Giá lợn hơi duy trì mức cao, chợ đầu mối về hơn 1.000 con/ngày, thương lái buôn bán tấp nập
Giá lợn hơi duy trì mức cao, chợ đầu mối về hơn 1.000 con/ngày, thương lái buôn bán tấp nập
Thứ sáu, ngày 14/07/2023 13:23 PM (GMT+7)
Thời gian gần đây, giá lợn thịt tăng đột biến (đang duy trì ở mức bình quân 62 - 63 nghìn đồng/kg), cao nhất trong khoảng 2 năm nay. Với mức giá lợn hơi như hiện tại, người chăn nuôi có lãi trở lại sau thời gian dài chủ yếu hòa vốn.
Giá lợn hơi tăng đều, tín hiệu khởi sắc cho ngành chăn nuôi
Khoảng 3 tuần trở lại đây, mỗi kg lợn thịt tại địa bàn tỉnh Hà Nam tăng mạnh từ mức 52 – 53 nghìn đồng lên 62 nghìn đồng/kg. Người chăn nuôi có lợn xuất chuồng thời điểm này đang thu được lợi nhuận khá cao.
Anh Dương Đức Hùng, xã Văn Xá (Kim Bảng) có quy mô chăn nuôi 150 con lợn thịt/lứa vừa xuất bán hơn 60 con lợn thịt, tương đương tổng trọng lượng hơn 8 tấn với giá 62 nghìn đồng/kg. Được biết, anh Hùng chăn nuôi lợn thịt theo quy trình khép kín. Cách làm này giúp ổn định và phát triển tốt chăn nuôi, nhất là thu được lợi nhuận cao hơn khi giá bán lợn thịt tăng.
Anh Hùng chia sẻ: Giá lợn tăng đem lại lợi nhuận cao cho người chăn nuôi, thúc đẩy phát triển sản xuất sau thời gian dài duy trì đàn. Hiện tại, gia đình tôi còn khoảng trên 60 con lợn thịt chuẩn bị xuất chuồng trong những ngày tới, hi vọng giá tiếp tục tăng thêm.
Tại chợ đầu mối gia súc, gia cầm Hà Nam (xã Bối Cầu, Bình Lục) giá lợn hơi đang duy trì ở mức cao trong nhiều phiên gần đây. Mức giá lợn thịt thấp nhất tại chợ cũng đạt hơn 60 nghìn đồng/kg. Cụ thể, với lợn loại 1 có giá 64 – 65 nghìn đồng/kg, số còn lại cơ bản giá bán ở mức 62 – 63 nghìn đồng/kg.
Bình quân mỗi ngày thương lái đưa về chợ bán hơn 1.000 con, đều cơ bản được bán hết, không còn tồn đọng nhiều như trước. Nguồn lợn thịt bán tại chợ hiện nay chủ yếu từ các trại chăn nuôi lợn ở khắp các tỉnh, thành phố, kể cả từ miền Nam, miền Trung.
Anh Nguyễn Văn Chinh, quản lý chợ đầu mối gia súc, gia cầm Hà Nam cho biết: Giá lợn thịt tăng cao, hoạt động buôn, bán tại chợ khá sôi động, khách hàng về mua nhiều hơn trước. Với chiều hướng như hiện nay, giá lợn hơi sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao, khả năng tăng thêm một vài giá.
Giá lợn tăng cao như hiện nay, người chăn nuôi đang có lãi khá tốt. Với chi phí nuôi lợn thịt vừa qua hơn 5 triệu đồng/con có trọng lượng ở mức 100 kg, sẽ cho lợi nhuận 1 triệu đồng. Những hộ chủ động được con giống lợi nhuận đạt cao hơn. Tín hiệu cho chăn nuôi lợn càng khởi sắc hơn khi giá thức ăn chăn nuôi giai đoạn gần đây cũng giảm khoảng 500 – 750 đồng/kg sau một thời gian dài tăng liên tục.
Qua tìm hiểu được biết, giá lợn thịt tăng lên hiện nay nguyên nhân phần nhiều là do hạn chế nguồn cung. Sau một thời gian dài giá lợn thịt xuống thấp, dịch bệnh diễn biến phức tạp dẫn đến thua lỗ, phần lớn chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ không còn duy trì, tỷ lệ trống chuồng cao. Chăn nuôi lợn hiện nay chủ yếu phát triển ở các hộ chăn nuôi quy mô tập trung, trang trại của các doanh nghiệp.
Ngay nguồn lợn đưa về Chợ đầu mối gia súc gia cầm Hà Nam được bắt từ trong dân tại tỉnh rất ít, chỉ chiếm khoảng hơn 20%, tuy nhiên số lượng này không đều, có phiên vắng bóng. Nhìn tổng thể, đàn lợn của tỉnh thời gian qua giảm, chỉ còn duy trì ước khoảng trên 300 nghìn con, so với 370 nghìn con trước đây.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi – Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Giá lợn thịt tăng lên giải quyết được khó khăn cho người chăn nuôi, nhất là chi phí đầu tư. Với mức lợi nhuận như hiện nay sẽ giúp phục hồi và phát triển lại đàn lợn trong các trang trại và nông hộ. Đàn lợn sẽ tăng mạnh tại các trang trại và doanh nghiệp chăn nuôi do hội đủ các yếu tố về tiềm lực kinh tế, chủ động nguồn con giống... Đây là hướng phát triển chăn nuôi của tỉnh trong thời gian tới.
Tiêu thụ lợn thịt hiện nay của người chăn nuôi trong tỉnh vẫn dựa hoàn toàn vào thị trường tự do, nên giá bán thiếu ổn định. Do vậy, tác động trực tiếp đến quá trình đầu tư sản xuất. Vì thế, khi giá lợn thịt tăng cao người dân cần cẩn trọng khi phát triển đàn. Theo dõi sát diễn biến thị trường để quyết định mức độ nâng số lượng đàn.
Đồng thời, áp dụng tốt phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nhất là chú trọng đến công tác phòng, chống dịch bệnh, như: Tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine, thường xuyên vệ sinh thú y...
Thực tế, qua giám sát chủ động cho thấy nguồn virus của các loại bệnh vẫn tồn tại trong môi trường tự nhiên và rất dễ phát sinh khi có điều kiện thuận lợi. Cùng với đó, người chăn nuôi, nhất là theo quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình thực hiện việc tự phối trộn thức ăn từ các nguồn sẵn có, trong đó có phụ phẩm nông nghiệp từ chế biến, như: Bã đậu, bã rượu… Làm tốt phương pháp này giúp hạ chi phí, giá thành sản phẩm, ứng phó được tình trạng giá lợn thịt trên thị trường bấp bênh.
Chăn nuôi lợn vẫn đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp nói chung và nội bộ ngành chăn nuôi nói riêng. Do vậy, song song với phát triển sản xuất từ quá trình tăng giá bán lợn thịt, người chăn nuôi cần quan tâm, tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu, nhất là về kỹ thuật giúp bảo đảm sự ổn định và hiệu quả.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.