Tối 12.10, ông Lưu Vũ Lâm – Chủ tịch UBND huyện Yên Định (Thanh Hóa) xác nhận với phóng viên Dân Việt về một trang trại lợn có 4.000 con trên địa bàn huyện này đã bị chết trong lũ, là của Công ty Thái Dương gia công với Trại giam số 5 của Bộ Công an, được nuôi ở thị trấn Thống Nhất (huyện Yên Định).
Không kịp cứu vớt, hàng nghìn con lợn trong trang trại đã bị chết, nhưng chưa tiêu hủy được. Ảnh: IT
Cũng theo ông Lâm, hiện nay, nước lũ đang rất lớn, khiến đê sông Hép bị sạt trượt. “Chúng tôi đang ở hiện trường để chỉ đạo công tác bảo vệ đoạn đê sung yếu này. Việc trang trại lợn 4.000 con bị chết trong nước lũ là có. Tuy nhiên, hiện nay chưa có điều kiện để đưa đi tiêu hủy vì đang bị nước lũ bao vây. Huyện đang chờ nước lũ rút đi, để xử lý vấn đề này”, ông Lâm cho hay.
Trước các diễn biến về lũ lụt lịch sử ở miền Bắc trong những ngày gần đây, có nhiều ý kiến đánh giá, giá lợn sẽ tăng trong vài ngày hôm nay. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy, giá lợn sẽ tăng lên, bởi theo Cục Chăn nuôi, nguồn lợn trong dân và của các công ty hiện vẫn còn khá dồi dào.
Tuy vậy, một chuyên gia cho rằng, có thể xảy ra việc tăng giá thịt lợn cục bộ ở một vài địa phương vùng ngập lụt do công tác vận chuyển khó khăn. Song theo thông tin mà Dân Việt mới nắm được, giá lợn ở miền Bắc trong ngày hôm nay vẫn ở quanh ngưỡng 30.000 đồng/kg. Hiện hầu hết các trại lợn lớn đều được nuôi tập trung ở các nơi cao, nên không chịu nhiều ảnh hưởng do lũ lụt gây nên.
Tại các chợ bán lẻ của Hà Nội, giá thịt lợn trong ngày hôm qua cũng không có nhiều biến động, phổ biến ở các mốc 60.000 đồng, 70.000 đồng, 75.000 đồng và 90.000 đồng/kg tủy loại thịt.
Ông Nguyễn Đức Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, đến thời điểm này chưa có con số chính xác về số hộ bỏ nuôi lợn. Bởi lẽ con số mà các tỉnh báo cáo cũng chưa chính xác, có tỉnh báo cáo, có tỉnh không báo cáo nên Cục Chăn nuôi không nắm được cụ thể.
Cũng theo ông Trọng, hiện các tập đoàn, doanh nghiệp chăn nuôi lớn như C.P không có động thái giảm đàn, trong khi các doanh nghiệp có đàn lợn rất lớn (cả đàn nái và đàn thịt). “Chúng tôi không nắm được số lượng đàn lợn của họ là bao nhiêu. Dù chúng tôi cũng hay làm việc, trao đổi nhưng họ chỉ nói chung chung. Mặc dù họ vẫn có kế hoạch sản xuất hàng năm nhưng họ không thông tin lại nên rất khó quản lý” - ông Trọng cho hay.
Theo ông Trọng, cần phải xác định trong chăn nuôi, kể cả gia cầm, cũng có lúc thăng, lúc trầm. Điển hình như việc chăn nuôi lợn, trong thời gian dài từ 2011 đến đầu 2016, giá lợn liên tục tăng cao, có thời điểm tăng đến 52.000 đồng/kg, thì từ cuối năm 2016 đến giờ, giá lợn mới trầm xuống. Trong khi đó, tỷ lệ chăn nuôi lợn chiếm thị phần cao trong chăn nuôi (73%) nên khi giá lợn giảm sâu sẽ ảnh hưởng đến nhiều đối tượng.
"Theo dự đoán của tôi, nếu số lượng lợn giảm đi thì giá lợn từ nay đến cuối năm chắc chắn sẽ tăng, song mức tăng sẽ không đột biến như thời gian trước" – ông Trọng cho biết.
