá lợn giảm kéo dài trong suốt hơn 1 năm qua đến ngày hôm nay, đã khiến nông dân và những người chăn nuôi mất 100.000 tỷ đồng. Trước tình hình đó, Hội đã có công văn kiến nghị gửi Quốc hội, Chính phủ có các giải pháp khai thông thị trường Trung Quốc...
Bình luận 0

Trong công văn số 114 gửi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị Thủ tướng khai thông, khai thác hiệu quả thị trường Trung Quốc nhằm thúc đẩy phát triển sản phẩm thịt lợn nói riêng và ngành chăn nuôi nói chung.

Trong công văn, Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, thời gian qua, mặc dù đã có sự vào cuộc rất tích cực của Chính phủ và Bộ NN&PTNT đã làm giảm thiểu đáng kể sự thua lỗ cho người chăn nuôi lợn trong nước lên tới trên 3.000 tỷ đồng mỗi tháng thời gian vừa qua. Nhưng điều đáng nói là khủng hoảng về cung cầu thị trường thịt lợn vừa qua đã làm mất đi phần lãi trên 100.000 tỷ đồng của người chăn nuôi lợn trong nước mà lẽ ra họ hoàn toàn được hưởng.

 img

Khủng hoảng thị trường lợn vừa qua đã làm mất đi phần lãi trên 100.000 tỷ đồng của người chăn nuôi lợn. Ảnh IT

Để “cứu” người chăn nuôi lợn nói riêng và ngành chăn nuôi nói chung, Hội Chăn nuôi Việt Nam gửi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kiến nghị khai thông và khai thác hiệu quả thị trường các nước trong khu vực, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, chính thị trường này mới là tiềm năng rất lớn cho chăn nuôi và thủy sản nước ta. Do vậy, ngoài việc phải nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm và hạ giá thành sản xuất của nông sản phù hợp với yêu cầu của thị trường này, thì vấn đề kiểm soát, hạn chế tối đa việc tạm nhập tái xuất đối với mặt hàng thực phẩm đông lạnh của các nước trên thế giới qua Việt Nam đưa vào Trung Quốc là vô cùng quan trọng.

Ông Vang khẳng định, việc làm này vừa được Nhà nước Trung ương Trung Quốc ủng hộ, vừa giữ được không gian thị trường nông sản cho Việt Nam.

Cũng trong văn bản này, Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng hiện nay khối lượng mặt hàng này (tạm nhập vào Việt Nam tái xuất sang Trung Quốc) là rất lớn, khoảng trên 5 triệu tấn/năm (tương đương toàn bộ sản lượng thịt các loại của cả ngành chăn nuôi nước ta sản xuất ra).

Mặt khác, sản phẩm các loại thực phẩm đông lạnh tạm nhập tái xuất này đều là thứ phẩm của các nước phát triển với giá rất rẻ, do người tiêu dùng ở các nước này ít sử dụng làm thực phẩm, nên sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam không thể cạnh tranh nổi, như cổ, cánh, chân, đầu, phủ tạng gia súc, gia cầm của các nước phát triển và thịt trâu, bò của các nước có tôn giáo không dùng thịt mà chỉ dùng sữa như Ấn Độ…

Phản ánh của các doanh nghiệp và những người dân chuyên buôn bán nông sản ở các tỉnh vùng biên giữa hai nước Việt - Trung là mặt hàng thực phẩm đông lạnh tạm nhập tái xuất gia tăng bao nhiêu thì nông sản Việt Nam càng khó sang Trung Quốc bấy nhiêu, nhất là các mặt hàng xuất khẩu tiểu ngạch, trong đó đặc biệt là với mặt hàng lợn thịt. Vì ngoài giá rẻ (thậm chí có thông tin là không ít cơ sở chế biến của nhiều nước phát triển còn “bán như cho không”) được nhập lậu vào Trung Quốc, hoàn toàn trốn thuế, trốn kiểm dịch, nên khả năng cạnh tranh về giá cũng như “thủ tục” với những sản phẩm chăn nuôi, thủy sản của Việt Nam là rất lớn.

Trong công văn, Hội Chăn nuôi Việt Nam đề nghị Quốc hội và Chính phủ cho điều tra, giám sát, đánh giá đầy đủ về bản chất của hoạt động tạm nhập tái xuất mặt hàng thực phẩm đông lạnh này và cân nhắc tới lợi ích quốc gia, lợi ích lâu dài cả về kinh tế và ngoại giao của đất nước so với lợi ích trước mắt khi chỉ có một nhóm người được hưởng lợi, mà hưởng nhiều vẫn là các “thương lái” Trung Quốc.

Cũng không loại trừ khả năng được “giữ lại một phần” tiêu thụ ngay trong nước gây xáo trộn, lũng đoạn thị trường Việt Nam và là nguồn dịch bệnh và thực phẩm không an toàn.

Còn nguồn thu từ phần phí dịch vụ của các tỉnh vùng biên là không đáng kể, nếu so với những tổn thất về hạ tầng cầu cảng, giao thông của nhà nước đã đầu tư và nông sản trong nước không tiêu thụ được. Có lợi ích nhóm ở trong việc này, đó có thể là những người liên quan đến chính sách cho phép tạm nhập tái xuất, đến hải quan trong khi mất mát của quốc gia, của những người chăn nuôi Việt Nam thì quá lớn.

Bên cạnh đó Hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị Quốc hội và Chính phủ cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, kiểm soát tốt chất lượng và an toàn nông sản, thực phẩm bằng các quy trình quy phạm…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem