Thương lái chọn mua heo hơi tại chợ đầu mối gia súc - gia cầm huyện Bình Lục (tỉnh Hà Nam). Ảnh: Trần Quang
Theo thông tin mới đây từ Bộ Công Thương, một số nhà phân phối, siêu thị, doanh nghiệp phản ánh việc khó tiếp cận nguồn hàng thịt lợn của các nhà sản xuất, trang trại, công ty chăn nuôi, trong đó có Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, mặc dù các nhà sản xuất này còn nguồn hàng. Liệu có phải C.P đang "găm" hàng không, thưa ông?
- Giá heo hơi trên thị trường hiện nay nhiều nơi đã lên tới hơn 90.000 đồng/kg, thậm chí có nơi đã đạt 95.000 đồng/kg, trong bối cảnh đó C.P vẫn chỉ bán hơn 80.000 đồng/kg (ngày 18/12 giá heo hơi của C.P đạt cao nhất 83.000 đồng/kg đối với heo siêu 3 máu - P.V). Chúng tôi có tăng giá nhưng điều chỉnh chậm hơn vài nhịp so với giá thị trường. Thực tế là hiện nay giá heo hơi ngoài thị trường rất nhiều thang nấc, tuỳ tình hình địa phương.
C.P đồng hành chia sẻ với người tiêu dùng, chúng tôi chỉ bán giá thấp hơn thị trường chứ không thể cam kết không tăng giá. Các doanh nghiệp, đơn vị khác đang bán heo hơi với giá cao hơn rất nhiều.
Lượng sản phẩm của C.P hiện nay không đủ để chi phối giá cả thị trường như nhiều người nghĩ. C.P Việt Nam muốn bán giá thấp để góp phần bình ổn thị trường cũng không được, vì sản lượng của chúng tôi không đáng kể gì so với lượng thị trường thiếu hụt.
Hiện, mỗi ngày C.P bán ra thị trường khoảng 13.000 – 16.000 con heo thịt và chủ yếu cung cấp cho những khách hàng quen, đối tác lâu năm. C.P cũng không thể giữ hàng hay “găm” hàng lại trong chuồng như bà con nuôi nhỏ lẻ. Thực tế trọng lượng heo C.P bán ra ngày càng nhỏ, hiện bình quân 110kg/con, trong khi trước đây thường phải là 120-130kg/con.
Bán heo to hơn lợi nhuận sẽ cao hơn, nhưng hiện nay chúng tôi không thể giữ lại chuồng nuôi lâu hơn nhằm đảm bảo vòng quay sản xuất, nhất là đáp ứng nhu cầu của bạn hàng và người tiêu dùng.
Ông Kiều Đình Thép, Giám đốc Kinh doanh Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam. Ảnh: T.L
So với trước khi có dịch tả lợn châu Phi, đàn heo thịt của C.P tăng hay giảm, thưa ông?
Giai đoạn trước, để tránh bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, C.P cũng đã có chủ trương giảm đàn nái, cơ cấu lại đàn thịt. Có thời điểm chúng tôi bán ra nhiều nên bây giờ bị thâm hụt.
Lợn cũng là một trong những sản phẩm cạnh tranh trong thị trường và có rất nhiều thành phần tham gia vào chuỗi thị trường đó. Tuy nhiên để giữ được đàn heo bán lúc này thì chủ yếu do cách quản lý, phòng chống dịch bệnh và phương án sản xuất của mỗi doanh nghiệp, trang trại.
Về mặt giá cả, khi thị trường thiếu nguồn cung thì chắc chắn giá sẽ tăng lên. Giá heo hơi trên thị trường đã tăng trên 90.000 đồng/kg từ nhiều ngày nay, trong khi C.P vẫn chỉ bán 81.000 - 82.000 đồng/kg. Nếu cứ nói C.P "thao túng" thị trường thì chúng tôi phải là người dẫn dắt giá cả trước thị trường chứ?
Theo ông giá heo hơi tăng cao như hiện nay là do khan hiếm thật, hay do thương lái "thổi giá"?
Giá cả được hình thành qua quan hệ cung – cầu. Cầu quá nhiều mà cung có ít, thương lái rất muốn mua thì giá sẽ tăng. Chứ không thể có một “bàn tay”, hay doanh nghiệp nào tác động, cũng không phải do thương lái dùng chiêu trò “thổi giá”.
Thực tế là ở nhiều địa phương, heo hơi đang khan hiếm do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thương lái phải hỏi mua nhiều chỗ trong khi người nông dân thì luôn muốn bán được giá cao nhất.
Nhìn lại ngành chăn nuôi 3 năm qua, với những đợt bão giá, bão dịch bệnh, người chăn nuôi nhiều phen “chết đi sống lại”. Đúng là lúc này người chăn nuôi lợn đang có lợi về giá, nhiều người có cơ hội thu lợi nhuận, nhưng để bù đắp được thua lỗ trong 3 năm qua thì chưa thể.
Thú thật, chúng tôi luôn mong heo hơi được giá để người chăn nuôi duy trì, gắn bó với nghề. Nếu cứ bão giá, bão dịch bệnh mãi thì ai dám đầu tư vào con heo?
Ông có thể cho biết C.P đang chuẩn bị bao nhiêu con heo cho thị trường Tết Nguyên đán năm nay?
Theo vòng quay của sản xuất và kinh doanh, chúng tôi cũng đã có tính toán để cân đối sản xuất dựa trên năng lực và việc này đã đi vào quỹ đạo để lúc nào C.P cũng có hàng bán cho khách. Heo là mặt hàng thực phẩm tươi sống, "găm" hàng rất khó và tốn kém.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi như hiện nay, chúng tôi vẫn luôn cố gắng để đảm bảo cung cấp đủ lượng hàng như với bình thường trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Theo kế hoạch sản xuất từ nay tới năm 2020, C.P sẽ tăng đàn nái lên khoảng 10% so với cùng kì năm trước.
Xin cảm ơn ông!
Theo một lãnh đạo của Tập đoàn C.P, hiện nguồn lợn từ các trại thuộc C.P cũng đang chịu thiệt khi chỉ bán ra với giá 80.000-81.000 đồng/kg lợn hơi. Hiện do nguồn cầu lớn, nên thay vì xuất lợn đạt trọng lượng 120-130kg, các trại lợn C.P đã phải xuất lợn từ 90-96kg. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.