Tiêu hủy 70 con lợn bị bơm thuốc an thần
Trong một diễn biến khác, thông tin từ Thanh tra chuyên ngành, Chi cục Thú y TP.HCM vào chiều 12.10 cho hay, đơn vị này vừa tiêu hủy lô 70 con heo bị phát hiện dương tính với thuốc an thần. Số heo này được ông Nguyễn Văn Phụng - chủ lò mổ Hòa Phú, khai là có nguồn gốc từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trước đó, ngày 10.10, ông Phụng đưa 70 con heo (trọng lượng khoảng 6,3 tấn) vào cơ sở Hòa Phú để giết mổ. Qua kiểm tra lâm sàng, cơ quan thú y TP.HCM phát hiện heo có biểu hiện tiêm thuốc an thần như mệt mỏi, thân ửng đỏ, mắt nhắm nghiền, lê lết khi di chuyển… nên đã lấy ba mẫu nước tiểu kiểm định. Kết quả kiểm định ghi nhận cả ba mẫu chứa tồn dư thuốc an thần ở hàm lượng cao.
Tiêu hủy heo bị tiêm thuốc an thần
Sau khi có kết quả kiểm định, ông Phụng tự nguyện xin tiêu hủy lô heo dương tính với thuốc an thần. Tuy nhiên, ông Phụng cho rằng, cơ sở này không tiêm thuốc cho heo tại lò giết mổ, có thể heo được tiêm lúc bắt ở trang trại hoặc trên đường vận chuyển.
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Xuân Trung – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, đơn vị này đã nhận được “thông tin truyền miệng” từ phía TP.HCM, rằng có lô heo nhập từ Bà Rịa - Vũng Tàu bị phát hiện dương tính với thuốc an thần.
Tuy nhiên, văn phòng Chi cục Thú y tỉnh này vẫn chưa nhận được công văn thông báo hay đề nghị phối hợp giải quyết sự việc từ phía TP.HCM. Do vậy, tới thời điểm hiện tại, ngành thú y tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn chưa xác định được cụ thể sự việc như thế nào, việc tiêm thuốc an thần thực hiện ở công đoạn nào hay hướng giải quyết ra sao…
Dự kiến, sáng mai, ngành thú y Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tìm cách cụ thể để làm rõ vấn đề, không gây hoang mang dư luận cũng như ảnh hưởng tới người chăn nuôi. Còn về phía Chi cục Thú y TP.HCM, cơ quan này đã có văn bản gửi Chi cục Thú y Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị kiểm tra xác minh và báo cáo vụ việc.
Thông tin lô heo 3.750 con bị tiêm thuốc an thần tại lò mổ Xuyên Á còn chưa "nguội", TP.HCM lại phát hiện thêm một lô khác dương tính với thuốc an thần.
Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban quản lý ATTP TP.HCM nhận định, những vụ phát hiện heo tiêm thuốc an thần gần đây cho thấy các ban ngành đang làm mạnh tay với các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm, “siết” chặt việc tranh tra, kiểm tra từ khâu nuôi trồng, giết mổ đến lúc phân phối ra thị trường.
“Trước đây, cán bộ Thú y cũng đã phát hiện rất nhiều vụ heo bị tiêm thuốc an thần, cho ăn chất kháng sinh chứ không phải đến bây giờ mới có. Tuy nhiên, việc để heo không an toàn ra ngoài thị trường vẫn diễn ra. Điều này chứng tỏ vẫn còn nhiều lỗ hỏng trong công tác quản lý, kiểm soát. Đã đến lúc chúng ta phải mạnh tay hơn, từng bước xóa bỏ thực phẩm bẩn”, bà Lan cho hay.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, giá thịt heo tại TPHCM hôm qua và cả hôm nay không chịu nhiều tác động sau sự kiện này. Nguyên nhân là, người dân đã yên tâm hơn khi TPHCM quyết định tiêu hủy thịt heo bị bơm thuốc an thần chứ không giữ lại để nuôi đào thải rồi lại bán ra thị trường như trước kia.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.